Tiền Giang kêu gọi các nhà thầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 'kiềm chế'

Bắc Bình
Bắc Bình
24/07/2019 17:15 GMT+7

Hàng loạt các nhà thầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) cho biết họ không còn 'gồng gánh' được chi phí tạm ứng để thi công, khi vốn đã cạn, nợ lương công nhân, trong khi tiền giải ngân vẫn chưa thấy đâu.

Sáng ngày 24.7, tại H.Cái Bè (Tiền Giang), UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát... đã tham gia cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn về vốn, cũng như giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại công trường thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Không để phát sinh tình hình phức tạp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, kêu gọi các nhà thầu, đơn vị thi công... hết sức kiềm chế, không để phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự tại dự án.
“Tôi khẳng định phía UBND tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực hết mình kể từ khi thay thế Bộ Giao thông vận tải đảm nhận quản lý dự án. Ngân sách tỉnh có khó khăn, nhưng chúng tôi đã sắp xếp tạm ứng cho dự án hơn 224 tỉ đồng. Khâu giải phóng mặt bằng chỉ còn vướng 60 hộ dân/3.200 hộ dân trong vùng dự án", ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng lên tiếng trấn an những lo ngại về nguồn vốn, đồng thời giải thích tiến độ giải ngân theo quy định: "Về nguồn vốn, Chính phủ cam kết hỗ trợ hơn 2.180 tỉ đồng. Nhưng phải có văn bản phê duyệt của Quốc hội thì Chính phủ mới lập kế hoạch chi được. Để xúc tiến nhanh hơn, UBND tỉnh Tiền Giang đã đăng ký lịch làm việc trực tiếp với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Dũng khẳng định.

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định Tiền Giang đã nỗ lực rất lớn cho việc thi công dự án, kêu gọi các nhà thầu kiềm chế

Ảnh: Bắc Bình

Các nhà thầu muốn dừng thi công dự án 

Tại cuộc họp, nhà thầu CII (Công ty CP tư vấn kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi phải tính toán tìm 'điểm dừng' hợp lý để giảm thiệt hại, đến giữa tháng 8 chắc phải tạm dừng. Chúng tôi muốn biết trình tự thủ tục, pháp lý nguồn vốn đến khi nào mới có?”.

Các nhà thầu cho biết hiện đã cạn vốn, nhiều hạng mục buộc phải dừng thi công

Ảnh: Bắc Bình

Nhà thầu Tuấn Lộc (Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc) cho biết đến nay họ chưa nhận được đồng nào từ phía chủ đầu tư, trong khi Tuấn Lộc đang “dính” ở dự án đến hơn 500 tỉ, và hiện công ty đã không còn đủ tiền trả lương cho anh, em công nhân.
Nhà thầu B.M.T (Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T) cho biết họ cũng gặp những khó khăn tương tự, và công nhân ngoài công trường đang rất bức xúc. Ông Nguyễn Bá Hùng (đại diện nhà thầu B.M.T) than "Chắc chưa đến cuối tháng 8 là chúng tôi đã kiệt sức mất rồi".
Trước đó, ngày 23.7, Công ty CP Cầu 12, đơn vị thi công gói thầu số 13 tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đã ngưng thi công, căng băng rôn đòi nợ, cản trở việc thi công tại dự án.

Chủ đầu tư dự án thừa nhận... bế tắc

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án, thừa nhận dự án đang lâm vào thế bế tắc.
Ông Hồng cũng cho biết dự án chưa thể tiếp cận đồng nào từ nguồn vốn cam kết hỗ trợ hơn 2.180 tỉ đồng, trong khi phía các ngân hàng cũng dè dặt hơn, ngặt nghèo hơn khi đưa ra các điều kiện giải ngân vốn vay.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, phát biểu tại cuộc họp

Ảnh: Bắc Bình

“Trong chưa đầy 3 tháng, chúng tôi đã đầu tư thêm hơn 1.100 tỉ đồng vào dự án, nâng tổng khối lượng đã hoàn thành lên hơn hơn 22%, tương đương hơn 3.100 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với suốt quá trình 9 năm thi công trước đó. Như vậy là chúng tôi đã có thiện chí đầu tư vào dự án hay chưa?”, ông Hồng nói.
Ông Hồng lo lắng nếu tình trạng này vẫn không tháo gỡ được thì dự kiến đến cuối tháng 8, các gói thầu tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ phải dừng thi công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.