Tìm chỗ chơi trung thu cho trẻ

18/09/2015 09:10 GMT+7

Mùa trung thu này, Hà Nội có nhiều chỗ vui chơi dành cho các em nhỏ với vô số lựa chọn phong phú, hấp dẫn.

Mùa trung thu này, Hà Nội có nhiều chỗ vui chơi dành cho các em nhỏ với vô số lựa chọn phong phú, hấp dẫn.

Tìm chỗ chơi trung thu cho trẻ
Tập huấn làm đồ chơi dân gian cho tình nguyện viên ở Bảo tàng Dân tộc học - Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học
Hơn 300 em nhỏ đã đến kín đặc không gian chương trình Cùng sáng tạo mặt nạ Việt vui Tết Trung thu tại Bảo tàng Mỹ thuật (66 Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình) hôm 13.9 vừa qua. Cũng có những bé đã đăng ký nhưng không được dự vì hết chỗ. Chính vì thế, nhóm tổ chức đã nối ngày hội đón Trung thu này bằng một hoạt động mới có tên Tùng rinh làm mặt nạ vui trung thu. Chương trình này sẽ được tổ chức tại “tổ hợp ăn chơi” mới chào sân Creative City số 1 Lương Yên, Q.Hai Bà Trưng vào 20.9.
“Đang nghĩ cái gì độc đáo cho chương trình thiếu nhi, tự dưng nhớ chương trình Sân thơ trẻ của nhà mình. Bác Nguyễn Anh Vũ và bác Phan Huyền Thư cho các con mượn ý tưởng của Sân thơ trẻ vào Sân thơ thiếu nhi với nhé”, Du Nguyên - một thành viên trong nhóm tổ chức chia sẻ. Cô cũng là người từng tham gia sân chơi thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam. Chính vì thế, trong hoạt động đón trung thu này, sẽ có một sân khấu trình diễn thơ thiếu nhi kết hợp trình diễn mặt nạ cho các bé, do chính các bé thể hiện. Những bài thơ này rất mới, lại không thuộc chương trình phổ thông nên sẽ mang lại cảm giác tươi mới cho các con. Những nhà thơ trẻ như Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thụy Anh, Hoàng Anh Tuấn, Hồ Huy Sơn cũng tham gia chương trình này.
Như thường lệ, Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô, Cầu Giấy) sẽ tổ chức trung thu đúng ngày. Có nghĩa là vào 26 - 27.9 (tức 14 - 15.8) Âm lịch. Theo lệ, bảo tàng tổ chức sự kiện với hai phần hoạt động. Một vẫn là những trải nghiệm trung thu truyền thống đã được tổ chức nhiều năm nay: làm bánh dẻo, cốm, đèn ông sao, đèn kéo quân, tiến sĩ giấy, hướng dẫn cách bày cỗ trung thu... Phần còn lại dành cho những trải nghiệm vùng miền. Nếu như năm ngoái, trung thu ở đây có chủ đề biển đảo thì năm nay, chủ đề đó là Sắc màu văn hóa Cần Thơ. Chính vì thế, vào lúc 10 giờ 30 của cả hai ngày đó, công chúng sẽ được giao lưu với bà Mười Xiềm- “thiên hạ đệ nhất bánh xèo”. Họ cũng sẽ được giới thiệu bàn thờ lễ cúng trăng của người Khơ Me.
“Khi chúng tôi đến làm việc với nhiều nghệ nhân làm đồ chơi dân tộc, họ đều nói giữ nghề bây giờ khó khăn. Có những đồ chơi rất mất công mới làm, thì họ chỉ làm khi trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học. Như làm đèn kéo quân chẳng hạn”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế nói. Ngoài thế mạnh về các nghiên cứu văn hóa dân gian, Bảo tàng cũng đã tổ chức tập huấn cho tình nguyện viên về cách làm đồ chơi trong ngày hội.
Cũng tối 26.9, tại Bảo tàng Hà Nội phối hợp nhóm Đình làng Việt sẽ có chương trình Rước trăng chơi phố. Ban tổ chức cho biết, sẽ có chiếu để khách trải ngồi trong khuôn viên sân vườn của Bảo tàng để các gia đình có thể cùng nhau phá cỗ đón trăng. Phụ huynh có thể chuẩn bị sẵn đồ ăn uống mang đến. “Chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi đốt hạt bưởi đón trăng- trò chơi không xa lạ gì với những người lớn tuổi. Ngày bé, họ từng gom hạt bưởi, bóc vỏ, phơi khô rồi xâu thành dây đốt như thế. Cái thời trẻ em tự làm lấy đồ chơi”, ông Nguyễn Đức Bình- thành viên nhóm Đình làng Việt nói. Để tham gia chương trình miễn phí này, các em nhỏ có thể đăng ký qua số điện thoại 0904179673.
Cũng có những nhóm nhỏ khác có tổ chức vui chơi Trung thu. Xưởng nghệ thuật Tí toáy- một không gian văn hóa cho trẻ- cũng có hoạt động như vậy. Tại đây các em có một tiệc trông trăng nhỏ từ 2-5 giờ chiều ngày 20.9. Ở đó, các em sẽ được học làm bánh trước khi phá cỗ. Tuy nhiên, xưởng chỉ tổ chức ở quy mô học viên. Mô hình nhỏ này cũng là cách các gia đình có thể gom người cùng tổ chức với nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.