Còn nhớ cách đây vài tháng, đùng một cái, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp "cấm kinh doanh vàng miếng" khiến doanh nghiệp, người dân đứng ngồi không yên. Tại VN, tích trữ vàng mang tính lịch sử nên việc dùng một mệnh lệnh hành chính để loại bỏ một thói quen đã ăn sâu vào máu của nhiều thế hệ, nhiều gia đình khiến nhiều người hoang mang. Rồi những thảo luận, góp ý, hiến kế của nhiều phía, từ các chuyên gia, giới kinh doanh, nhà đầu tư trên thị trường... về một thị trường vàng sau khi bị cấm liên tiếp được đưa ra với hy vọng tìm được "cửa ra" khả thi nhất cho thị trường vàng thì cũng "đùng một cái", NH Nhà nước cho phép kinh doanh vàng miếng trở lại nhưng giới hạn ở những điểm được cấp phép khiến nhiều người chưng hửng. Không được mua, bán vàng miếng thì buồn, lo, sợ chắc rồi nhưng "cho" kiểu trên thì cũng ngán ngẩm. Ai dám chắc không xảy ra tiêu cực, không xảy ra "đi đêm" để được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Một chính sách có tác động lớn đến đời sống người dân, đến doanh nghiệp, gây chấn động thị trường nhưng chỉ vài tháng đã thay đổi khiến những đối tượng trực tiếp bị tác động từ quy định này chẳng biết đâu mà lần. Giờ giá vàng tăng cao như thế này, không ít người "yếu bóng vía" tiếc ngẩn tiếc ngơ vì sợ bị cấm mua bán vàng miếng đã vội bán đi từ lúc giá còn rẻ.
Cũng cách đây vài tháng, liên bộ Tài chính và Công thương đã khẳng định nguyên tắc kinh doanh xăng dầu là theo "cơ chế thị trường". Nghĩa là, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng, Bộ Tài chính giảm thuế, doanh nghiệp được dùng quỹ bình ổn giá để bù lỗ và tăng giá bán lẻ. Những "bước tăng" này đã được thực hiện nhanh chóng, nhuần nhuyễn. Nhưng khi giá thế giới giảm, Bộ Tài chính đã tái áp mức thuế 5% đối với mặt hàng dầu hỏa và diezel để bù đắp nguồn thu; cho phép các doanh nghiệp trích trả cho quỹ bình ổn giá 100 đồng/lít xăng. Chỉ có "bước" giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng mà mọi người đang chờ đợi như một điều tất yếu của cơ chế thị trường đã được tuyên bố trước đó thì "đùng một cái", Bộ Tài chính khẳng định, không điều chỉnh giá xăng dầu. Không chỉ "tiền hậu bất nhất", vi phạm chính nguyên tắc mà mình đề ra, việc Bộ Tài chính "bỏ quên" quyền lợi của người tiêu dùng cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi và bức xúc.
Lòng tin là yếu tố quan trọng để chính sách phát huy hiệu quả nhưng với cách điều hành tiền hậu bất nhất của các cơ quan quản lý như nói trên khiến lòng tin bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh CPI đang bị đe dọa như hiện nay, lòng tin bị bào mòn thì khó có thể nói đến việc kiểm soát lạm phát như mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)