Thua lỗ vì "lô cốt" - Bài 1: Nỗi kinh hãi của hộ kinh doanh

15/03/2009 22:29 GMT+7

* Chính quyền cũng kêu! * Mỗi tuần có thêm 20 "lô cốt" Mời nghe đọc bài Thông tin tổng chiều dài đường tại TP.HCM bị đào trong năm 2009 lên đến 75 km - thay vì chỉ 56 km theo kế hoạch ban đầu - là nỗi kinh hãi tột cùng của những hộ kinh doanh trên những tuyến đường có "lô cốt" mọc lên.

Chặn phòng trà

Một trong những nạn nhân điển hình của "lô cốt" là ca sĩ Ánh Tuyết (chủ phòng trà ATB tọa lạc số 197/4 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận). Tiếp xúc với PV Thanh Niên chiều 13.3, Ánh Tuyết cho biết trước đây phòng trà của chị nằm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) rất đông khách, tháng nào cũng có lãi. Khoảng tháng 3.2007, chị chuyển phòng trà ATB từ Q.1 về đường Nguyễn Văn Trỗi và chi ra hơn 3 tỉ đồng đầu tư xây dựng lại mới hoàn toàn. Khi phòng trà đi vào giai đoạn hoàn tất, chuẩn bị khai trương thì đột nhiên một "lô cốt" to đùng mọc lên án ngữ ngay trước cửa. Đêm khai trương (khoảng tháng 7.2007), mặc dù chị đã gửi thư mời có bản đồ chỉ dẫn địa chỉ cụ thể nhưng nhiều khách không thể nào tìm thấy vì mặt tiền bị che lấp, khiến cả chủ và khách tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại... chỉ đường.

"Mới đầu tôi nghĩ công trình sẽ xong sớm nên ráng chờ, nhưng đến nay thực sự tôi đã đuối sức và không biết công trình này khi nào hoàn thành", Ánh Tuyết rầu rĩ.  Chị cho biết, kể từ ngày hoạt động đến nay, mỗi tháng phòng trà của chị lỗ bình quân 40 triệu đồng. Tổng lỗ đến nay đã hơn 2 tỉ đồng và chưa khấu hao tài sản (hơn 3 tỉ đồng) được đồng nào.

 

Nhiều hộ kinh doanh trên đường Lê Hồng Phong (Q.10) vắng khách do thi công rào chắn - Ảnh: Minh Nam

Cũng theo Ánh Tuyết, không chỉ riêng chị mà nhiều người dân khác đều ủng hộ các công trình đem lại lợi ích dân sinh, nhưng việc thi công chậm trễ gây thiệt hại kinh tế cho người dân thì không thể chấp nhận được. "Chỉ đặt cống thoát nước một đoạn ngắn mà 2 năm trời chưa hoàn thành. Hơn nữa, công trình có quá ít người làm, không ít lần cả tuần tôi chẳng thấy có ai đến làm. Tại sao chủ đầu tư không tập trung thi công đúng theo kế hoạch, không thi công theo dạng cuốn chiếu để người dân bớt khổ? Thiết nghĩ, nếu muốn đặt rào chắn ở đâu, cơ quan chức năng nên có kế hoạch thông báo rộng rãi, cụ thể trên báo đài, qua chính quyền địa phương trước 1 - 2 tháng để người dân biết mà lên kế hoạch kinh doanh hợp lý", Ánh Tuyết nói.

"Ngăn sông cấm chợ"

