Tiếng Việt trên đất Thái - Kỳ 3: Ngôn ngữ của tình hữu nghị

28/04/2012 03:51 GMT+7

Từ khi là thành viên ASEAN, chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã cải thiện mối quan hệ hai nước, từ đây tiếng Việt được sử dụng rộng rãi ở Thái.

>> Tiếng Việt trên đất Thái

“Vì tôi là người Việt”

Cứ chiều chủ nhật hằng tuần chị Vũ Thị Vân và cậu con trai chạy xe từ Bangkok ra tỉnh Samuk Prakan để tham gia lớp học tiếng Việt. Nói là lớp học, nhưng thực ra là một phòng ăn riêng của nhà hàng Chapa do một gia đình Việt kiều làm chủ được sử dụng để làm nơi dạy tiếng Việt cho kiều bào. Bàn học là bàn ăn của nhà hàng.

Lớp này mở được hơn một năm nay, có gần 20 học viên từ 5 đến 60 tuổi. Chị Vân năm nay đã 50 tuổi. Dù bận rộn với cơ sở kinh doanh nhưng vẫn cố dành 2 giờ vào chủ nhật hằng tuần đến với lớp học. Trước đây, chị không có cơ hội để học mà chị cũng không dám vì sợ người khác biết mình là người Việt. “Tuy nhiên bây giờ đã khác, tôi muốn nói thông thạo tiếng Việt, trước tiên vì tôi là người Việt. Ngoài ra, tôi muốn tạo động lực cho cậu con trai, năm nay 20 tuổi học tiếng Việt, vì đó là ngôn ngữ của ông bà tổ tiên”, chị Vân chia sẻ. Bà Yến, chủ nhà hàng Chapa, cho biết con cháu của bà không nói được tiếng Việt nhiều, kể cả những người em của bà đã ngoài 50 tuổi cũng không thạo. “Duy trì lớp học ngoài việc dạy tiếng Việt cho con cháu, chúng tôi còn muốn chúng ý thức chúng là người Việt dù đang ở đất Thái”, bà thổ lộ. Bà Yến bắt cả những đứa cháu chưa đến tuổi đi học cũng vào lớp học để làm quen với tiếng Việt, kể cả dâu, rể người Thái cũng được khuyến khích học tiếng Việt như một cách tìm hiểu văn hóa người Việt Nam. Ông Ngọc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Việt kiều ở Thái Lan, cho biết mục tiêu hàng đầu của hiệp hội là phát triển tiếng Việt vì đó là tiếng nói và sức mạnh đoàn kết cộng đồng.

Càng ngày, những lớp học tại nhà như ở nhà hàng Chapa xuất hiện nhiều hơn ở Thái Lan. Ở nhà, bố mẹ nói với con cái bằng tiếng Việt nhiều hơn so với trước và khuyến khích chúng học tiếng Việt như một ngoại ngữ bên cạnh tiếng Anh.

Một ngoại ngữ của thời kỳ mới

Chị Pa ở tỉnh Samuk Prakan công nhận việc biết tiếng Việt giờ đây là một lợi thế của nhiều người Thái gốc Việt. Vì doanh nghiệp và nhà đầu tư Thái Lan rất cần những người Thái gốc Việt trong các kế hoạch phát triển thị trường tại Việt Nam.

Nói về mức độ quan tâm tiếng Việt của giới kinh doanh và giới chức Thái Lan, chị Đỗ Thúy Hà - Giám đốc Trung tâm tiếng Việt và giới thiệu văn hóa Việt Nam (Link Viet), nhận định mọi người đã chú ý nhiều hơn so với trước đây. Theo chị Hà, đã có sự thay đổi đáng kể của tiếng Việt trên đất Thái, ngoài chuyện được công nhận và sử dụng công khai, tiếng Việt được người Thái lựa chọn như một ngoại ngữ của thời kỳ mới.

Có thể nói, dù chưa phát triển mạnh, nhưng tiếng Việt bắt đầu có vị trí nhất định ở Thái Lan hoặc ít nhất là trong cộng đồng người Việt tại đây.


Lớp học tiếng Việt của các sĩ quan hải quân Thái Lan - Ảnh: M.Q

Hải quân Thái học tiếng Việt

“... Mãi mãi lòng chúng ta ca bài bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta vẫn hát khúc quân hành ca...”.

Bài Hát mãi khúc quân hành vang lên trong một căn phòng ở thủ đô Bangkok. Những người hát bài hát này chính là hải quân Thái Lan, họ đang trong giờ học tiếng Việt. Với chất giọng hùng hồn và rõ ràng, những người lính hải quân Thái Lan không mấy khó khăn khi thể hiện bài hát dù chỉ có không quá 30 phút tập luyện, khiến nhiều người lầm tưởng họ là người Việt xa xứ.

Phòng học chỉ rộng hơn 20m2 với 10 cái bàn gần nhau. Mỗi bàn có 2 học viên, phần lớn là sĩ quan. Trên bàn họ là tập vở, giáo trình tiếng Việt và cả bút chì, tẩy. Nhìn họ không khác những đứa trẻ mới bắt đầu tập đánh vần, viết chữ... Học hát là một phần trong giáo trình học tiếng Việt của các hải quân Thái.

Chị Đoan, một trong 3 giảng viên đứng lớp, cho biết các học viên học các kỹ năng cần thiết như đọc, viết, nói và văn hóa, chính trị, xã hội Việt Nam. Họ còn học cả cách ăn mặc, ứng xử, giao tiếp của người Việt ở cả 3 miền. Theo chị Đoan, đó là cách học ngoại ngữ nhanh và hiệu quả nhất. Họ học 2 buổi/ngày, kéo dài liên tục trong 3 tháng tập trung.

Tiếng Việt vốn xa lạ đối với người Thái, đặc biệt là chữ viết. Anh Hợp - tên tiếng Việt của một sĩ quan hải quân được các cô giáo đặt, cho biết lần đầu tiếp xúc với tiếng Việt, anh cảm thấy rất khó và nghĩ rằng sẽ không theo được đến hết khóa học. “Thế nhưng khi tiếp cận lâu hơn, tôi thấy tiếng Việt không khó lắm, cũng gần với tiếng Thái của chúng tôi”, anh Hợp phát biểu. Anh Huy - tên tiếng Việt của một sĩ quan khác, tỏ ra thích thú khi biết về văn hóa, món ăn Việt Nam từ khóa học tiếng Việt này. Trước đây, anh cũng như các đồng nghiệp biết rất ít về Việt Nam dù trong công việc họ thường tiếp xúc với nhiều người Việt. Anh nói không chỉ biết thêm tiếng Việt mà còn hiểu thêm về văn hóa và cả suy nghĩ của người Việt.

Tiếng Việt là một trong những ngoại ngữ trong ASEAN mà các hải quân Thái Lan phải lựa chọn học bên cạnh tiếng Anh. Đó là chỉ thị của quân đội Thái Lan dù không bắt buộc nhưng hầu như sĩ quan nào cũng tuân theo.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.