Tiền kiểm hay hậu kiểm phim phát hành trên mạng?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/09/2021 06:19 GMT+7

Thực hiện hậu kiểm đối với phim phát hành trên mạng để nhà phát hành tự chịu trách nhiệm hay thực hiện tiền kiểm tránh nguy cơ lọt các sản phẩm có nội dung xấu, là vấn đề được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự luật Điện ảnh sửa đổi.

Một số phim cổ súy hành vi vi phạm pháp luật

Ngày 14.9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án luật Điện ảnh sửa đổi. Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết trong quá trình xây dựng dự án luật còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Quốc hội. Một trong các vấn đề là quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.
Ông Hùng cho biết Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 2 phương án. Trong đó, phương án 1 cho phép các nhà phát hành “tự kiểm” và chịu trách nhiệm, Bộ VH-TT-DL sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm. Còn phương án 2 là bắt buộc các phim chỉ được phổ biến trên không gian mạng khi có giấy phép của bộ này, tức là tiền kiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng giải thích, phương án hậu kiểm là cách tiếp cận mới, song cũng tạo nguy cơ để lọt các sản phẩm phản ánh sai lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em... Trong khi đó, phương án tiền kiểm thì hiện chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát khối lượng lớn các phim phát hành trên mạng. Từ phân tích này, ông Hùng cho hay đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án 1.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý. “Hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước”, ông Vinh nêu.
Cho ý kiến sau đó, nhiều thành viên UBTVQH cũng nghiêng về phương án kết hợp vì cho rằng cần phải có cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm chứ không chỉ cực đoan chọn 1 trong 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới thì đề nghị cần có quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, nhất là những phim liên quan quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc. Bên cạnh đó, ông Tới cũng đề nghị cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.
Theo ông Tới, hiện nay có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ; một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo. “Điển hình, mới đây sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử tất cả, thậm chí phán xử cả lực lượng công an. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ông Tới nêu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH, đề nghị bổ sung thành phần Hội đồng thẩm định phim theo tỷ lệ 2/3 nhà chuyên môn và 1/3 cơ quan quản lý nhằm bổ sung các nhà chuyên môn, chính trị, chuyên gia, đặc biệt là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, tín ngưỡng, “tránh để lọt những lỗi như vừa qua để lọt phim Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh “đường lưỡi bò” chiếu tại các rạp Việt Nam”.

Đấu thầu hay không đấu thầu ?

Một vấn đề khác mà Bộ VH-TT-DL cũng xin ý kiến Quốc hội là quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, trong đó bỏ quy định đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách, chỉ giữ hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ. Lý do, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua mặc dù có quy định đấu thầu nhưng gần như không thực hiện đấu thầu được.
Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đều cho rằng việc bỏ quy định đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách nhà nước là “chuyển từ thái cực này sang thái cực khác”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng về nguyên tắc thì các khoản chi từ nguồn ngân sách đều phải thông qua đấu thầu, do đó, không nên bỏ quy định này trong luật mà nên giữ như luật cũ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý không nên hiểu đầu tư bằng ngân sách nhà nước là chi 100 % từ ngân sách nhà nước mà cần có cơ chế để hợp tác công - tư. “Nên có mô hình những dự án phim nhà nước hỗ trợ từng khâu, ví dụ kịch bản, sản xuất phim hoặc hậu kỳ. Cái này nên phổ biến để công - tư cùng có trách nhiệm”, ông Huệ nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị nếu ý kiến còn khác nhau thì nên giữ nguyên như luật cũ chứ không nên sửa. Bên cạnh đó, ông Định cũng thẳng thắn cho rằng dự án luật Điện ảnh sửa đổi có mục tiêu là sửa đổi toàn diện luật Điện ảnh cũ để chuyển ngành điện ảnh từ bao cấp sang tự chủ rồi từ tự chủ sang có lãi lớn, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đọc dự luật thì thấy vẫn chưa thoát ra khỏi cái khung cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.