“Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Không đơn giản như thế. Nếu nghĩ thuốc uống vào tác dụng ngay, thuốc uống vào hiệu quả chắc chắn như lời tường trình êm tai trên tờ bướm thì lầm. Thuốc muốn có công năng như mong muốn phải qua một quá trình xử lý thuốc rất phức tạp.
>> Vòng sơ kết 2 khu vực ĐBSCL, cuộc thi “Chiếc thìa vàng” 2014: Hương vị chân quê về nhất
>> Vòng loại đầu tiên của Chiếc thìa vàng 2014 tại Cần Thơ: Khơi nguồn sáng tạo
|
Trước hết, thuốc phải được dung nạp qua niêm mạc đường tiêu hóa, nghĩa là phải qua dạ dày xuống đến ruột non. Một phần không nhỏ của thuốc phải thất thoát vì không có thuốc nào được hấp thu 100%! Một số thành phần trong thuốc có thể gây kích ứng trên niêm mạc đường tiêu hóa, từ vùng hầu họng qua thực quản xuống đến khung ruột, khiến người dùng thuốc khó tránh phản ứng phụ như viêm loét nếu phải dùng thuốc dài lâu.
Sau đó, sau khi lọt được vào máu, thuốc phải được gan biến dưỡng trước khi triển khai tác dụng ở điểm rơi mong đợi. Thuốc vì thế là gánh nặng cho lá gan. Càng dùng nhiều thuốc, gan càng mệt. Đã vậy một phần thuốc lại rơi vào lãng phí vì không vượt qua được hàng rào tên BBB (Blood brain barrier) nên không tác động được trên hệ thần kinh. Tác dụng của thuốc vì thế khó trọn vẹn.
Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Hoạt chất trong thuốc, dù là hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên, với cơ thể đều là chất lạ. Cơ thể vì thế huy động bạch cầu, thực bào, kháng thể mỗi khi phát hiện có sự xâm nhập của thuốc. Xài hoài mau mòn. Hệ thống miễn dịch do đó nhanh nhẩu đoảng trong lúc đầu, sau trở nên ù lì vì mệt nhoài với quá nhiều lần báo động. Dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc khi đó chỉ chờ nước đục thả câu!
|
Chưa xong, thuốc tác dụng rồi lại phải lên đường về gan để cơ quan này tái biến chế trước khi theo đường đào thải. Lúc này thuốc mới thực sự là gánh nặng cho các cơ quan giải độc và thải độc như gan, thận, ruột. Khâu này không xong thì thuốc có thể thành thuốc… độc.
Thế thì liệu có thuốc nào:
- được cơ thể dung nạp dễ dàng vì không gặp trở ngại khi thoát qua niêm mạc đường tiêu hóa?
- được biến dưỡng rất nhanh, rất gọn vì phù hợp với hệ thống men tiêu hóa?
- vượt qua rào cản của não bộ không mấy khó vì theo ngõ hít mùi của khứu giác, nếm vị của vị giác?
- không là gánh nặng cho các cơ quan giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột vì cơ thể đã quen mặt từ lâu?
- đã được thử lửa an toàn từ đời này qua đời khác trên cơ thể của nam phụ lão ấu?
- tiện dụng đến độ có dùng cả đời vẫn không chán?
Đó chính là thực phẩm, đó chính là những món ăn đã trở thành truyền thống trong tập quán dinh dưỡng của người dân. Hippocrates ắt hẳn có lý do chính đáng khi nhắc nhở “Hãy dùng thực phẩm như dược phẩm”. Paracelsus chắc chắn có cơ sở vững chắc với lập luận “Thực phẩm là thuốc, tốt hay không tùy liều lượng”. Biển Thước từ kinh nghiệm một đời thầy thuốc đã quả quyết bệnh khó chữa nếu “Y thực bất năng thích”.
Tiền nhân xứ mình càng khéo hơn nữa khi dạy con cháu điều rất đơn giản “Có thực mới vực được đạo”. Dễ gì đi trọn con đường trầm luân nếu nay đau mai yếu. Thay vì hở chút uống thuốc, ăn vừa ngon vừa khỏe còn muốn gì hơn!
BS Lương Lễ Hoàng
(trích từ loạt bài Y thuật trong món ăn Việt Nam dành riêng cho chương trình Chiếc thìa vàng 2014)
Bình luận (0)