Tỉ phú Donald Trump lại chê Hiệp định NAFTA

28/09/2016 08:05 GMT+7

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tăng gấp đôi nỗ lực “công phá” các thỏa thuận thương mại của Mỹ, nhà sản xuất ô tô Ford và hãng điều hòa không khí Carrier.

Theo CNN, ông Trump “vặn lại” ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton trong buổi tranh luận hôm 26.9 bằng cách đề cập đến Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada: “NAFTA có lẽ là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ký ở bất cứ đâu, nhưng chắc chắn là thỏa thuận tệ nhất từng được ký ở đất nước này”.
Ông Trum cũng tái tấn công hãng xe Ford, cáo buộc nhà sản xuất Mỹ chuyển công ăn việc làm đến Mexico. “Ford đang rời đi. Bạn thấy đó, bộ phận xe nhỏ của họ đang rời đi. Hàng ngàn công ăn việc làm đang rời bang Michigan, Ohio”. Hãng Ford phản bác lại trên mạng xã hội Twitter cùng ngày, cho biết không lao động Mỹ nào mất việc làm khi công ty chuyển hoạt động sản xuất xe nhỏ đến Mexico vào năm 2018.
Donald Trump một lần nữa để thương mại trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử và đây là yếu tố hàng đầu khiến các nhà kinh tế chỉ trích ông. Tỉ phú bất động sản luôn phản đối NAFTA và các doanh nghiệp hưởng lợi từ nó. NAFTA trở thành luật vào năm 1994 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, loại bỏ gần như tất cả các loại thuế đánh vào hàng hóa gửi đi giữa ba nước. Thương mại bùng nổ giữa Mỹ, Mexico và Canada kể từ năm 1994.

tin liên quan

Khi Donald Trump vận nhầm chiêu để 'đập' Hillary Clinton
Chiêu chỉ trích đối thủ Hillary Clinton không có ngoại hình, không có sức làm tổng thống của ông Donald Trump đã bị đối thủ "đập lại" tơi bời. Bà Clinton nhắc rằng người "giống tổng thống" như Trump từng gọi phụ nữ là... heo, là chó.
Ông Trump đổ lỗi cho NAFTA vì phá hủy ngành sản xuất của Mỹ. Hiện nay, nước Mỹ có 12,2 triệu lao động sản xuất, giảm từ con số 17 triệu lao động trong năm 1994, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Thực tế, 5 triệu việc làm không về tay Mexico hay Trung Quốc. Nhiều cải tiến trong công nghệ cũng khiến một số công ăn việc làm mất đi.
Các nhà sản xuất Mỹ hiện có năng suất cao hơn so với mức họ đã từng vào năm 2000. Sau điều chỉnh lạm phát, sản lượng sản xuất Mỹ đạt 5.900 tỉ USD vào năm 2000. Năm ngoái, con số này chạm mốc 5.940 tỉ USD, tăng lên dù có ít lao động hơn. Giới chuyên gia cho rằng điều này thể hiện mức giảm trong lao động kỹ năng thấp, song không thể hiện mức giảm trong nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
“Thật vô nghĩa khi nói NAFTA chịu trách nhiệm cho việc công ăn việc làm ngành sản xuất Mỹ giảm đi”, Alan Deardorff, nhà kinh tế học tại Trường Chính sách Công Gerald R. Ford ở Đại học Michigan cho biết. Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cùng đồng ý trong điểm này. Bản phân tích về tác động kinh tế của NAFTA phát hiện ra rằng hiệp định không gây ra đợt di cư hàng loạt của việc làm Mỹ. Thay vào đó, NAFTA có tác động nhỏ, tích cực lên nền kinh tế nước này.
Dù ông Trump xem NAFTA như một hiệp định có lợi cho Mexico, khoảng 6 triệu việc làm Mỹ phụ thuộc vào thương mại với Mexico, theo Phòng Thương mại Mỹ. Đơn cử, một số doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đến Mexico, chẳng hạn như các nhà sản xuất denim ở Nam Carolina, cho hay họ sẽ chẳng còn gì để làm nếu NAFTA không tồn tại. Hiện các doanh nghiệp này không phải trả thuế khi gửi sản phẩm. Trên hết, tất cả người Mỹ đều hưởng lợi từ giá các loại hàng hóa rẻ, từ áo thun, quần jean cho đến ô tô, điều hòa không khí.
Song theo CNN, một số công việc ngành sản xuất chắc chắn mất đi vì Mexico, vì thế ông Trump phần nào có lý. Song chính xác có bao nhiêu công việc bị mất đi là vấn đề gây tranh cãi và rất khó xác định. Nhà kinh tế Robert Scott tại Viện Chính sách Kinh tế ước tính Mỹ mất khoảng 800.000 việc làm về tay Mexico từ năm 1997 đến năm 2013. Dù vậy, các nhà kinh tế khác chỉ trích con số của Scott vì ông tính toán con số trên dựa vào kích thước thâm hụt thương mại Mỹ với Mexico.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.