Thưởng thức cá tuyết tại Sài Gòn

06/06/2013 05:30 GMT+7

Cá tuyết, một loại sinh vật máu lạnh sống được và tập trung nhiều nhất dưới lòng biển Bắc cực lạnh giá đang tấp nập “lội” ngược về các nước nhiệt đới.

Thời mở cửa, người tiêu dùng thông minh gặt lợi nhiều hơn hại. “Hứng” cá tuyết là một minh chứng điển hình.

>> Hấp dẫn món nướng trên... mặt đá
>> Những điều thú vị về lươn

Cá tuyết, một loại sinh vật máu lạnh sống được và tập trung nhiều nhất dưới lòng biển Bắc cực lạnh giá đang tấp nập “lội” ngược về các nước nhiệt đới. Vì sao?

Thưởng thức cá tuyết tại Sài Gòn 1
Mê mải cá tuyết hấp muối Hồng – Kông! - Ảnh: Tạ Tri 

Nhiều trang mạng chuyên theo dõi trữ lượng hải sản đã phân tích và dự báo: “Trữ lượng cá tuyết đã tăng đến mức quá cao. Cá tuyết thường ăn các loài như cá ốt vảy lông, cá trích, cá redfish, cá tuyết haddock, tôm và thậm chí cả cá tuyết con, gây khó khăn trong việc quản lý các nguồn lợi thủy sản khác... Cá tuyết cỡ vừa và cỡ lớn chủ yếu được bán dưới dạng cá muối và cá khô tại Na Uy. Cá cỡ nhỏ hơn được dành làm nguyên liệu XK (xuất khẩu) sang Châu Âu và Trung Quốc. Phần lớn cá khai thác được là cá cỡ lớn và cỡ vừa, ngoài ra còn nguồn cá cỡ lớn NK (nhập khẩu) từ Nga...” (Lược trích: “Nguồn cung cá tuyết đang ở mức quá cao”, từ IntraFish.com).

Đồng thời, ngày 03/08/2012, Globalcentury.com.vn đã đăng: “...Năm 2013, hạn ngạch khai thác cá tuyết biển Barents (phía Bắc Na Uy và Nga) - ngư trường cá tuyết lớn nhất thế giới, là 940.000 tấn, tăng 25% so với năm 2012. Iceland (thuộc Bắc Âu) cũng dự định tăng nguồn cung cá tuyết. Từ 1/9/2012, chính phủ nước này nâng hạn ngạch cá tuyết lên 196.000 tấn, tăng 22,5% so với hiện tại. Dự kiến năm 2016, Iceland sẽ khai thác 250.000 tấn cá tuyết.” ( Trích: “Cá tuyết: sản lượng khai thác tăng, giá giảm”).

Thế nhưng ông Trần Quang Hùng, giám đốc Tiếp thị một công ty xuất nhập khẩu ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, chuyên cung cấp cá tuyết Nga thì cho rằng, đó là “chiêu trò” của các nhà cung cấp lớn. “Ở xứ Bạch Dương, chính phủ chỉ cho phép ngư dân khai thác cá tuyết theo mùa, mùa khai thác cá tuyết Nga từ tháng 05 đến tháng 10. Cấm đánh bắt vào mùa sinh sản từ tháng 12 đến hết tháng 02”, ông Hùng cho biết.

Lên tàu, cá phải được cấp đông ở âm 40 độ C, để giữ độ tươi tuyệt đối. Đến khi nằm trong vỉ/khay, những khoanh hoặc cả con cá tuyết được đóng gói, hút chân không cẩn thận, chỉ “ngủ” ở kho lạnh, đúng “hai mươi lăm độ âm”. “Có vậy, lúc “thượng đế” cố... đánh thức (xả đông) thì cá vẫn còn máu tươi, có thể ăn tái ngon lành.”, ông Hùng quả quyết.

Được biết, khu vực châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ mạnh cá tuyết. Riêng một số doanh nghiệp đất nước “hoa anh đào” còn mua cá nguyên liệu của Nga, thuê nhà xưởng và công nhân Việt gia công rồi xuất đi khắp thế giới.

