Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn

10/07/2012 03:15 GMT+7

Nhận nhiều ưu đãi, đặc quyền nên tái cơ cấu động chạm trực tiếp đến lợi ích của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Cần những giải pháp mạnh để việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành... không bị trì hoãn và không gây thất thoát.

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gần như bị đóng băng trong thời gian gần đây - ảnh: Diệp Đức Minh

Không đợi sự tự giác

 

Việc cổ phần hóa DNNN phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề lợi ích. Giai đoạn đầu, cổ phần hóa không được mặn mà vì các DNNN sợ bị mất quyền lợi, ưu đãi. Nhưng có giai đoạn, cổ phần hóa được tiến hành ào ào bởi những cá nhân, nhóm lợi ích được hưởng lợi từ việc định giá tài sản, mua-bán, sở hữu cổ phần cổ phiếu. Nhưng đến lúc này, quy định, điều kiện cổ phần hóa chặt chẽ hơn nên họ lại quay sang bảo vệ các lợi ích cục bộ mà cơ chế, chính sách dành cho các DNNN.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí

Lý do mà nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đưa ra cho việc chậm trễ cổ phần hóa hầu hết là "thời điểm chưa thuận lợi". Cụ thể, thị trường chứng khoán ảm đạm, khó thực hiện bán cổ phần hoặc nếu có bán được, cũng phải bán rẻ, gây thất thoát vốn nhà nước. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất cho quá trình cổ phần hóa chính là chi phối của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đứng phía sau các DN này. Bởi những ưu đãi về vốn, về đất, về cơ chế chính sách chắc chắn sẽ bị mất hoặc giảm đi khi thực hiện tái cơ cấu. Đó là chưa kể, nếu làm rõ những lãi giả, lỗ thật; thất thoát vốn... ở nhiều tập đoàn, tổng công ty thì không ít người sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Đó mới là lý do thật sự của việc trì hoãn tái cơ cấu DNNN.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phân tích cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành là động chạm đến vấn đề lợi ích. Nên nếu để các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tự làm, phải có lợi họ mới làm. Trong trường hợp bất lợi, họ sẽ tìm mọi cách trì hoãn. Vì vậy, khó trông đợi vào sự tự giác của các DN này mà Chính phủ phải vào cuộc. Đây là lúc nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương... phải sử dụng quyền lực để "bắt" họ phải thực hiện. Ông Nghĩa khẳng định cổ phần hóa có nhiều mục đích chứ không chỉ là bán được giá cao. Việc này cần thiết phải được thực hiện ngay để nâng cao năng lực cho các DNNN. Có thể chúng ta không bán được giá như mong đợi nhưng nếu thực sự vì lợi ích trung và dài hạn, không thể trì hoãn vì bất cứ lý do gì.

Không đồng tình với lý do "sợ bán rẻ vốn nhà nước", tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng giá là do thị trường quyết định. Theo quy trình, khi tiến hành cổ phần hóa bất cứ DN nào đều có một công ty đứng ra bảo lãnh. Công ty này "bao tiêu" đầu ra và có trách nhiệm giới thiệu DN với nhà đầu tư. Vì họ ăn phí nên giá bán càng cao, phí thu càng nhiều nên họ sẽ làm mọi cách để giá bán được tốt nhất. Nếu giá đã do thị trường quyết định thì không thể nói là thất thoát. Theo ông Chí, vấn đề quan trọng nhất là "chống ế" để đẩy nhanh cổ phần hóa. Sở dĩ các nhà đầu tư không mặn mà với việc mua cổ phần, cổ phiếu của các DNNN vì việc niêm yết bị trì hoãn rất lâu khiến họ bị chôn vốn và mất niềm tin. Vì vậy, phải có cam kết và thực hiện nghiêm túc việc niêm yết ngay sau khi IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) để tạo thanh khoản cho cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ. Có vậy mới đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN được.

Trên thực tế, lý do "sợ bán rẻ vốn nhà nước" đã đeo bám xuyên suốt quá trình cổ phần hóa DNNN trong nhiều năm nay nhưng nguyên nhân thực sự như đã phân tích trên, là bảo vệ lợi ích, bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của cá nhân, tổ chức, nhóm lợi ích được hưởng từ cơ chế, chính sách dành cho các DN này. Nếu chúng ta vẫn chấp nhận các lý do ấy, cũng có nghĩa là việc tái cơ cấu kinh tế bị ngưng lại.

