Tiết học nửa giờ

02/05/2006 22:15 GMT+7

Lớp học, có 9 trò mà đến ba thầy. Thế nhưng, thầy vẫn vã cả mồ hôi. Thầy dạy trò không chỉ bằng lời mà chủ yếu bằng hình ảnh, tranh minh họa, các đoạn phim và cả những vở kịch ngắn. Tiết học chỉ kéo dài nửa tiếng đồng hồ vì trò không thể tập trung lâu hơn. Đó là chân dung một lớp học giáo dục giới tính dành cho trẻ chậm phát triển của thầy trò Trường chuyên biệt Gia Định.

"Con trai tóc dài, con gái tóc ngắn" !

"Hôm nay chúng ta ôn lại bài cũ nhé! Em nào cho thầy biết con trai khác con gái ở điểm nào nè?". Thầy Thành Nguyên vừa đặt câu hỏi, ba bốn cánh tay liền giơ lên. "Con trai với con gái khác nhau ở bộ phận sinh dục. Con gái có vú, con trai không có. Con trai tóc dài, con gái tóc ngắn" - Bình vừa chỉ vào hai tấm hình con trai, con gái trên bảng vừa phát biểu. Nghe đến đây, cả lớp cười ồ lên. Quân nhanh nhảu: "Sai rồi! Con trai tóc ngắn, con gái tóc dài". Sang chưa hài lòng, tiếp tục bổ sung: "Con trai cũng được để tóc dài nhưng không thích thắt bím, uốn tóc như con gái. Con gái để móng chân sơn cho đẹp, con trai không cần". Không khí lớp học sôi nổi ngay từ phút đầu. Khuôn mặt ngây ngô, khờ khạo thường ngày của các em trở nên hào hứng lạ. Thật khó tin những cậu bé đang học cách phân biệt con trai, con gái ấy đã ở độ tuổi 14-18. Thầy Thanh Tân cho biết: "Trẻ chậm phát triển trông bề ngoài cao lớn bình thường vậy nhưng thực chất tâm hồn chẳng khác nào trẻ con". Còn thầy Nguyên cho biết: "Dạy a, bờ, cờ cho các em đã khó, giáo dục giới tính còn khó hơn nhiều. Kiến thức thì trừu tượng mà các em tiếp thu rất chậm. Vì vậy, không thể nói bằng lời, phải dùng hình vẽ, phim ảnh, diễn kịch để bài học trực quan, sinh động giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ hơn".


Thầy Thành Nguyên:" Tóc con gái thế này đã đúng chưa nào?"

"Dạy các em nữ phức tạp hơn nam, đặc biệt là vấn đề giữ gìn vệ sinh thân thể trong thời kỳ kinh nguyệt"- cô Võ Thị Khoái, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Gia Định tâm sự. Có hôm, cô phải thực hành thật chậm thao tác dùng băng vệ sinh trên búp bê cả chục lần. Vậy mà đến lúc cho từng em vào nhà vệ sinh tập làm, em nào cũng làm sai lên sai xuống. Cô trò khổ sở mấy tháng trời các em mới có thể tự làm vệ sinh cá nhân trong những "ngày của con gái". "Phải kiên trì. Mưa dầm thấm đất thôi - cô nói đầy quyết tâm - Chứ giờ nhà trường không dạy thì ai dạy? Gia đình các em đã "bó tay" từ lâu rồi".

"Con gái không được rờ con trai"!


Cả lớp thích thú với vở kịch" giữ khoảng cách trong tiệm hớt tóc" do thầy Tín và thầy Tân đóng.

Trẻ chậm phát triển tuy tâm lý phát triển yếu ớt, không ổn định nhưng sinh lý phát triển rất mạnh, có khi còn mạnh hơn cả người bình thường. Các em nam, nữ ở độ tuổi dậy thì rất thích gần gũi, ôm ấp nhau, dù đó chỉ là hành động vô thức. Cô Khoái kể nhiều lần đang dạy, cô giật mình phát hiện hai đứa ôm nhau ngay trong lớp học. Lúc đó thì chỉ biết ngăn thôi chứ chẳng biết cách nào cho các em hiểu lý do không được làm như thế. Bị ám ảnh, ray rứt mãi, thế là cô quyết đi tìm cho bằng được giáo trình giảng dạy giới tính cho trẻ chậm phát triển. Cô đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức đi khắp nơi từ Nhật đến Pháp, rồi sang cả Mỹ để mang về một kho tư liệu, giáo trình cần thiết. Có người bảo cô bao đồng vì: "Dạy cho người bình thường còn chưa xong... Đã chậm trí rồi còn giới với tính". Cô trả lời không chút ngần ngại: "Chậm trí cũng là con người. Giới tính là một vấn đề bản năng con người. Các em phải có quyền biết về giới tính của mình và giới hạn nhất định trong mối tương quan với người khác để tránh xảy ra tai họa khôn lường".


Trò lúng túng, thầy gỡ rối.

Sau bốn năm chương trình giáo dục giới tính được áp dụng như một hoạt động ngoại khóa thường xuyên cho trẻ chậm phát triển ở độ tuổi từ 14-18 (vì đối với lứa tuổi nhỏ hơn, những kiến thức trừu tượng này là quá sức) đã cho thấy những dấu hiệu khả quan. Đa số các em đã có thể nhận biết tường tận sự khác biệt giữa con trai với con gái; biết giữ gìn vệ sinh thân thể nam, nữ ở tuổi dậỵ thì và biết nói tiếng "không" với những chuyện không tốt cho sức khỏe hay những người có ý định xâm hại thân thể của mình. Cô Khoái không giấu được vẻ phấn khởi: "Giờ tụi nhỏ không còn tự tiện ôm ấp như xưa nữa. Chúng đã biết giữ khoảng cách nam nữ và tự vệ rất đúng lúc".

Tiết học nửa giờ của lớp khép lại trong vở kịch ngắn "làm thế nào để giữ khoảng cách". Cô Nhan giả làm một nữ sinh đến chọc ghẹo Sang. Khi cô sờ vào đùi Sang, ngay lập tức cậu bé nheo mày, giơ ngón trỏ lên lắc qua lắc lại ra dấu không được. Khi "cô gái" tiếp tục sờ soạng, Sang phản đối quyết liệt: "Thầy giáo dạy con gái không được rờ con trai, chỉ có mẹ được rờ thôi". Thầy Nguyên hỏi tiếp: "Nếu cô gái cứ tiếp tục rờ thì sao?". Cả lớp đồng thanh: "La lên kêu cứu"...

Y.T - M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.