Bởi thế người Nhật có một loại nước tương đặc chế (sauce teriyaki), rất hợp với da thịt cá tuyết. Khiến một số đầu bếp gốc Hoa giàu kinh nghiệm ở Sài Gòn, cũng phải mỉm cười... “hỉ xả”, đi mua thứ nước sốt này. Đó là loại nước tương đậu nành được lên men thủ công có màu nâu đen sóng sánh, pha với ít nước đường thắng, sữa chua, bột ngọt... tạo hương vị thơm béo dịu dàng cùng độ chua thanh, hậu ngọt. Khoảng giữa, là những cung bậc: mặn, đắng nhẹ và beo béo. Có bán ở các cửa hiệu chuyên bán hàng cho người Nhật khu Lê Thánh Tôn - Thái Văn Lung (Q.1), với giá tầm 82.000 đồng/chai 300ml.

Thưởng thức cá tuyết tại Sài Gòn
Áp chảo với nước tương Nhật cực ngon! - Ảnh: Tạ Tri 

Bạn chỉ cần rưới vài ba muỗng cà phê nước xốt ấn tượng này lên khứa cá tuyết cỡ 300gr, sau khi khử tanh bằng nướng ấm pha nước cốt gừng củ (đã) nướng sơ và ớt hiểm giã, đem áp chảo khoảng 10 -15 phút, có thể ... “đoái công chuộc tội” với người ấy!

Gặp size cá 3kg/con, xả phi - lê làm món lúc lắc cùng ít khoai tây, ớt Đà Lạt hoặc chiên lửa lớn ngập dầu (để cá nhanh vàng, không kịp mất chất ngọt béo tự nhiên), rưới ít xốt nước cam nóng hôi hổi và thơm quyến rũ lên... Ăn chơi hay ăn thiệt đều ngất ngây!

Thịt cá trắng như bông bưởi, phô bày những sớ thịt chắc nịch, “bùa ngải” bằng vốn tự có: ngọt bùi lẫn béo đậm mà thanh thoát, không gây ớn ngán như mỡ các loại cá nuôi bị thúc ép thức ăn viên.

Dường như có luật bù trừ, ngư tuyết da đen tựa thổ dân châu Phi (Patagonian toothfish) thịt luôn hấp dẫn hơn tuyết chấm đen (cod). Bởi thế, giá chúng cũng một trời một vực: 840.000 đồng/kg so với 250.000 - 270.000 đồng/kg. Gặp thời buổi “thắt lưng buộc bụng”, nên “tuyết bông” được nhiều đôi tay hiền dịu “nâng đỡ” lẫn ánh nhìn thân thiện hơn.

Nếu chưa tiếp cận nguồn cá tuyết Nga giao lẻ tận nhà hay quá bận rộn, bạn có thể thưởng thức với giá chấp nhận được tại các nhà hàng bình dân Nướng Nam bộ (Q.3 và Q.5, TP.HCM).

Cũng không hiểu tụi gấu Bắc cực dạo này bận rộn việc gì, mà để đám cá “tuyết đốm” tăng đàn đến chóng mặt như vậy. Hay chúng bắt đầu ngán “cơm - ngư tuyết”? - Thế lại hay, dân ta có dịp thưởng thức hương vị những “nàng” tuyết tươi nguyên, giá vừa phải.

Những ai chịu khó sống chậm, có thể gia tăng thêm nghị lực phấn đấu trước nghịch cảnh tiền mất giá - việc kén người; cũng như trong giá lạnh đến tê buốt, đàn cá tuyết tự... “đẻ” ra một hoạt chất chống đông, thong dong “an cư lạc nghiệp”.

Tạ Tri 

Tài liệu tham khảo: Đấu Tranh Sinh Tồn cuộc sống trong những môi trường khắc nghiệt nhất, Trịnh Huy Triều biên soạn, NXB.Trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.