Thoái vốn, dễ thất thoát

Một vấn đề quan trọng trong tái cấu trúc DNNN là thoái vốn ngoài ngành. Những khoản đầu tư tay trái, đặc biệt là đầu tư vào tài chính, bất động sản của các tập đoàn, tổng công ty nhất thiết phải được thoái vốn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thoái như thế nào, cơ chế định giá ra sao, ai mua - ai bán... đều chưa có gì cụ thể nên việc chốt giá dễ dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích thu lợi lần 2. Lần đầu là khi đầu tư, chuyện mua với giá 2 đồng nhưng trên hợp đồng chính thức ký là 4 đồng, khoản chênh lệch bỏ túi riêng là điều ai cũng biết. Còn tại thời điểm này, mượn "áp lực" từ chủ trương thoái vốn, khả năng "bắt tay" bán vốn nhà nước thấp hơn nhiều so với giá trị có thể bán được để kiếm lợi hoàn toàn có thể xảy ra.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng để tránh trường hợp thất thoát vốn nhà nước bằng các hình thức bắt tay chốt giá như nói trên, nên định giá và bàn giao tất cả các khoản đầu tư ngoài ngành cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC sẽ sắp xếp, cơ cấu, phân loại, đóng gói các khoản tay trái này thành một danh mục đầu tư để bán dần. Như vậy vốn sẽ không bị thất thoát. Trả lời câu hỏi về nguồn vốn để SCIC có thể thực hiện việc mua hết các khoản đầu tư ngoài ngành có giá trị cực lớn hiện nay, ông Chí cho rằng SCIC có thể chỉ trả 10% giá trị các khoản mua, còn lại phát hành trái phiếu và bắt chính các DN này mua lại. Thông qua đó điều tiết vốn giữa các đơn vị một cách hợp lý. Nếu một mình SCIC bị quá tải thì có thể thành lập các công ty có chức năng tương tự hoặc các quỹ đầu tư của các địa phương để đảm nhận phần việc này.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright - cũng cho rằng bản thân các DNNN đều công bố thoái vốn nhưng sau đó lại nói rằng chưa làm được ngay vì thời điểm chưa thuận lợi. Nếu vậy, Nhà nước có thể thành lập ra một công ty, mua lại toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành. Chúng ta có sẵn một công ty có thể thực hiện việc này là SCIC nên có thể tạm thời chuyển toàn bộ các khoản đầu tư sang SCIC. Sau đó, lập ra lộ trình thoái vốn trong 3-5 năm để việc thoái vốn không gây tác động lên thị trường. Nếu làm vậy, ngay lập tức các DNNN sẽ được thoái vốn mà không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để trì hoãn.

Chủ trương, giải pháp để thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa DNNN đều đã có. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc chúng ta có thực sự quyết liệt tái cơ cấu các DNNN hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi): Thực hiện trong vòng 1 tháng 

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn

Không thể viện dẫn lý do thị trường chứng khoán đang ảm đạm mà trì hoãn việc cổ phần hóa (CPH) DNNN. Đây là ngụy biện bởi trong những giai đoạn thị trường chứng khoán gặp khó khăn, nhiều DN lớn đã thực hiện thành công việc CPH. Vấn đề ở đây là ban lãnh đạo DN đó có quyết tâm thực hiện việc CPH hay không.

Nếu cho rằng việc thực hiện CPH mất nhiều thời gian thì khoảng 1.000 DNNN hiện nay chỉ cần mất 1 tháng thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần bằng cách đăng ký lại giấy phép hoạt động, cho công đoàn đứng 1 cổ phần, một tổ chức trong DN này nắm 1 cổ phần, số cổ phần còn lại thuộc nhà nước. Việc chuyển DNNN sang công ty cổ phần (với 3 cổ đông) có cổ đông đa số là nhà nước này sẽ giúp cho DN hoạt động hiệu quả hơn, tiền đề cho tiến trình cải tổ DN sau này. Ở Việt Nam, DNNN có cổ phần 100% của nhà nước nhưng ở nước ngoài, nhà nước nắm cổ phần khoảng 51% là DNNN. Khi trở thành công ty cổ phần, các DN này có nhiệm vụ công khai tài chính minh bạch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Còn ở Việt Nam, dù đó là tập đoàn đi nữa thì việc công khai, minh bạch báo cáo tài chính đã là vấn đề.

Việc chuyển đổi sang công ty cổ phần yêu cầu DN nộp tiền cổ tức cho nhà nước, công khai minh bạch tình hình tài chính. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nếu thực hiện từ năm 2013 thì số cổ tức đóng góp cho nhà nước sẽ khoảng từ 10 - 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

T.Xuân (ghi)

Ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital: Sợ mất quyền

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn

Quá trình CPH DNNN của VN thời gian qua rất chậm. Sau giai đoạn đỉnh điểm 2003-2006, việc CPH gần đây hầu như dừng lại. Năm 2011 và quý 1/2012 chỉ CPH được 6 DN. Thị trường chứng khoán suy giảm chắc chắn là một nguyên nhân làm CPH chậm lại. Nhưng theo chúng tôi, còn nhiều nguyên nhân khác như tâm lý ngại CPH, ngại minh bạch của lãnh đạo DN; cảm giác “mất quyền” của các đơn vị chủ quản.

