Thực đơn khi trị ung thư

02/10/2011 11:06 GMT+7

Khi bạn bị ung thư, nếu biết dùng thực phẩm cho phù hợp từng giai đoạn điều trị cũng là cách giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Cụ thể như trong thời gian hóa trị, tác dụng của thuốc là tiêu diệt tế bào ung thư nên không tránh khỏi việc tổn hại các tế bào bình thường, gây phản ứng phụ khá nguy hiểm, như công năng miễn dịch giảm sút, số bạch huyết cầu giảm thiểu, màng nhầy đường tiêu hóa lở loét, rụng tóc, da. Lúc này, bệnh nhân nên dùng thức ăn có nhiều chất đạm như sữa bò, thịt nạc, cá, gan động vật… Cua, lươn, cá lóc, thịt bò cũng giúp tăng lượng bạch huyết cầu.

Nếu ăn không ngon, chán ăn, tiêu hóa không tốt, có thể dùng thêm các thức ăn như củ mài, đậu trắng, củ cải, nấm hương, măng tây. Tốt nhất là ăn thêm các loại cháo gạo nấu với: gan gà, cá lóc và táo đỏ, cá diếc,  lươn, củ sen, đậu đỏ, nấm tuyết, ý dĩ… và uống thêm nước sắc nấm linh chi.

Sau xạ trị, bệnh nhân thường có hiện tượng miệng, môi khô, lưỡi đỏ có ít bợn, vị giác và khứu giác suy giảm, chán ăn, tuyến nước bọt bị hao tổn. Trong trường hợp này có thể ăn các loại như củ sen, nước lê ép, dưa hấu, canh củ cải, canh bí đao; ăn nhiều cá, thịt, sữa, mật ong, rau cải xanh và trái cây. Sau khi giải phẫu, cần ăn nhiều củ mài, táo đỏ, nhãn, đậu ván, hạt sen, cá sông, trứng gà, sữa… để bổ dưỡng khí huyết.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những thực phẩm sau đây có khả năng giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư: nấm hương; gan động vật; thực vật có chứa nhiều vitamin A như táo đỏ, bí đỏ, cà rốt, cà chua, khoai tây, rau chân vịt; các loại trà; giá đậu, măng tây, mật ong và phấn hoa, các loại rong biển.

Khi phát bệnh ung thư, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc, tích cực chữa trị, kiểm tra định kỳ, nỗ lực phân tán mối lo âu, tập trung lòng can đảm và tự tin chiến đấu với bệnh tật, khắc phục tinh thần bi quan, kiên trì tập thể dục theo khả năng cho phép… thì trong ăn uống, bệnh nhân cần tìm cách kích thích sự thèm ăn, tăng cường dinh dưỡng. Có thể ăn các thức ăn bổ âm, sinh tân dịch và bồi bổ nguyên khí như thịt nạc, sữa bò, trứng gà, cá tươi, nấm hương, rau cải và các loại trái cây (như táo tây, quýt, bơ…).

Kiêng kỵ thực phẩm âm lạnh như măng tre, khoai sọ, thịt mỡ, mỡ gà, vịt, cua, ba ba, thịt vịt, các loại kem, nước đá…; thực phẩm cay, nóng như tiêu, hành, tỏi, hẹ, ngỗng, dê… Nếu ung thư có kèm theo ống dẫn mật bị tắc nghẽn, đường tiểu nhiễm độc, công năng thận bị tổn hại nghiêm trọng hoặc khối u tuyến tụy thì không nên ăn thịt gà và trứng gà.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.