Tích cóp 20 năm, người trẻ mới mong mua được nhà

Đình Sơn
Đình Sơn
03/10/2019 21:39 GMT+7

Đó là nhận định của ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam tại buổi báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM.

Ngày 3.10, tại buổi báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý 3/2019, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, cho biết với mức thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM hiện khoảng 6.400 USD/năm như hiện nay, thì phải mất 20 năm tích cóp người trẻ mới có thể mua được nhà 1,5 tỉ đồng tại TP.HCM.

Giá nhà đất tăng đến 200%

Cụ thể, theo ông Phạm Lâm, chỉ trong vòng 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ (căn hộ hạng C) sụt giảm. Cá biệt trong quý 2/2019 không có căn hộ giá rẻ nào được mở bán. Như năm 2015 giá căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 21 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 36 triệu đồng/m2, trong khi đó căn hộ hạng C năm 2015 khoảng 16 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2.
Mức tăng giá của đất nền còn "kinh khủng hơn" khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động tăng theo không kịp. Căn hộ hạng C người trẻ dễ mua nhất, nhưng lượng căn hộ hạng C rất ít. Nếu năm 2016 căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17%, đến tháng 9.2019 gần như đã biến mất khỏi thị trường. 
Ông Lâm tính toán : Nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng thì phải tích cóp trong 20 năm. Bởi để có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thì người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí, như vậy còn dư 6 triệu đồng/tháng (đó là chưa nói đến thuế TNCN) thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỉ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà có còn ở mức 1,5 tỉ đồng/căn hay đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.

Muốn mua được nhà, người trẻ phải tích cóp khoảng 20 năm

Sơn Sơn

Trước thực trạng trên, ông Phạm Lâm đưa ra một giải pháp nhẹ nhàng hơn với những người đã có khoảng 50%, phải vay ngân hàng 50% thì trừ hết chi phí trả gốc và lãi cho ngân hàng, mỗi tháng họ  còn được khoảng 3,8 triệu đồng. Với số tiền này họ sẽ không sống được ở TP.HCM trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện nay. Như vậy, người trẻ phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu đồng/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỉ đồng.
“Nhưng căn nhà 1 tỉ đồng hiện nay không có. Vậy là sao người trẻ mua được nhà là một câu hỏi cực khó nếu không có sự hỗ trợ của người thân hoặc sự tích lũy từ rất lâu. Trong khi, nếu nâng tỷ lệ vay lên 70% giá trị căn nhà thì chắc phải về quê mua nhà ở luôn, chứ ở Sài Gòn là rất khó. Càng ngày giá càng tăng, càng ngày khách hàng phải đi thật xa mới có thể mua được nhà”, ông Lâm phân tích.

Cần Chính phủ “ra tay”

Để hỗ trợ người trẻ “an cư” tại TP.HCM, ông Phạm Lâm hiến kế: người trẻ muốn mua nhà phải tính toán kế hoạch, phải xác định rõ thu nhập đủ và ổn định; lựa chọn căn nhà phù hợp tài chính và nhu cầu thực tế; lựa chọn các dự án có chương trình hỗ trợ về tài chính như các chung cư nhà ở xã hội; chuẩn bị tiền có sẵn từ 30-50%; kế hoạch vay và trả nợ ngân hàng phù hợp với thu nhập ổn định, gia tăng thu nhập và phân bổ kế hoạch tài chính cá nhân cho hiệu quả và cuối cùng là phải theo dõi biến động của thị trường.
“Làm sao tỷ lệ tăng lương phải nhanh hơn mức tăng giá của bất động sản thì may ra người trẻ mới mua được nhà. Tuy nhiên, người trẻ phải có kế hoạch dài hơi. Đầu tiên phải ở thuê, tiến tới mua căn hộ ở xa diện tích nhỏ, khi tích trữ được tiền sẽ đổi nhà gần và diện tích lớn hơn. Đồng thời phải chấp nhận đi xa, sau đó từ từ... tiến về Sài Gòn”, ông Lâm đưa ra lời khuyên.
Về lâu dài, ông Phạm Lâm đề xuất Chính phủ phải có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính vĩ mô chứ không phải các chương trình giải cứu mang tính chất tạm thời như gói 30.000 tỉ đồng trước đây. Chính phủ cần có những chính sách giúp các dự án nhà ở xã hội giảm bớt thủ tục hơn nữa để doanh nghiệp tham gia. Xem xét vấn đề quy hoạch và dành quỹ đất để xây loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà ở lần đầu.
Để giá bất động sản không còn tăng mạnh, nhất thiết phải đánh thuế vào các căn nhà, đất tiếp theo. Chỉ khi đó giá bất động sản sẽ tăng chậm lại hoặc giảm khi nhà đầu tư không còn đổ tiền nhiều vào bất động sản để đầu cơ. Một giải pháp nữa là đánh thuế vào bất động sản bỏ hoang, bởi hiện nay nhiều khu đô thị vùng ven trở thành các khu đô thị hoang, không người ở.
“Thuế là vấn đề quan trọng có thể kiểm soát được giá, đặc biệt là đánh thuế vào căn nhà thứ 2, 3, 4... Từ đây sẽ giải quyết một phần về giá, thu nhập của người trẻ có thể đu bám được mức tăng của giá nhà đất. Nhưng cũng không nên quá trông chờ vào các chính sách giải cứu, trước mắt người trẻ cũng phải nỗ lực, chủ động thay đổi để đầu tư vào bản thân để có thể thăng tiến, đi kinh doanh thêm tăng thu nhập trong lúc Chính phủ chưa thay đổi”, ông Phạm Lâm cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.