Tiết kiệm hôm nay, thắp sáng tương lai

22/03/2010 15:02 GMT+7

Lúc nào đèn cũng mở sáng choang, quạt chạy vù vù dù không có người trong phòng... Chính những người trong cuộc cũng tự nhận xét rằng: “Khá nhiều sinh viên (SV) không hề biết tiết kiệm năng lượng”!...

Ngày 21.3, Thành Đoàn TP.HCM phối hợp với trường ĐH Bách khoa, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP tổ chức diễn đàn “Giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả - Tiết kiệm hôm nay, thắp sáng tương lai” tại Ký túc xá trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Điện, quạt mở “thả ga”

Là người đầu tiên phát biểu tại diễn đàn này, bạn Trần Thế Tùng - khoa Điện, trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói: “Đồng tiền đi liền khúc ruột. Bây giờ dùng bất cứ cái gì liên quan đến năng lượng, SV đều phải bỏ tiền túi ra chịu”.

Trong khi đó, một SV cùng trường, học khoa Hóa, bạn Nguyễn Lê Trí Đăng bày tỏ: “Tôi không đồng ý với ý kiến trên. Thử làm phép tính, mỗi SV ở ký túc xá đóng 250 ngàn đồng, gồm điện, nước và sinh hoạt phí trong phòng. Khoản tiền này không thấm tháp gì so với khi ở trọ bên ngoài”. Trí Đăng thẳng thắn: “Thực tế, rất nhiều bạn lại không hề biết tiết kiệm năng lượng! Ví dụ tại phòng sinh hoạt chung của ký túc xá, bất cứ lúc nào cũng thấy 2 cái quạt chạy vù vù và 16 bóng điện sáng choang, ngay cả khi không có người”. Chàng SV này cũng kiến nghị: “Mong rằng trước khi chiếu một bộ phim nào đó, Ban quản lý ký túc xá chiếu một video clip về tiết kiệm năng lượng”.


Tình nguyện viên tuyên truyền Giờ trái đất tại siêu thị Coop-mart Cống Quỳnh - Ảnh: Nghĩa Phạm

SV Lê Cao Nhiên - Phòng 419, Ký túc xá trường ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ những quan sát âm thầm hằng ngày của mình đồng thời nêu đề xuất: “Làm sao để phòng sinh hoạt chung bớt hiện tượng điện, quạt mở “thả ga”? Mình nghĩ cần phải dán những thông báo “tắt quạt, đèn trước khi ra khỏi phòng”. Tại sao những bạn sống từ tầng 4, tầng 5 trở xuống lại không đi thang bộ mà cứ thích đi thang máy? Tại sao chúng ta không dán giấy kêu gọi “hãy đi thang bộ để tiết kiệm điện?”. Rồi tầng hầm gửi xe trong ký túc xá dù dốc đổ xuống nhưng không ai chịu tắt máy khi vào mà cứ nhả khói mịt mù trong những giờ cao điểm. Bãi gửi xe ở trường cũng trong tình trạng như vậy... Theo tôi, nên có bản tin về môi trường trong ký túc xá. Ở đó, SV có thể góp ý những giải pháp tiết kiệm điện nước và tuyên dương những tấm gương bảo vệ môi trường”.

Sử dụng năng lượng hợp lý

Giám đốc Ký túc xá ĐH Bách khoa, ông Phan Đình Mãi nhắn nhủ: “Có những vấn đề không chỉ SV nội trú mà mọi SV khác nên lưu tâm, tự giác thực hiện. Đó là cách sử dụng hợp lý đèn học cá nhân, máy tính và quạt, rút thiết bị ra khi không dùng... để tiết kiệm năng lượng”.

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chương trình “Giờ Trái đất” năm 2010 của Quỹ Quốc tế về bảo vệ Thiên nhiên (WWF), sáng 21.3, từ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, hơn 1.000 tình nguyện viên đã diễu hành bằng xe đạp và tỏa về nhiều cao ốc, khách sạn, siêu thị... để tuyên truyền người dân tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả. Song song đó, từ ngày 21 - 27.3, nhiều buổi tọa đàm đã mở ra như: “Hạn chế biến đổi khí hậu - Hành động của chúng ta”, “Giải pháp cho một giờ không điện”...

Chia sẻ tâm tư của SV Lê Cao Nhiên, ông Mãi kể thêm nhiều chuyện dở khóc dở cười: “Có hơn 60 nút chuông báo cháy được ráp trong những tầng lầu ở Ký túc xá ĐH Bách khoa. Mặc dù chúng tôi dán giấy hướng dẫn sử dụng rằng chỉ ấn nút khi phát hiện cháy, song nhiều bạn vẫn thích ấn... cho vui. Còn giấy hướng dẫn sử dụng thang máy thì bị gỡ và vò vứt lung tung. Nhiều SV ăn cơm xong xỉa răng và vứt khăn giấy trong thang máy. Ở phòng sinh hoạt chung, công tắc ngay cửa ra vào nhưng cũng không ai thèm tắt... Những cái đó gọi là gì, nếu không phải là ý thức!”.

Bạn Trần Thế Tùng đặt vấn đề: “Việc định hướng lâu dài về tiết kiệm năng lượng cho SV được chú trọng như thế nào? Bởi lẽ sau khi ra trường đi làm, công nhân viên sẽ sử dụng năng lượng của Nhà nước, của doanh nghiệp, chứ không còn dùng túi tiền của mình như ngày trước”. Ông Phạm Huy Phong - Trưởng ban Cố vấn kỹ thuật, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM chia sẻ: “Có những người coi việc tắt đèn, tối thui hóa trong sản xuất và sinh hoạt là tiết kiệm năng lượng. Thực ra, hiểu đúng cụm từ này chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, tức là sử dụng năng lượng ít nhất có thể được nhưng vẫn thỏa mãn hoạt động cần thiết của con người”.

Phó khoa Môi trường thuộc trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô Lê Thị Hồng Trân cũng nói: “Nâng cao ý thức xã hội về sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”.  

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.