Sau 9 năm du học tại Úc, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (28 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) về nước quản lý kinh doanh khách sạn của gia đình rồi bỗng thành người nổi tiếng trên mạng xã hội từ “sức mạnh” của các bài đăng kêu gọi quyên góp.

Nhiều lần được ba mẹ hối thúc tập trung xây dựng sự nghiệp, lo cho tương lai với nền tảng kinh tế gia đình sẵn có, Trúc Phương đáp: “Tiền ngày hôm nay mình không kiếm thì ngày mai mình kiếm; còn người nghèo mà hôm nay mình không giúp đỡ họ thì chắc gì ngày mai mình gặp lại họ để giúp”. Rồi cô gái trẻ miệt mài với công việc thiện nguyện, trở thành bạn thân của những người nghèo khắp TP.HCM.

Cô gái có tấm lòng nhân hậu đã có những chia sẻ chân thành cùng PV Thanh Niên trong tiểu mục “Một nửa thế giới”.

Trên mạng xã hội, người ta thấy một Trúc Phương vừa đẹp vừa sang chảnh, nhưng có câu chuyện nào vừa nổi cần được giúp đỡ là Phương có mặt ngay với quần áo đơn giản, mộc mạc. Vậy phải chăng có 2 Trúc Phương hình ảnh trên mạng - lòng tốt ngoài đời thực? 

Đi chơi với bạn bè, em luôn là chính mình với những bộ đồ thoải mái nhất, tự tin nhất; nhưng khi gặp những hoàn cảnh cần được giúp đỡ, em luôn mặc quần jean, áo thun đơn giản vì muốn tạo sự gần gũi, thoải mái chia sẻ. Dù gặp chú bảo vệ, người chạy xe ôm hay nhặt ve chai, em cũng đều cúi đầu chào, bắt tay, trao cho họ những cái ôm ấm áp nhất để xóa nhòa mọi khoảng cách, để họ thấy “à con bé này cũng bình thường, tin tưởng được, chia sẻ được”.

Có thể chính vì sự gần gũi ấy nên nhiều người gọi Trúc Phương là “cô tiên của người nghèo”, vậy Trúc Phương thấy sự nổi tiếng này có áp lực không?

Vô vàn áp lực. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, em bị quấy phá từ mạng xã hội đến số điện thoại di động, số máy bàn của gia đình. Họ gọi toàn 2 - 3 giờ đêm khi cả nhà đang ngủ, gọi liên tục. Đến 4 - 5 giờ sáng thì họ gọi công an phường báo nhà em bị cháy, có người đột quỵ… Rất nhiều chuyện ngoài tầm kiểm soát.

Lúc đó em chán lắm luôn rồi. Em nghĩ giờ chủ yếu muốn phá để em không làm từ thiện nữa, thì em không làm nữa để người ta không phá mình nữa. Nhưng mẹ em nói những người họ quậy phá vẫn đứng trong bóng tối vậy thôi; còn những người thiệt thòi là những người nghèo con đang chuẩn bị giúp đỡ, nếu con ngưng thì họ không được giúp đỡ nữa nên em lại tiếp tục.

Trước đó, chính ba mẹ là người khuyên em nên tập trung xây dựng sự nghiệp. Nhưng thấy em làm mọi việc từ tâm, nhìn thấy nụ cười của em, của cả những người được giúp đỡ, ba mẹ luôn dặn dò: “Một xu cũng không được tham, muốn cái gì về đây ba mẹ cho”.

“Cô tiên” quá tốt nên ai cũng réo tên. Vậy mỗi ngày Phương nhận bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi? Làm sao để xử lý hết đống thông tin mỗi ngày đó?

Mỗi ngày, tài khoản Facebook, TikTok của em nhận đến gần 1.000 thông báo tag tên vào những hoàn cảnh cần được giúp đỡ cùng khoảng 100 tin nhắn cầu cứu. Trong số đó, có nhiều nick ảo, dùng ảnh người khác, thời gian đầu em cũng đôi lần chi tiền túi ra để giúp đỡ, nhưng sau vài lần bị lừa, nên em khi muốn giúp, kêu gọi giúp hoàn cảnh nào thì đều đến tận nơi để xác minh, hỏi thêm công an khu vực, tổ dân phố. Nhiều nơi em được vui vẻ giúp đỡ, nhưng nhiều nơi cũng cho rằng em đang làm chuyện bao đồng, em đành tìm cách khác.