Đến nay rất nhiều DN trong danh mục công bố trước đây vẫn chưa thực hiện CPH nhưng không thấy ai bị quy trách nhiệm gì cả. Như vậy, rất cần quyết tâm chính trị từ Chính phủ, đi kèm với các chế tài rõ ràng. Kế đến, cần thay đổi tư duy về DNNN và việc nhà nước điều tiết thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, việc nhà nước can thiệp, hoặc giao DN ABC “điều tiết” là việc hết sức nên tránh. Cuối cùng, theo chúng tôi, chính phủ cần đánh giá lại vai trò của cổ đông chiến lược nước ngoài.

Bán cổ phần cho cổ đông trong nước có thể cải thiện quản trị và tính minh bạch của DN, nhưng không thể mang lại công nghệ mới cho DN. Cổ đông chiến lược nước ngoài có thể làm được điều này. Chúng ta cần nhiều DN nước ngoài như Samsung, mỗi tháng xuất khẩu 1 tỉ USD, hơn là các “nắm đấm gỉ”chỉ mang lại nợ nần cho đất nước.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Ý chí quyết định

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội

Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao cần CPH các DNNN. Vì có thể nhận thấy rằng DNNN được hưởng nhiều ưu đãi hơn DN tư nhân nhưng nhiều dịch vụ, sản phẩm cung ứng ra xã hội không bằng DN tư nhân. Như vậy tính không hiệu quả là điều dễ thấy nhất ở DNNN. Vì vậy mục tiêu của việc CPH không phải là kiếm lời mà để tăng tính hiệu quả của các DN này. Do đó việc thị trường chứng khoán tăng hay giảm cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc CPH các DNNN.

Điều quan trọng nhất là ý chí của người có quyền quyết định và người đang điều hành DNNN có muốn thực hiện CPH hay không? Chúng ta cứ nhìn ra xung quanh tại sao nhiều nước đã thực hiện nhanh chóng việc thoái vốn của nhà nước khỏi các DN.

Điều này không có gì khó nếu chúng ta đã quyết tâm làm. Những vấn đề ví dụ như khó tìm đối tác chiến lược, e ngại bán giá thấp sợ làm thất thoát vốn nhà nước chỉ là những lý do không xác đáng để làm chậm quá trình CPH. Bởi thật sự đối tác chiến lược chỉ là lý thuyết. Theo tôi, những DNNN sau khi đã được định giá kỹ thì cứ bán đúng giá toàn bộ phần vốn muốn bán ra bên ngoài, thậm chí bán thấp hơn cho cán bộ nhân viên thì sẽ đẩy nhanh việc CPH các DNNN.

Mai Phương (ghi)

Ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Chứng khoán khởi sắc thì CPH sẽ nhanh

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội

Chúng tôi hiện đang triển khai nhiều giải pháp cả vĩ mô lẫn kỹ thuật để thúc đẩy thị trường. Vừa qua đã đề xuất với NHNN làm ngân hàng (NH) thanh toán chung cho thị trường, thay vì để duy nhất BIDV làm như hiện nay, nhằm tăng tính tiện ích cho nhà đầu tư.

Tại Việt Nam rất nhiều NH bơm vốn cho công ty chứng khoán, dẫn tới rủi ro lớn cho thị trường. Vừa rồi, phía Bộ Tài chính kiến nghị phải thu dòng vốn này về, giảm bớt sự hỗ trợ vốn của NHNN cho các công ty chứng khoán. Từ 1.7, Ủy ban tiến hành phân loại các công ty thành 3 nhóm: kiểm soát đặc biệt, trung bình, khá - dựa trên báo cáo tài chính 6 tháng, một năm.

Với những giải pháp mang tính kỹ thuật trên, cùng các giải pháp đồng bộ khác, thị trường chứng khoán khởi sắc thì quá trình CPH, thoái vốn cũng sẽ diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn. 

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Thoái vốn cực kỳ khó khăn

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội

Vừa rồi kết quả quá trình CPH còn khiêm tốn, nhưng chúng tôi đã xây dựng quy định về quản lý tài chính đối với quá trình CPH và quản lý tài chính đối với quỹ tài chính xử lý sau CPH; những quy định liên quan đến định giá, bán và quản trị vốn nhà nước còn lại.

Về thoái vốn, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án chung để trình Chính phủ. Nhưng quan trọng để thoái vốn được thì 30 tập đoàn, TCT phải xây dựng đề án tái cấu trúc của mình, vì mỗi loại có một đặc điểm, loại hình khác nhau, và xây dựng đề án, kế hoạch và phương pháp thoái vốn. Ở đây có hai vấn đề, nếu nóng ruột vội vàng thì dễ nhảy từ việc này sang việc khác.

Thứ hai trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay cực kỳ khó khăn với công tác thoái vốn. Vì vậy khi thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc: thứ nhất theo pháp luật, thứ hai thị trường, thứ ba hiệu quả và thứ tư tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Thậm chí, có thể có nguyên tắc thứ 5 trong quá trình thoái vốn nếu trước kia có gì không đúng thì phải xử lý.

 Anh Vũ (ghi)

Nguyên Hằng

>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 3: Gấp rút khơi thông tín dụng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 5: Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 7: “Quả đấm thép” dân doanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.