Tiếng Việt

24/09/2011 01:51 GMT+7

Làm thế nào để bảo tồn văn hóa và giữ gìn tiếng Việt nơi xứ người. Theo kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua, thì phần lớn nhờ tôi đã đọc rất nhiều sách vở và báo chí tiếng Việt trong khoảng 30 năm xa quê hương từ lúc mới chỉ là đứa trẻ lên 10.

Thông thường để trau dồi tiếng Việt và thu thập thông tin hằng ngày thì phần đông người Việt xa xứ chọn đọc báo giấy miễn phí được phân phát tại các cửa tiệm Việt Nam trong cộng đồng. Số lượng báo giấy miễn phí này có gần 150 tờ tại Mỹ, nhưng khoảng 140 tờ trong số đó là do những nhóm người có tư tưởng tiêu cực làm chủ. Độc giả của báo giấy miễn phí hiện nay phần đông là những người lớn tuổi và một số ít ở tuổi 25 trở lên.

Thứ hai là xem truyền hình tiếng Việt. Số lượng kênh tiếng Việt có 5 đài lớn nhỏ và mới được thành lập trong thời gian gần đây. Mức độ phủ sóng của cả 5 đài này không đến 15% trên tổng số người Việt sinh sống ở Mỹ. Một vài kênh lớn vẫn theo đường lối tiêu cực và số còn lại cũng không dám thẳng thắn trong việc đưa tin tích cực về tình hình trong nước. Cước phí để xem được chương trình tiếng Việt cũng tốn kém cao.

Thứ ba là xem những trang mạng Việt ngữ trong và ngoài nước, phần đông là lớp trẻ. Thứ tư là nghe radio, nhưng số lượng đài phát thanh tiếng Việt rất ít.

Người Việt định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới, không phải ai cũng đủ khả năng nắm bắt tình hình thời sự qua các phương tiện truyền thông của quốc gia đó. Thực tế tại Mỹ có khoảng 80% bà con thu thập thông tin qua hệ thống báo giấy miễn phí. Báo giấy miễn phí tại đây không cần tính chất chuyên nghiệp và đầu tư không lớn, nên rất dễ cho những ai muốn tự mình trở thành nhà báo mà không cần biết đến vấn đề chất lượng và đạo đức nghề nghiệp.

Nỗi buồn chung và sự trăn trở từ lâu của kiều bào ta là việc thiếu thông tin thiết thực tại hải ngoại. Những thông tin thiết thực chưa truyền tải được đến người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ. Vì vậy, nhu cầu truyền hình và báo chí khách quan cho người Việt Nam ở nước ngoài, theo tôi đây là vấn đề cấp bách và bắt buộc, để còn hy vọng bảo tồn văn hóa và giữ gìn tiếng Việt.

Nếu những thông tin chính xác, thiết thực, không bị xuyên tạc... vẫn còn thiếu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì việc bảo tồn văn hóa, gìn giữ tiếng Việt vẫn là vấn đề nan giải. Báo chí truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại trước hết phải là tờ báo “trong sáng”, có định hướng rõ ràng, phải tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần yêu bản sắc văn hóa dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng hải ngoại, thay vì chỉ lo việc tranh luận về chính kiến và chống phá lẫn nhau.

Thiết nghĩ, nếu báo chí và truyền thông tiếng Việt tác động tích cực hơn, trường dạy tiếng Việt ở hải ngoại được mở nhiều hơn, nội dung phong phú, bao quát hơn, chắc chắn, các thế hệ trẻ người Việt hải ngoại sẽ nói và viết được tiếng Việt đủ và trọn vẹn. Từ đó giúp các em hiểu được văn hóa và lịch sử cội nguồn dân tộc.

Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các cơ quan đối ngoại để họ có khả năng phối hợp với báo chí ngoài nước. Nếu có thể hỗ trợ những kênh truyền hình tiếng Việt chân chính tại Mỹ có tầm phát sóng rộng cả nước để đẩy mạnh những thông tin tích cực vào các cộng đồng người Việt càng nhiều càng tốt.

 Michael Bùi
(Tổng biên tập báo Trẻ Online, Mỹ)

* Trích tham luận tại Hội thảo "Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt, giữ gìn tiếng Việt" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.