Ví dụ, vừa qua em gặp trường hợp một bà cụ bế em bé nhỏ xíu đi xin ăn ở ngoài đường. Em quyên góp được trên dưới 100 triệu đồng, nhưng khi chuẩn bị đến trao thì nhận được tin nhắn của một người nói câu chuyện của bà không đúng như vậy.

Em đã đến nhà khảo sát lại, hỏi chính quyền địa phương mới biết đứa bé không phải mồ côi cha mẹ như bà cụ chia sẻ trước đó, gia đình vướng vào cờ bạc, cũng không nghèo như lời tâm sự. Em đã ngưng việc trao tiền cho nhân vật này, chuyển số tiền đó sang cho một trường hợp khác.

Có lần khác, khi em đi trao tiền rồi thì mới nghe được thông tin nói ông chú lớn tuổi mà em vừa giúp đúng là đi bán vé số, gia đình khó khăn nhưng có dính đến cờ bạc.

Trong đêm em chạy đến để xin lại chú 20 triệu, nhưng đêm về em suy nghĩ rất nhiều, vì 12 giờ đêm chú còn đi lấy tiền trả lại cho em. Em nói 20 triệu này em sẽ trả lại vô quỹ, tự trích tiền của mình tặng cho chú, vì chú đang đứng ở ngã ba đường, quẹo trái là xấu, quẹo phải là tốt. Giờ em giúp cho chú tới ngã ba rồi mà còn làm như vậy nữa thì chú nghĩ sự tử tế trên đời không còn nữa nên em quyết định trao lại cho chú. Khi em quyết định vậy thì mạnh thường quân đều đồng ý để em trích quỹ trao lại cho chú, gửi tiền đó vào thẻ, khi nào chú rút dùng gì thì tin nhắn báo về máy em.

Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, sống trong nhung lụa nhưng vì sao em lại có sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn?

Từ ngày nhỏ xíu, ra đường thấy ông bà bán vé số, em cũng như nhiều bạn khác, thấy xót xa lắm, tự hứa sau này khi kiếm ra tiền sẽ giúp ông bà.

Cuối năm 2019 du học về nước, thấy mạng xã hội chia sẻ ai cần được giúp đỡ, em lại vận động gia đình, bạn bè cùng bỏ thêm tiền túi để tìm đến hỗ trợ. Nhưng số tiền khi ấy chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/lần.

Khoảng tháng 8.2020, em đăng bài đăng kêu gọi giúp chú Hải chạy xe ôm, ngày 3 bữa ăn bánh mì từ thiện như mọi lần, nhưng bất ngờ, sau một đêm tài khoản đã có hơn 40 triệu đồng. Hôm sau, em liên lạc, lái ô tô đến chở chú đi mua chiếc xe mới, đi siêu thị. Nhìn chú đen nhẻm, khoác chiếc áo xe ôm công nghệ ngồi trên xe ô tô chụp ảnh cùng em mà thương lắm. Đó là cột mốc em bắt đầu nổi tiếng.

Trường hợp thứ hai, em đăng kêu gọi giúp anh Phạm Văn Tâm (ngụ Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con. Hình ảnh anh ôm cả con rắn hổ mang vào viện cấp cứu vẫn ám ảnh nhiều người khi ấy. Sau 1 ngày, em đã kêu gọi được hơn 200 triệu đồng để trao đến gia đình. Đồng thời, em đưa chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh Tâm) đi làm thẻ ngân hàng, đăng số tài khoản lên trang cá nhân mình.

Một ngày sau khi em đăng số tài khoản của chị Tuổi lên mạng thì đã có hơn 500 triệu được gửi đến. Hai, ba ngày sau số tiền còn tăng lên nhiều. Một sức mạnh khủng khiếp. Bác sĩ cũng cứu sống được anh Tâm, ngoạn mục. Em bị bất ngờ, bị vỡ òa, tới cả bản thân mình cũng không tin được là mọi người lại tin tưởng mình tuyệt đối. Có thể vì trước đó vấn đề sao kê không rầm rộ, nhưng em vẫn sao kê các trường hợp em đã đăng.

Gần 3 năm qua, em đã giúp khoảng 100 trường hợp với số tiền trên dưới 10 tỉ đồng. Trong đó, riêng 3 tháng dịch Covid-19, số tiền em quyên góp để hỗ trợ lương thực khoảng vài tỉ đồng.

Cách làm từ thiện của Trúc Phương khác biệt ở chỗ, em thường đưa những người em kêu gọi giúp đỡ đi siêu thị, đi mua sắm đồ dùng trong gia đình mà không phải là trao hết toàn bộ số tiền đó cho họ. Vì sao như vậy?