Đường Lý Thường Kiệt, Q.10, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, sắt thép. Các chủ cửa hàng chọn con đường này vì kinh doanh hàng cồng kềnh nên cần diện tích rộng rãi mới có thể vận chuyển, mua bán. Thế nhưng từ khi dãy "lô cốt" mọc lên trên tuyến đường, các hộ kinh doanh ở đây giảm doanh thu thấy rõ. Anh Nguyễn Đức Tiến, chủ cửa hàng Ti Đức Tiến, bức xúc: "Ngăn sông cấm chợ kiểu này buôn bán gì được. Xe cộ không thể ra vào, hàng hóa làm sao lưu thông? Mấy "ông lô cốt" thích thì dựng, muốn thì làm, không thì nghỉ. Chẳng ai thông báo cho các hộ kinh doanh ở đây tiếng nào để biết thông tin, có kế hoạch cho việc kinh doanh. Năm ngoái, tôi nhập sắt 21.800đ/kg, kế hoạch bán trong 3 tháng là hết. Đùng một cái "lô cốt" mọc lên, chẳng biết mấy ổng làm chừng nào thì xong nên cứ cố cầm cự. Đến nay lô hàng vẫn còn nguyên mà giá sắt chỉ còn 11.500đ/kg! Muốn xả hàng cũng không được vì lượng khách giảm đến 70%".

Chính quyền cũng kêu!

Theo thống kê của UBND P.2, Q.10, đến nay đã có hơn 10 hộ kinh doanh trên đường Lê Hồng Phong làm đơn xin tạm ngưng kinh doanh hoặc đóng cửa dời đi nơi khác, do việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi "lô cốt".

Việc nhiều cửa hàng kinh doanh tạm ngưng kinh doanh hoặc đóng cửa vì "lô cốt" không những làm thất thu một khoản tiền không nhỏ của các hộ dân cho thuê nhà hai bên đường, mà còn làm giảm nguồn thu cho ngân sách địa phương. Dù chưa có thống kê chính thức việc giảm nguồn thu cụ thể, nhưng Phó chủ tịch UBND P.2, Q.10 Lê Thanh Hải khẳng định: "Thực tế con số đó không nhỏ!". Tương tự, ông Hà Việt Cường, Chủ tịch UBND P.1, Q.5 cũng nói nguồn thu từ các hộ kinh doanh buôn bán có bị ảnh hưởng. "Cũng may mà địa phương có nguồn thu khác từ thuế đất nên tổng thu mới giảm ít chứ không thì cũng bị ảnh hưởng", ông Cường nói. Ngoài ra, theo ông Cường, việc rào chắn tại các tuyến đường còn ảnh hưởng lớn đến đi lại, đời sống của người dân, mãi lực và gây khó khăn rất nhiều trong vận chuyển hàng...

Chỉ tay về khu vực rào chắn, mặt đường nham nhở chưa phủ hết đá phía trước, anh Tiến gay gắt: "Dân trông từng ngày, vậy mà 6 ngày nay không thấy họ làm việc. Công trình ngầm đã xong chỉ còn phía trên nhưng nghe mấy ông công nhân nói đến 30.4 mới xong. Tôi hỏi anh chịu được không?". 

Bít luôn lối vào cửa hàng

Bi đát nhất có lẽ là hàng chục hộ dân ở hai đầu cầu Sơn, P.24, Q.Bình Thạnh. Họ không chỉ gặp khó khăn trong kinh doanh, mà gần như bị bít luôn đường ra vào nhà vì "lô cốt" chắn ngay 2 đầu cầu. Để vào được cửa hàng sửa chữa đồ điện của anh Đặng Văn Quý, chúng tôi phải bỏ xe máy trên mặt cầu, đi bộ len lỏi vào khoảng trống chật hẹp còn lại giữa lô cốt và cửa tiệm. Anh Quý thở dài: "Mình đi còn khó khăn làm sao khách vào được. Tình hình này căng quá, chắc đóng cửa luôn. Mấy tháng nay không có một người khách trong khi mỗi tháng 4 triệu đồng tiền thuê nhà, rồi tiền điện, tiền nước, tiền thuế vẫn phải trả đều đều. Chúng tôi xin giảm thuế nhưng không được". Anh Nguyễn Thành Nghị, gia công hàng inox gần đó, cũng cho biết: "Tôi đã hỏi nhân viên thu thuế khoán về việc giảm thuế, nhưng được trả lời nếu đóng cửa luôn mới được xem xét, còn mở cửa thì vẫn phải nộp đủ thuế. Mở cửa mà không buôn bán gì được còn tệ hơn đóng cửa!".

