Thuê và sửa chữa động cơ máy bay không qua đấu thầu

09/06/2006 00:27 GMT+7

Cuối năm 1998, Đoàn công tác của Thanh tra Nhà nước do ông Phạm Văn Đa làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA) để làm rõ đơn thư của 4 cán bộ VNA đứng tên công khai gửi các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tố cáo: một số cán bộ của VNA cố ý làm trái gây tổn thất nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Cuối năm 1997, ông Nguyễn Đức Tâm lúc đó là Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của VNA đã phê duyệt công văn của Ban quản lý vật tư (BQLVT) của VNA đề nghị thuê động cơ CFM 56 của hãng CFMI để thay thế động cơ cho máy bay A320. Việc thuê động cơ này không thông qua đấu thầu (kể cả hình thức chào hàng cạnh tranh) với giá thuê cao hơn nhiều so với giá thuê của các hãng khác. Ngày 22.12.1997, Công ty CFMI (Pháp) đã thông báo: giá thuê động cơ CFM 56 cho 60 ngày đầu tiên là 4.242 USD/ngày, từ ngày 61 trở đi là 10.606 USD/ngày, ngoài ra còn phải trả thêm 110 USD/giờ bay.

Mặc dù ngay lúc đó đã có ý kiến của một số cán bộ công tác tại VNA cho rằng giá thuê động cơ của hãng CFMI là quá đắt, nhưng BQLVT vẫn trình ông Nguyễn Đức Tâm phê duyệt bản chào giá của hãng CFMI và bỏ ngoài tai mọi lời khuyến cáo. BQLVT còn khẳng định đã đàm phán với hãng CFMI nhưng hãng này vẫn giữ nguyên bản chào giá và không chấp nhận thay đổi. Rất may thời điểm ấy, do có đơn thư tố cáo của một số cán bộ trong ngành, nên VNA đã thành lập một tổ đàm phán với hãng CFMI để thương thảo lại. Và điều bất ngờ là sau khi đàm phán, hãng CFMI đã đồng ý giảm số tiền thuê động cơ CFM 56 là 707.213 USD (giảm 50% so với giá thuê ban đầu đề nghị phê duyệt là 1,4 triệu USD). Sự vụ này cho thấy việc thuê động cơ máy bay không thông qua đấu thầu (hoặc chào hàng cạnh tranh) của VNA thời điểm đó rất dễ dẫn đến những tiêu cực, thất thoát không đáng có cho ngân sách Nhà nước.

Theo hợp đồng cho thuê máy bay, thuê khai thác, bảo dưỡng máy bay, thì khi hỏng hóc động cơ, VNA lựa chọn giá cả và đối tác để thuê sửa chữa và thuê động cơ thay thế. Từ cuối năm 1996, khi động cơ các máy bay chưa có chiếc nào hỏng, VNA đã có chủ trương lựa chọn đối tác chương trình bảo dưỡng động cơ CF 6, CFM 56. Nhưng quá trình tổ chức đấu thầu chọn đối tác ký hợp đồng cho chương trình bảo dưỡng động cơ từ tháng 1.1997 kéo dài gần 1 năm đã không có kết quả lựa chọn được nhà thầu. Khi động cơ bị hỏng, Tổng giám đốc VNA đã chỉ định ký hợp đồng sửa chữa động cơ với Công ty GE (Mỹ), Công ty LHT (Đức), Công ty SOCHATA (Pháp); đồng thời ký 4 hợp đồng thuê động cơ thay thế với các công ty GE, LHT, CSA, CFMI. Việc lựa chọn đối tác để ký hợp đồng sửa chữa động cơ không qua đấu thầu là vi phạm quy định của tổng công ty tại văn bản 141/HKVN ngày 6.7.1996 về việc mua sắm vật tư, khí tài động cơ. Tại thời điểm ký kết các hợp đồng sửa chữa, thuê động cơ, tư vấn và thông tin cho tổng giám đốc về đối tác và giá cả rất khác nhau giữa Ban kỹ thuật vật tư và Ban tài chính kế toán.

"Nguyên nhân đấu thầu không đạt được kết quả và trong tổ chức chọn thầu có những sai phạm là do Ban giám đốc VNA chưa tích cực đôn đốc chỉ đạo thực hiện quy định về đấu thầu của VNA, Ban kỹ thuật vật tư đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, Tổ giúp việc đấu thầu đã không hoàn thành nhiệm vụ, không nghiêm túc thực hiện kế hoạch đấu thầu đã được tổng giám đốc phê duyệt. Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật và ông Nguyễn Khắc Hưng, Trưởng ban kỹ thuật vật tư, Tổ trưởng tổ giúp việc đấu thầu và ông Lê Đức Tứ, Tổng giám đốc VNA ở thời gian đó", Thanh tra Nhà nước kết luận.

Việt Chiến - Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.