Tìm hiểu môi trường đặc biệt bảo quản hạt thóc

24/05/2010 23:30 GMT+7

Trong khi Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện các thí nghiệm để khẳng định chắc chắn niên đại của những hạt thóc đặc biệt thì nhiều nhà khoa học khác lại hướng sự chú ý tới môi trường đã bảo quản chúng.

Giả thuyết về một môi trường đặc biệt

Hiện tại các nhà khoa học chưa thể lý giải chính xác và thuyết phục nhất cho câu hỏi rất hóc búa: tại sao những hạt thóc nằm dưới lòng đất một thời gian dài như vậy vẫn có thể nảy mầm và đang phát triển tốt? Giả thuyết về sự tồn tại một “môi trường đặc biệt” mà con người chưa biết đến đã bao bọc xung quanh những hạt thóc tại Thành Dền được nhiều người nhắc đến.

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, hiện là Chủ nhiệm chương trình Công nghệ quốc gia, GS-TSKH Trần Duy Quý, một nhà “lúa học” đầu ngành nói rằng: ngày nay, với công nghệ hiện đại nhất, con người cũng chỉ có thể bảo quản được các hạt giống trong vòng 50 - 100 năm bằng cách đặt hạt giống vào môi trường cách ly tuyệt đối, không có không khí, nhiệt độ cực thấp, không cho nó “thở” được. Tuy nhiên, chỉ một vài nước như Mỹ, Đức, Pháp... mới có thể thực hiện được. VN chỉ bảo quản hạt giống được tối đa 15 năm. “Vì thế, nhiều khả năng những hạt thóc nảy mầm được tìm thấy tại Thành Dền đã được bảo quản trong một môi trường đặc biệt”, ông Quý nói.

Lý giải về hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm, GS-VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống và cây trồng Việt Nam cho biết, về mặt logic, nó phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, là do kiểu gen nảy mầm nó quyết định. Thứ hai, hạt thóc được bảo quản trong điều kiện tối ưu nào đấy. Theo GS Long, nếu đúng là những hạt thóc tìm thấy tại Thành Dền có từ 3.000 năm trước, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất hiếm hoi để nghiên cứu tìm ra môi trường đặc biệt đã bảo quản hạt giống trong một thời gian rất dài như thế. Nếu nghiên cứu thành công, sẽ có tính ứng dụng trong thực tế rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản, nhất là bảo quản hạt giống. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện, không thể cứ thấy khó là nhắm mắt bỏ qua.

Ông Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu "môi trường đặc biệt" này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về mặt kỹ thuật và điều kiện máy móc. “Chúng tôi không có mặt tại hiện trường khảo cổ Thành Dền. Những người tìm thấy những hạt thóc đó và người nghiên cứu sau này ở hai công đoạn khác nhau nên không thể biết lúc tìm thấy hạt thóc thì môi trường xung quanh nó như thế nào, chỉ nghe anh em mô tả là có nước rỉ ra, đất có màu đen xám. Chỗ có tro, có hạt thóc hiện không còn nguyên vẹn, còn gì đâu nữa để mà nghiên cứu”, ông Bộ nói. Tuy nhiên, theo ông Bộ, việc này vẫn có thể thực hiện được trong tương lai và các nhà khoa học nông nghiệp đang lên phương án sẽ tham gia trực tiếp cùng với nhà khảo cổ trong quá trình khai quật hiện trường. Theo ông Bộ, một khi đã có câu trả lời chính xác nhất về niên đại 3.000 năm của hạt thóc nảy mầm, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiếp một đợt khai quật khảo cổ nữa tại Thành Dền vì nhiều khả năng vẫn còn những hạt thóc khác đang nằm dưới lòng đất để nghiên cứu về "môi trường đặc biệt" bao bọc xung quanh chúng.

Tháng 10 “lúa cổ” sẽ trổ?

Những cây “lúa cổ” nảy mầm từ những hạt thóc được cho là có niên đại từ cách đây 3.000 năm đang phát triển tương đối tốt tại khu vực thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp. Rồi đây những cây lúa đặc biệt này sẽ được xác định một cách chính xác có phải là lúa cổ hay không nhưng hiện dư luận đang quan tâm đặc biệt tới những thông tin liên quan tới đặc điểm hình thái và mùa vụ của lúa cổ.

Ông Nguyễn Văn Bộ cho biết, hạt lúa cổ có đặc điểm là nhỏ và ngắn. Theo mô tả, lúa cổ thường nhỏ cây, lá mỏng, phiến lá hẹp, khả năng chống đỡ kém và thân rất cao vì phải thích nghi với môi trường không chủ động về mặt thủy lợi. Mùa vụ của lúa cổ được xác định là dài ngày, khoảng 170 - 180 ngày mới cho thu hoạch chứ không ngắn ngày như lúa hiện đại chỉ trên dưới 100 ngày.

Theo các nhà khoa học nông nghiệp, lúa cổ thường phản ứng với ánh sáng ngày ngắn (dưới 10,5 giờ chiếu sáng mỗi ngày). Trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn lúa cổ sẽ làm đòng và trổ bông. Giống lúa cổ này có đặc điểm dù có gieo hạt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng sẽ chỉ trổ bông vào tháng 10 hằng năm. GS Trần Đình Long khẳng định, mùa vụ của lúa cổ thường dài, khoảng trên dưới 185 ngày. Lúa cổ không có gen nửa lùn, gen này mới được đưa vào cây lúa từ mấy chục năm trước mà thôi. Vì thế chắc chắn lúa cổ sẽ phải cao. Và lúa cổ được chia thành hai loại: lúa cảm quang và lúa không cảm quang. Lúa cảm quang thì sẽ phản ứng với ánh sáng, sẽ trổ bông vào tháng 10 hằng năm bất kể nó được cấy vào thời điểm nào trong năm.

Vì thế, nếu đúng là có niên đại cách ngày nay 3.000 năm, những cây lúa được nảy mầm từ những hạt thóc tìm thấy tại Thành Dền nhiều khả năng sẽ trổ bông vào tháng 10 năm nay.

Quan sát kỹ những hạt thóc được tìm thấy tại các hố khai quật ở Thành Dền, ông Nguyễn Văn Bộ nhận xét: màu của những hạt thóc được cho là có từ 3.000 năm trước về mặt hình thái là khác với hạt thóc bây giờ. Vì thế, khả năng hạt thóc ngày nay rơi xuống hố khai quật là rất khó xảy ra.

Cũng theo ông Bộ, phải đợi cho những cây lúa nảy mầm từ những hạt thóc được cho là có niên đại cách ngày nay 3.000 năm làm đòng, cho hạt, lấy hạt đó giải trình tự gen và so sánh xem có tương thích với lúa hiện đại hay không thì mới có thể khẳng định chắc chắn đó là lúa cổ và tiến hành công bố thông tin một cách chính thức. Ít nhất phải 5 - 6 tháng nữa mới hoàn thành các thí nghiệm nêu trên.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.