Tiền ít thì chữa bệnh lâu khỏi(?)

19/11/2007 15:08 GMT+7

(TNO) Sáng nay 19.11, phần chất vấn tại QH dành cho Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Trong hơn 100 phút trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã gặp nhiều câu hỏi khó của 16 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các câu hỏi, trả lời dồn dập về các vấn đề bức xúc trong việc khám chữa bệnh đã làm lộ rõ nhiều điểm yếu kém của ngành y.

Bảo hiểm Y tế: Vì mệnh giá bảo hiểm thấp nên bệnh chữa chậm?

Nhiều ĐB đã dồn nén sự bức xúc của cử tri trong những câu hỏi về bảo hiểm y tế (BHYT). ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) chất vấn: “Tôi chưa đồng tình nội dung trả lời (bằng văn bản) của Bộ trưởng. Trong Thông tư liên tịch số 06 (Thông tư tư tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính) về hướng dẫn BHYT tự nguyện. Thông tư quy định phải 100% người trong gia đình mua và 10% cộng đồng xã, phường mua mới bán BHYT. Như thế hộ gia đình có điều kiện nhưng không đủ người mua cũng không được mua bảo hiểm, mà số hộ nghèo chưa có điều kiện cũng phải chờ. Đề nghị Bộ trưởng xem xét nội dung thông tư đã hợp lý chưa?”.

Cũng ĐB Kiệt đặt thêm câu hỏi: “Năm 2005, BHYT thừa trên 2.000 tỷ nhưng quỹ BHYT hiện nay bội chi trên 1.000 tỷ đồng, đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân”.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: “Tôi đã trả lời rồi. Nguyên nhân bội chi là do số người tham gia ít , trong lúc số người được chi lại nhiều. Cho nên mới có quy định về tỷ lệ người tham gia thế nào mới được mua BHYT. Quy định này, về lý lẽ tài chính là đúng nhưng nếu xét về y tế học và xã hội học không hợp”. “Chúng ta phải tìm cách chống bội chi bằng giải pháp khác chứ không bằng giải pháp như Thông tư 06 quy định. Do đây là thông tư liên bộ nên chúng tôi phải trao đổi với Bộ Tài chính”.

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) tỏ ý gay gắt: “Bộ trưởng nói sẽ sửa Thông tư 06 nhưng liệu có thể bỏ ngay các quy định trên để áp dụng các biện pháp khác? Chính phủ đã có chính sách dùng ngân sách hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo, như vậy chúng ta có nhiều điều kiện để khắc phục". Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: “Tôi bày tỏ quan điểm trên rồi, nói sửa là bỏ đấy. Số mua bảo hiểm tự nguyện hiện nay toàn là người nghèo và cận nghèo, nên Nhà nước phải đảm bảo bằng nguồn khác. Nhưng cũng chính vì người tham gia BHYT tự nguyện là nông dân, người cận nghèo, mua loại mệnh giá thấp, nộp tiền thấp nên chữa bệnh lâu khỏi thôi”.

ĐB Dao Nhiễu Linh ( TP HCM) hỏi tiếp: “Bộ trưởng hứa tiếp thu và thảo luận Bộ Tài chính để sửa đổi. Xin cho biết thời gian cụ thể nào sẽ hoàn thành lời hứa này?”. Bộ trưởng Triệu: “Nếu chỉ là Bộ Y tế thô, itôi là Bộ trưởng có thể quyết định ngay, nhưng do có liên quan đến Bộ Tài chính nên cũng phải mất vài tuần để trao đổi. Tôi tin là Bộ Tài chính cũng ủng hộ ”.

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) vẫn chưa thôi: “Bộ trưởng nói là vài ba tuần nữa, cử tri hẳn sẽ rất vui mừng. Nhưng xin Bộ trường cho biết là sửa theo hướng nào, có bỏ không?”.

Bộ trưởng Triệu kiên nhẫn: “Tôi đã nói đi nói lại rồi. Chắc là các đồng chí hỏi lại cho chắc chắn. Tất nhiên việc bỏ quy định về được mua bảo hiểm theo tỷ lệ người mua sẽ gây khó khăn về quỹ. Nhưng nếu nhìn thực tế về đối tượng thực mua BHYT là người nghèo, khó khăn thì Nhà nước phải tìm nguồn khác”.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk): “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ căn cứ khoa học nào mà quy định chôn mắm tôm. Trong khi với độ mặn 5% vi khuẩn tả đã chết?”. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: “Việc  này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Hôm qua, tôi họp hội đồng chuyên môn đến 20h tối. Căn cứ xét nghiệm người mắc bệnh, có tới 93% ăn mắm tôm. Chúng tôi thấy vi khuẩn tả chịu được kiềm cao, muối mặn, nếu dưới 6% độ mặn sống được 5 tiếng. Mà 5 tiếng trong điều kiện giao thông thuận lợi bây giờ, nó có thể lên tới Tuyên Quang, xuống Quảng Ninh rồi. Nên bà con sản xuất mắm tôm thông cảm với Bộ Y tế trong thời điểm này. Chứ vẫn dùng mắm tôm trong giai đoạn này gay lắm.”

ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) nêu câu hỏi: “Thưa bộ trưởng, cử tri hiện nay rất lo lắng về chất thải y tế. Tại sao các bệnh viện, cơ quan y tế lại không xử lý rác thải theo quy chuẩn, mà tuồn rác ra ngoài tái chế, gây mầm bệnh ảnh hưởng  đến sức khoẻ người dân? Vụ việc tồn tại lâu sao Bộ Y tế không biết, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: “Hiện nay 70% chất thải đã được xử lý. Còn lại chủ yếu đem chôn. Thưa QH, xử lý rác thải y tế tốn tiền lắm. 10 năm trước sang Ý mua lò đốt, bây giờ mang ra Từ Liêm (Hà Nội) đốt, đảm bảo nhưng không phải nơi nào cũng làm được. Tới đây mong QH và Chính phủ có dự án để xử lý”. “Còn về xử lý trách nhiệm thì vừa qua, một số cơ quan không mang đi chôn mà lại tuồn rác ra ngoài tái chế thì đã kiểm tra, xử lý kỷ luật rồi”. Bộ trưởng cho biết thêm.

Chưa hài lòng, ĐB Phan Thu Hà tiếp: “Tôi muốn hỏi, ngành y tế là ngành chăm sóc sức khỏe nhưng để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai? Chỉ là hộ lý chịu trách nhiệm thôi sao? Hay là vì xử lý (rác thải) khó khăn, tốn kém nên Bộ cứ để tình trạng trên?”. “Xử lý sạch ai cũng muốn nhưng có lẽ vấn đề là ngành Y tế thiếu đeo bám, kiên quyết", Bộ trưởng Triệu phân bua.

ĐB biết trường hợp chạy chức nào thì thông báo (!)

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) nói: “Nạn chạy chức chạy quyền hiện phổ biến, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ gây hậu quả khôn lường. Những người chịu chạy thì dùng đủ mọi cách rồi được bổ nhiệm sẽ thao túng. Tôi đã nhiều lần chất vấn, đến nay tình hình không chuyển biến. Ngoài ra hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức bằng thật, học giả; lo lót, chạy chọt để được cất nhắc làm cho chất lượng cán bộ, công chức giảm sút”. Ông đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình hình này và giải pháp thế nào?”.

“Chúng ta đang đề bạt, sắp xếp, bố trí cán bộ theo quy trình chặt chẽ như các nghị định hướng dẫn. Có những bộ ngành, các tỉnh, địa phương thực hiện tốt, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Về tình trạng chạy chức, chạy quyền, không chỉ có ý kiến của ĐB nêu hôm nay, mà trong các báo cáo kiểm điểm công tác cán bộ của các bộ, ngành cũng nêu và cần giải pháp khắc phục. Quan điểm của tôi là thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về quy trình sắp xếp, tổ chức cán bộ; lấy ý kiến cơ sở và công khai, dân chủ”, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nói.

Trả lời ĐB Cuông về nạn “bằng thật, học giả”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đáp: “Theo tôi, trong quá trình đề bạt, tổ chức sẽ phải xem văn bản. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục có mức độ cũng là một thực tế. Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo và cấp bằng đúng với khả năng. Nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ xử lý cụ thể”.

ĐB Cuông chưa bằng lòng với câu trả lời: “Không ai chạy chức chạy quyền đến báo cáo Bộ trưởng cả, đó là hoạt động ngầm. Chỉ đi sâu đi sát, đi vào thực tiễn mới thấy và có biện pháp ngăn chặn. Bộ trưởng chưa nắm được thì phải sâu sát hơn xem họ chạy ở đâu, cách chạy thế nào để có cơ chế ngăn chặn kịp thời. Ví dụ như vừa rồi tại Bệnh viện Bắc Ninh, nhận tiền để tuyển mấy trăm người vào, đã bị truy tố. Hay ở Tây Ninh,  Bí thư thị xã Tây Ninh bị cách chức, chưa xử lý xong đã lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Xây dựng?”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: “Tôi nghĩ là không chỉ có các trường hợp trên mà còn nhiều trường hợp khác. Tôi không phải không thừa nhận trong quá trình sắp xếp, đề bạt có nhiều trường hợp không đúng. Ý tôi muốn nói là nếu ĐB biết trường hợp nào thì  thông báo. Còn ý kiến ĐB góp ý, chúng tôi rất đồng tình”.

Một số ĐB khác chất vấn về việc nhiều chức danh cán bộ ở cấp xã phường không được xếp lương và không được mua BHYT, bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói, ông tiếp thu ý kiến này để sắp tới soạn thảo lại căc văn bản, chỉnh sửa Nghị định 121/NĐ-CP hiện hành, trình Chính phủ phê duyệt về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ cơ sở.

Mạnh Quân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.