Tìm giải pháp cứu mũi Cà Mau

17/04/2011 01:08 GMT+7

Loạt bài Nguy cơ mất mũi Cà Mau trên Thanh Niên đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi và chia sẻ của đông đảo bạn đọc.

Tiến sĩ (TS) Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam; hiện làm việc tại Ban chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước KC08/06-10 liên quan đến phòng chống thiên tai, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường của Bộ Khoa học - Công nghệ, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về vấn đề này.

 

 Con lộ nằm ở bờ đông mũi Cà Mau trước đây nằm sâu trong đất liền nay bắt đầu bị biển xâm thực - Ảnh: T.Trình

Trước tình trạng biển xâm thực gây xói lở nghiêm trọng nhiều nơi ở bán đảo Cà Mau, nếu không kịp thời ngăn chặn thì nguy cơ mũi Cà Mau biến mất trên bản đồ là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo ông, trước mắt cũng như lâu dài, VN cần thực hiện những giải pháp gì để bảo vệ mũi đất cực Nam Tổ quốc?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta cần phải xác định được đúng nguyên nhân về xói lở mũi Cà Mau bằng định lượng theo các bước cụ thể: (1) Đánh giá hiểm họa bao gồm thu thập các số liệu cơ bản trên biển Đông và vùng ven biển Cà Mau (trường gió, trường áp suất, các thành phần của thủy triều), cũng như tài liệu địa chất của vùng bờ Cà Mau. Tính toán mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) cho biển Đông để xác định dòng chảy theo các mùa khác nhau. Kết quả của mô hình này sẽ được dùng làm điều kiện biên cho mô hình vùng ven biển Cà Mau. Xây dựng mô hình tính sóng biển (có hiệu chỉnh) cho vùng ven biển của Cà Mau. Xây dựng mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) kết nối với mô hình sóng cho vùng ven biển. Các mô hình này được kết nối với mô hình biến hình có hiệu chỉnh (morphology) cho vùng ven biển. Xây dựng bản đồ xói lở (bồi lắng) cho vùng ven biển Cà Mau theo các kịch bản khác nhau; (2) Đề xuất Quy hoạch tích hợp (Integrated Coastal Zone Management-ICZM) trong đó có các quy hoạch sử dụng đất theo nghĩa rộng, quy hoạch đô thị kết hợp phát triển du lịch, các công trình bảo vệ bờ kết hợp giao thông, công trình giảm thiểu năng lượng sóng...; (3) Đánh giá lại hiểm họa dựa trên quy hoạch đề nghị, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội - dân sinh của các phương án quy hoạch; (4) Bước 1 đến 3 nói trên cần được xem xét cẩn thận, rà đi rà lại để tìm ra các luận cứ đúng đắn và tối ưu để có được một quy hoạch bền vững.

Theo ông, giải pháp xây dựng kè ngăn thủy triều của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau liệu có ngăn được xâm thực của nước biển trên vùng đất này?

Sau khi xác định đúng nguyên nhân gây xói lở, có thể kết hợp các biện pháp công trình và phi công trình (trồng rừng ngập mặn theo hướng và mật độ thích hợp). Công trình chỉ làm ở nơi thật cần thiết để điều tiết, giữ lại bùn cát do dòng chảy dọc bờ biển là chính. Hệ thống mỏ hàn và công trình song song với bờ hoặc công trình hình chữ T thích hợp phải được kiểm nghiệm bằng mô hình toán. Để có biện pháp chống nguy cơ mất mũi Cà Mau, cần suy nghĩ đến giải pháp thích ứng (phi công trình nhiều hơn là công trình). Tuy nhiên, trước hết phải xác định được đúng nguyên nhân thực chất bằng định lượng về xói lở mũi Cà Mau vì có chẩn đoán đúng bệnh mới chữa được bệnh. Trên thực tế, chúng ta đã tốn không biết bao tiền của vào công tác nghiên cứu và xây dựng các công trình chống xói lở từ Nam ra Bắc. Thành công có nhưng thất bại cũng không ít, vì nhiều công trình bị "hà bá" nuốt chửng! Tôi nhớ có lần anh Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - PV) đã phát biểu trong cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu ở Đại Lải, đại ý như sau: "Xưa kia mỗi khi gặp thất bại thường đổ cho ĐQPK (đế quốc phong kiến) ngày nay là BĐKH (biến đổi khí hậu)”.

Thưa ông, việc mũi Cà Mau đang đứng trước nguy cơ biến mất là do con người gây ra hay do tự nhiên?

Trong thời gian vừa qua, việc gây ra xói lở ở mũi Cà Mau do nguyên nhân của tự nhiên như sóng triều, tác động của dòng chảy dọc bờ biển và cũng do nguyên nhân con người như phá rừng ngập mặn, đào đắp xây dựng phá vỡ cân bằng sinh thái môi trường trong khu vực. Muốn biết một cách định lượng phải điều tra nghiên cứu cụ thể như đã nói ở trên. Thực ra mũi Cà Mau hiện nay mới chỉ biến dạng, và xói lở một số nơi. Với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn theo kịch bản đến năm 2050 và 2100, nếu chúng ta không có các giải pháp thích hợp thì nguy cơ biến mất mũi Cà Mau có thể xảy ra.

Nguyễn Đình Mười
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.