Thua kiện, Vietnam Airlines phải bồi thường 5,2 triệu euro

06/06/2006 09:57 GMT+7

Cuối cùng thì Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã phải trả giá cho sự vô trách nhiệm của mình: Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) vừa tuyên y án sơ thẩm, buộc VNA phải trả 5,2 triệu euro (tương đương trên 100 tỷ đồng) cho nguyên đơn Maurizio Liberati, người Ý.

Tiền bồi thường tăng gần 60 lần

Như vậy, sau một thời gian trì hoãn để thi hành án và kháng cáo, khoản tiền mà VNA buộc phải bồi thường đã tăng khoảng 1 triệu euro. Bản án phúc thẩm ngày 9/3/2006 có hiệu lực thi hành ngay sau khi bị đơn nhận được bản án. Và nay, khi nhận được bản án trên, VNA phải chuyển ngay 5,2 triệu euro vào tài khoản phong tỏa được mở theo tên của ông Chủ tịch luật sư đoàn Paris. Khi thời hiệu kháng cáo kết thúc, ông Maurizio Liberati sẽ nhận được khoản tiền trên.

Hiện Thường trực Chính phủ đã được lãnh đạo VNA báo cáo vụ việc nghiêm trọng này. Sự vụ này bắt đầu từ năm 1991, VNA ký hợp đồng thuê Công ty Falcomar (Ý) làm đại lý hàng không tại nước này. Từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, Falcomar thuê ông Maurizio Liberati làm tư vấn chuyên nghiệp. Ngày 14/9/1994, Liberati đệ đơn lên tòa án Roma yêu cầu Falcomar và VNA phải trả lương, trả công cho ông ta. Vụ việc được tòa án Roma xét xử ngày 30/11/1995, nhưng VNA không cử đại diện tham dự dù ngày 1/11/1994 đã được Đại sứ quán Ý tại Việt Nam chuyển giấy thông báo.

Ngày 2/5/2002, VNA nhận được phán quyết của tòa án Roma yêu cầu phải trả hơn 4,3 triệu euro trong 30 ngày, nếu không sẽ bị phong tỏa tài sản. Và, đầu tháng 2/2004, Ủy ban đòi nợ và tịch biên của Cộng hòa Pháp thông báo họ đã phong tỏa hơn 1,3 triệu euro tại một tài khoản BST (thu bán đại lý) của VNA để bảo đảm thanh toán cho ông Maurizio Liberati (lúc này, việc thực thi phán quyết của tòa án Ý được chuyển sang tòa án của Pháp để thực hiện).

Tiền “chùa”, không ai xót!

Còn nhớ hồi đầu năm 2005, ông Lê Đức Tứ (Ủy viên Hội đồng quản trị VNA, giữ chức tổng giám đốc từ tháng 4/1993 đến tháng 4/1998) cho rằng vụ Liberati không liên quan VNA. Theo ông, việc ký hợp đồng đại lý với Falcomar được thực hiện từ tháng 11/1992 với Tổng Công ty Hàng không VN (cũ). Sau đó, tổng công ty này giải thể, năm 1995, Tổng Công ty Hàng không VN (mới) được thành lập. Hợp đồng với Falcomar thanh lý từ năm 1995! Về vụ việc này, Tổng Giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển cũng từng khẳng định: Không có bất kỳ tài liệu gì chứng tỏ tổng công ty có liên quan đến luật sư Liberati.

Vì suy nghĩ như vậy nên dù biết sự việc xảy ra từ tháng 5/2002 nhưng đến tháng 6/2004, VNA mới có báo cáo Chính phủ. Và mới đây họ báo cáo gửi Thủ tướng, trong đó đề xuất là phải nộp ngay 5,2 triệu euro lấy từ Quỹ dự phòng của VNA.

Liệu VNA còn cơ may nào để đảo lại tình thế? Câu trả lời là hầu như không. Một luật sư đứng ra bảo vệ cho VNA vừa khuyên VNA tốt nhất là... nộp tiền bồi thường ngay và không nên đệ đơn kháng án lên tòa thượng thẩm. Thủ tục chống án ở cấp thượng thẩm thường mất 3-4 năm, chi phí rất tốn kém và phải trả lãi cao hơn hẳn so với giai đoạn vừa qua. Quan trọng là, việc chống án không thể tác động tới quá trình thực thi bản án phúc thẩm. Bởi chức năng của tòa này chỉ là xem xét các quyết định của tòa phúc thẩm có tuân thủ các quy định tố tụng hay không chứ không xem xét lại sự việc, chứng cứ hay tính xác thực của vụ việc. Trong khi đó, nếu chậm trả tiền VNA sẽ phải đối mặt với việc ông Maurizio Liberati tìm cách yêu cầu tòa tiếp tục tịch biên các tài sản như đại lý, máy bay... của VNA. Điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của tổng công ty cũng như uy tín của hãng hàng không quốc gia này.

Như vậy, ban đầu đây chỉ là vụ kiện của một người làm công. Số tiền đòi bồi thường ban đầu chỉ khoảng 90.000 USD. Nhưng nay sau 10 năm, số tiền phải bồi thường đã tăng lên gần 60 lần! Dân phải đóng thuế mà trả cho VNA vì đến nay, chưa một lãnh đạo nào của tổng công ty bị quy trách nhiệm về khoản thiệt hại khổng lồ nói trên.

Theo Nam Quốc/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.