Trả mặt bằng, đóng cửa tiệm

Hàng chục hàng quán, cửa hàng kinh doanh chó, mèo, điện thoại di động... trên đường Lê Hồng Phong (Q.10) thì bị vây bởi dãy "lô cốt" thi công dự án cải thiện môi trường nước nhiều tháng qua. Bà Dương Thị Ngọc, chủ cửa hàng kinh doanh gỗ xây dựng, ván ép Thiên Phú cho biết dãy "lô cốt" này đặt tại đây từ tháng 10.2008, ban đầu chỉ vài chục mét, rồi từ từ kéo dài ra, án ngữ trước mặt tiền các hộ kinh doanh. Kể từ đó, việc mua bán của các hộ kinh doanh ở đây trở nên ế ẩm, do khách không thể vào giao dịch. "Thấy lâu quá, tụi tui có hỏi mấy ông thi công bao giờ dẹp "lô cốt", nhưng ông này chỉ qua ông kia rồi... cười trừ. Bức xúc quá, tụi tui làm đơn xin miễn, giảm thuế do ảnh hưởng của "lô cốt", nhưng bên thuế bảo rằng không bán được thì nghỉ, còn đã mở cửa thì phải đóng thuế đầy đủ. Vậy ai bồi thường thiệt hại cho tụi tui?", bà Ngọc than.

Trước thực trạng này, nhiều hộ kinh doanh trên tuyến đường không còn cách nào khác là trả mặt bằng, đóng cửa tiệm. Anh Trần Thanh Nghị, chủ cửa hàng bán điện thoại di động tại số 363 Lê Hồng Phong (Q.10), cho biết từ khi "lô cốt" án trước mặt tiền cửa hàng thì công việc mua bán của anh gần như chấm dứt. Sau nhiều tháng thua lỗ gần 10 triệu đồng/tháng, anh quyết định trả lại mặt bằng để đi thuê nơi khác tiếp tục kinh doanh. "Mong sao địa điểm kinh doanh mới không đụng "lô cốt"", anh Nghị cười buồn.

Tương tự, "chợ" kinh doanh đồ điện gia dụng trên đường Nguyễn Biểu (P.1, Q.5) vốn nhộn nhịp ngày nào, nay trở nên vắng khách thê thảm, cũng chỉ vì bị "lô cốt" rào chắn hầu như toàn bộ mặt đường. "Đi lại còn khó khăn, nói gì đến buôn bán, anh ơi!", chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, hộ kinh doanh ở ki-ốt số 6 nói giọng rầu rĩ. Nhiều hộ kinh doanh tại đây cũng chọn giải pháp tạm nghỉ chờ "lô cốt" nhổ đi rồi mở cửa bán lại.

Mỗi tuần có thêm 20 "lô cốt"

Chiều 15.3, ông Trần Hồng Nam - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty liên doanh xây dựng VIC do vi phạm tại công trường thuộc dự án vệ sinh môi trường thành phố. Trưa 14.3, một tường chắn “lô cốt” do VIC thi công gần giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (Q.3) sập làm anh Trương Văn Hậu (40 tuổi) bị thương nặng, gãy xương đùi trái.

Theo thống kê, đến thời điểm này TP.HCM có 221 “lô cốt” chiếm dụng trên 74 tuyến đường; trung bình mỗi tuần xuất hiện khoảng 20 “lô cốt”. Ông Nam nói: “Mặc dù chúng tôi đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng các nhà thầu vẫn trơ trơ để rồi tiếp tục thi công ẩu. Chính cơ quan thanh tra cũng không thể chấp nhận, huống gì người dân”. Thanh tra Sở GTVT sẽ đề nghị Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường (chủ đầu tư) cưỡng chế ngay những nhà thầu thi công bê bối, sai phạm lặp đi lặp lại. Đáng lưu ý, mặc dù theo quy định mới rằng trên biển báo nhà thầu phải công bố số điện thoại di động của chỉ huy công trường nhưng thực tế lại không hề thấy số này.

Đình Mười

(Còn tiếp)

Minh Nam - Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.