TNO

Thương nhớ vàng mai

25/01/2015 16:47 GMT+7

1. Còn nhớ cách đây chưa lâu, mỗi lần tết đến ngoài thú du xuân, người Huế có thú thưởng trà ngắm mai hay tản bộ dọc theo những con đường ngào ngạt hương mai.

1. Còn nhớ cách đây chưa lâu, mỗi lần tết đến ngoài thú du xuân, người Huế có thú thưởng trà ngắm mai hay tản bộ dọc theo những con đường ngào ngạt hương mai.

Thương nhớ vàng mai
Mai vàng cổ thụ trước ngõ của những gia đình Huế xưa giờ ngày một hiếm dần - Ảnh: Gia Tân

Ngày đó, Huế có nhiều tuyến đường mà hai bên vẫn còn những ngôi nhà vườn xanh mướt. Và hầu như mọi ngôi nhà đều có vài cội mai vàng trước ngõ. Mai được cắm lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên, mai chưng giữa nhà để gắn thiệp chúc xuân... Hương mai thoang thoảng trong gió xuân làm nên không khí tết nồng nàn thi vị.

Rồi những ngôi nhà vườn dần dần bị cắt đất, chia lô. Từ Vỹ Dạ với “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử đã được chế lại trong nỗi tự trào chua xót: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/Nhìn giá nhà lên giá đất lên/Vườn ai nằm tuốt sâu trong hẻm/Bỗng chốc hiên ngang trấn mặt tiền”. Những ngôi nhà hộp với cảnh bán buôn sầm uất mọc lên san sát. Những cội mai vàng đầu ngõ theo đó thưa dần. Gương mặt Huế trữ tình một thuở đã trở nên đổi khác. Và ngày tết ngoài sự thiếu vắng của một số sắc màu văn hóa đặc trưng còn có niềm thương nhớ về những khu vườn nồng đượm hương sắc mai.

Ở Huế bây giờ muốn thưởng thức sắc mai vàng mỗi độ xuân về chỉ còn có thể tìm kiếm trong các ngôi chùa, như chùa Hoàng Mai nằm sát bên chùa Hồng Ân, gần tổ đình Trúc Lâm (P.Thủy Bằng, TX.Hương Thủy), chùa Ba La Mật (xã Phú Thượng, H.Phú Vang) và chùa Huyền Không Sơn Thượng (thuộc vùng núi Chầm, xã Hương Hồ, TX.Hương Trà)...

2. Xa Huế đã gần nửa thế kỷ, nhưng năm nào đôi bạn già, hai nhà thơ Nguyễn Miên Thảo và Cao Huy Vĩnh (TP.HCM) cũng trở về Huế để đón tết. Có mặt vào đúng thời điểm phố phường nhộn nhịp những ngày cuối năm, họ chọn một góc riêng ở quán cà phê vườn Thiên Đàng để ngồi ngắm dòng Hương trong chiều ba mươi ảo ảnh. Đây cũng là vị trí đẹp nhất nhìn ra con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nơi họp chợ hoa xuân của Huế. Từ các vùng Thủy Xuân, Thủy Bằng, Kim Long... người trồng mai lũ lượt mang về những cành mai đẹp nhất để bán. Có những cành được trồng hàng chục năm, thân cành khẳng khiu rêu phong, thế mai như rồng bay phượng múa... Thế nhưng, để có ít tiền sắm sanh ngày tết, những người trồng mai đành thắt lòng cưa ngang mang về họp chợ. Đó cũng chính là lý do khiến mai vườn xứ Huế ngày một hiếm dần. Thôi thì, chẳng thể tìm đâu ra cái không khí mai vàng thoảng hương trong lất phất mưa xuân, những ngõ về hun hút vàng hoa của một thời xa vắng. Đôi bạn già xa quê trở về, đành chọn cho mình một chỗ ngồi giữa Huế để nhìn ngắm sắc mai vàng trên phố, tưởng nhớ về một tết Huế đã xa...

3. Cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (ở Tạp chí Sông Hương - Huế), từng có bài tản mạn về mai, cho rằng cúi đầu trước hoa mai (nhất sinh đê thủ bái mai hoa) cũng chính là khấu đầu bái lạy trước vẻ đẹp kỳ lạ của tạo hóa. “Đê thủ” trước hoàng mai hoa, là bái lạy trước cái chuẩn đạo đức của muôn đời, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm mực thước. “Mai lớn lên từ sỏi đá, thiếu nguồn dinh dưỡng, chỉ hấp thụ linh khí của trời đất. Thân càng gầy, hoa nở càng đẹp. Nó là cái cốt cách của tuyết, thanh khiết và đạt đến vẻ đẹp của một tinh thần vô lượng”. Trong đạo đức Ngũ thường của Nho học, có lẽ mai là loài hoa biểu trưng của chữ Tín. Bởi dù thời tiết khắc nghiệt, phong ba bão tố đến đâu thì mai vẫn ra hoa đúng tiết xuân.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.