Trong dự thảo lần này, Bộ đề xuất doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép xuất khẩu lao động phải có các điều kiện: có vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng trở lên, thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng tại ngân hàng thương mại; người đại diện theo pháp luật phải có trình độ từ đại học trở lên, đã làm việc ít nhất 5 năm trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 10 năm trước khi đề nghị cấp giấy phép; có nhân viên chuyên trách và tổ chức bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; có cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Đáng chú ý, nhằm ngăn chặn tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, dự thảo lần này sẽ sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt đối với người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, vi phạm các quy định của luật.
Cụ thể, nếu người lao động không tự nguyện chấp hành quy định sẽ phải nộp phạt theo quy định. Nếu người lao động không chấp hành quyết định xử phạt, người bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để nộp tiền phạt thay cho người lao động; đồng thời có các chế tài khởi kiện người lao động và người bảo lãnh.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, hiện cả nước có 345 doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu lao động với khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trong hơn 30 nhóm ngành nghề ở 40 nước và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp này đưa hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bình luận (0)