Thưởng thức & chia sẻ: Tiếc chi hai tiếng cảm ơn

16/06/2019 18:00 GMT+7

Trên sân khấu, khi đại diện hai họ vừa kết thúc phần phát biểu, cô dâu xin phép nói vài lời. Cô cảm ơn trước là cha mẹ mình vì công sinh thành dưỡng dục, sau cảm ơn cha mẹ chú rể rồi đến khách mời.

 Em trình bày không được lưu loát, giọng run run nhưng ai nấy đều xúc động. Khán phòng lặng đi vài giây rồi vỡ òa bằng tràng pháo tay giòn giã.
Một cô bạn xúc động khi bất ngờ được chồng tặng chiếc nhẫn vào ngày sinh nhật. Điều khiến bạn muốn bật khóc chính là câu trả lời “Vì em xứng đáng!” khi bạn thắc mắc có nhất thiết phải tốn kém quá nhiều cho một món quà như thế không. Có người đùa: “Chắc chồng bạn có lỗi gì đấy nên muốn tạ tội trước thôi?!”. Tôi có cảm giác, dường như người bình luận cắc cớ ấy chưa quen với việc được cảm ơn, được nhận sự cảm kích của ai đó dành cho mình.
Con trai tôi thường cảm ơn mẹ rối rít khi được mẹ nấu những món ăn ưa thích hoặc được mẹ kể chuyện cổ tích mỗi đêm. Thói quen ấy dĩ nhiên chẳng phải tự nhiên con sinh ra đã biết, mà bắt nguồn từ việc bắt chước tôi do tôi thường cảm ơn con vì tất cả mọi việc con làm, dù cỏn con.
Chúng ta thường không tiếc lời cảm ơn người khác nhưng ít khi tỏ lòng biết ơn đến những người thân thuộc, gần gũi như cha mẹ, con cái, anh chị em... Có người cho rằng họ không thể diễn đạt bằng lời phần vì không hoạt ngôn, phần vì không thích khách sáo!
Hãy dạy trẻ thói quen cảm ơn trước bất kỳ sự việc lớn nhỏ nào cũng như hãy cảm ơn những người thân thuộc, gần gũi để đừng xem những gì họ làm cho mình là đương nhiên, cũng không hẳn vì đó là quy tắc lịch sự tối thiểu trong giao tiếp mà vì hai tiếng “cảm ơn” giản dị ấy đôi khi khiến người nghe hạnh phúc hơn cả những lời khen ngợi hoa mỹ nhưng thiếu sự chân thành!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.