Tiếp tục “nóng” vụ PCI, lãng phí kho bãi

06/12/2008 00:21 GMT+7

Tại phiên bế mạc hôm qua, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa VII đã yêu cầu lãnh đạo UBND TP.HCM giải trình một vấn đề có tính thời sự.

Vụ PCI, có chứng cứ, chúng tôi xử ngay lập tức!

Mở màn phiên họp sáng 5.12, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa đứng lên nhìn về hàng ghế các vị lãnh đạo UBND TP.HCM, hỏi: “Sáng nay, báo chí đưa tin phía Nhật đã tạm dừng cho Việt Nam vay các khoản ODA mở rộng đến khi vụ PCI được làm rõ. Hôm nay, tôi đề nghị HĐND TP dành thời gian 30 phút thay vì 20 phút để Thường trực UBND TP giải trình rõ về vụ việc này”. Đồng tình với ý kiến trên, một số ĐB cũng yêu cầu lãnh đạo UBND TP đáp ứng nguyện vọng của ĐB và cử tri. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đăng đàn trả lời.

Theo ông Tài, khi có thông tin về vụ PCI, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP đã gấp rút chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ quy trình, tất cả những hợp đồng, thủ tục... để xem trong quá trình thực hiện có “hở” gì không?. “Tôi là người được phân công trực tiếp làm việc với phía đối tác nhiều lần, đến 8 - 9 lần”, ông Tài nhấn mạnh.

Tôi xin nhận trách nhiệm!

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân thừa nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội và công tác quản lý đô thị của TP vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Một số chỉ tiêu tuy đạt hoặc vượt kế hoạch, nhưng chưa thật sự vững chắc.

Thu nhập thực tế của nhân dân, nhất là công nhân viên chức, người lao động, gia đình chính sách và đồng bào nghèo bị giảm sút. Ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng cao, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường chậm được phát hiện xử lý... “Với tư cách là người đứng đầu UBND TP, tôi xin nhận trách nhiệm trước HĐND TP, cử tri và đồng bào thành phố về những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói. (M.N)

Ông Tài cho biết, tại những lần làm việc đó, ông đã nói với phía Nhật Bản, đất nước các ông cũng như thế, khi xử một công dân nào, dù là tội phạm thì cũng phải theo luật lệ, phải có chứng cứ rõ ràng. “Tôi nói với họ rằng, nếu các bạn cho rằng PCI hối lộ cho quan chức, vậy thì hãy đưa bằng chứng, chúng tôi xử liền, chứ nói không không được”, ông Tài kể. Dừng một chút, ông Tài nói tiếp: “Khi làm việc với tôi, phía Nhật Bản nói rằng đây là cuộc tiếp xúc riêng và đề nghị không thông tin cho báo chí. Chúng ta cam kết và thực hiện điều đó, không công bố cho báo chí. Thậm chí trên một diễn đàn HĐND TP tôi đã đề nghị báo chí không nói vụ này. Nhưng về phía Nhật, họ đều tung lên mạng. Trước tình hình này, chúng tôi phải ra báo cáo với Thủ tướng”.

Vị lãnh đạo UBND TP nói thêm: “Có lần tôi nói mấy anh cứ đưa chứng cứ ra, tôi sẵn sàng ngồi chờ anh gọi điện về Tokyo để báo cáo. Và tôi đã ngồi đợi 25 phút cho đoàn của phía Nhật điện về Tokyo để có được thông tin này, nhưng cuối cùng họ đành xin lỗi...”. Nhưng cho đến giờ phút này, theo ông Tài, phía Nhật Bản cũng không đưa ra được chứng cứ. Song do phía Nhật đã xử quan chức PCI nên Thành ủy mới cân nhắc và quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông – Tây (ông Huỳnh Ngọc Sĩ – PV). Hiện nay, hai bên đang họp với nhau, cơ quan điều tra đã vào cuộc.

“Cuộc chiến” giành lại kho bãi

Trả lời chất vấn của ĐB HĐND TP về tình trạng mặt bằng, kho bãi lãng phí (Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh trong tháng 11), Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài cho rằng, từ khi có Quyết định (QĐ) 80/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay đã được thay bởi QĐ 09/2007/QĐ-TTg) về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, TP đã tiến hành kiểm kê, đối chiếu tình trạng hồ sơ pháp lý, đặt vấn đề sắp xếp trên 11.500 địa chỉ mặt bằng, kho bãi. Đến nay, đã xử lý hơn 7.000 địa chỉ mặt bằng, kho bãi và thu hồi cho ngân sách TP trên 13.000 tỉ đồng.

Chỉ tiêu GDP TP.HCM năm 2009 tăng từ 10% trở lên

Tại phiên bế mạc, 100% ĐB có mặt thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009, với 20 chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể, GDP tăng từ 10% trở lên; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 131.000 tỉ đồng; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%; tạo việc làm mới cho 120.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 5,3%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 91,5%; số người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng: 480 triệu lượt người...

Tuy nhiên, lãnh đạo TP thừa nhận “cuộc chiến” giành lại kho bãi lãng phí trên địa bàn TP không hề đơn giản chút nào. “TP phải đấu tranh kịch liệt với các đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng, vì không ai muốn “buông” trong điều kiện cơ chế thị trường này cả. Các đơn vị đưa ra mọi lý do để giữ lại”, ông Tài nói. Ngoài ra, một khó khăn khác là trong khi theo QĐ 80, Bộ Tài chính có quyền chủ động sắp xếp các phương án thu hồi hoặc để lại hoặc chuyển đổi mọi thứ, nhưng khi đến QĐ 09 thì lại khác. Điểm khác này (cũng là khó khăn trong việc thu hồi) là câu chuyện cổ phần hóa; các đơn vị đưa mặt bằng, kho bãi này vào phần tài sản trong quá trình cổ phần hóa. “Và khi cổ phần hóa rồi người ta sẽ xin thêm chức năng kinh doanh kho bãi, bất động sản... thì coi như phần này rất khó thu hồi”, ông Tài phân bua.

Cũng theo 09, để xử lý các mặt bằng, kho bãi, TP phải có sự thỏa thuận với các bộ, ngành Trung ương trực tiếp quản lý những mặt bằng, kho bãi này, chứ không phải TP muốn làm gì thì làm. Cho nên, câu chuyện thu hồi đối với TP là rất khó khăn. Điển hình là số mặt bằng, kho bãi đang sử dụng lãng phí ở Q.8 mà báo chí đã phản ánh và người dân bức xúc trong thời gian qua. “TP sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý, thu hồi các mặt bằng, kho bãi sử dụng lãng phí theo hướng nhanh hơn, quyết liệt hơn”, ông Tài hứa.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.