Thời gian đầu làm từ thiện, em cũng nghe lời ra tiếng vào rằng “làm theo phong trào”, nhưng em đều bỏ ngoài tai, làm theo những gì trái tim mách bảo.

Ngay khi nhận đủ tiền quyên góp, em sẽ lập tức đến tận nơi, hỏi xem họ đang cần những gì, điều kiện sống ra sao, đưa họ đi siêu thị, đi mua đồ gia dụng hay ăn một bữa cơm ngon, rồi mới trao tiền để họ trang trải.

Em nghĩ rằng cũng có ước mơ, những người khó khăn thường ước mơ đơn giản rằng, nay có tiền sẽ đi siêu thị, mua món này, món kia; nhưng khi có tiền lại ưu tiên cho việc khác. Do đó, em chọn cách làm từ thiện không giống ai này.

Em dắt ông bà cụ, những người khó khăn đi siêu thị, nhìn ánh mắt của họ ngỡ ngàng thấy thương lắm. Người thì đen nhẻm cứ ngó nghiêng, giống như nhìn những cái này quá xa lạ với họ, em thấy thương lắm. Nhưng em rất vui và cảm thấy mình đúng khi làm những việc như vậy.

Trường hợp em nhớ nhất là chú Bằng nuôi con gái bại não ở dưới ghe, hằng ngày chú đều đặn chèo ghe đưa con đi nhặt ve chai trên sông Sài Gòn, tối về ngủ trên cái xuồng nhỏ xíu. Sau khi kêu gọi, em đã mua một cái tàu lớn hơn để hai cha con có giấc ngủ thoải mái hơn.

Đưa hai cha con chú đi siêu thị mà em thương không chịu được, cả hai đều không có dép, đi chân đất, nhìn thấy ai cũng sợ, nhìn món nào cũng lạ lẫm. Giúp được mọi người em thấy rất hạnh phúc. Em mong ai cũng có cuộc sống bình an, hạnh phúc, lúc nào cũng phải giữ gìn sức khỏe của mình.

Từ ngăn cản ban đầu, đến nay ba mẹ Trúc Phương còn có ý kiến gì về việc em làm từ thiện không?

Nay ba mẹ em lại trở thành những mạnh thường quân “quen” của con gái, nhất là trong đợt dịch Covid-19. Em hay len lén xin thêm một chút để đủ quà trao, lần nào em xin ba mẹ cũng cho hết. Còn khi em đi thiện nguyện ở xa thì tiền vé máy bay, chi phí ăn ở cho cả đoàn cũng đều là ba mẹ cho.

Em nghĩ điều gì ở em khiến mạnh thường quân tin yêu, những bài đăng kêu gọi có “sức mạnh” nhanh chóng có được khoản tiền lớn để giúp các nhân vật?

Em luôn có những nguyên tắc làm từ thiện để đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Bản thân em không bao giờ mở quyên góp vô tội vạ hay mở quyên góp rồi tiền muốn vô bao nhiêu thì vô.

Thay vào đó, ví dụ muốn quyên góp cho trường hợp này 100 triệu, thì khi tài khoản đủ 100 triệu em sẽ ngưng bằng cách đóng tài khoản. Mình phải biết đủ, có những người mình cho họ nhiều quá cũng không phải là tốt, mình chỉ cho họ cái cần câu chứ không cho họ con cá để ăn. Phải cho họ biết mạnh thường quân với sự giúp đỡ này chỉ là thoáng qua thôi, cho nên họ phải biết tự đứng vững trên đôi chân của họ thì mới ấm no sau này.

Trong số 100 trường hợp đã từng giúp đỡ, em cũng chưa từng quyên góp cho trường hợp nào bế bé nhỏ đi ra đường vì em cho rằng nếu ai thương con mình sẽ không bao giờ làm như vậy.

Em có kế hoạch gì cho việc từ thiện trong tương lai của mình?

Em cũng không biết sẽ làm từ thiện đến khi nào vì có lẽ đây là duyên ông trời cho. Có thể sắp tới em sẽ hướng đến mở quỹ quyên góp cho những em bé nghèo ở vùng sâu vùng xa đến trường cũng như một số trường hợp đặc biệt ở đường phố TP.HCM.

Xin cảm ơn Trúc Phương về cuộc trò chuyện!

Báo Thanh Niên
25.10.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.