TNO

Tìm ngành học phù hợp với sở thích và khả năng

16/02/2004 21:26 GMT+7

Theo kết quả khảo sát việc làm của sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học (ĐH) năm 2001 của Dự án giáo dục ĐH, một điều hết sức ngạc nhiên là có khoảng 60% SV sau khi ra trường phải được đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung (các môn ngoại ngữ, tin học...). Có nhiều lý do đưa đến tình trạng lãng phí này, trong đó có lý do hết sức cơ bản là ngành nghề họ đã học xong không phù hợp với sở thích nghề nghiệp và khả năng của chính họ.

Chưa đáp ứng được thị trường lao động

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, các trường ĐH đều có bộ phận tư vấn nghề nghiệp ngay trong trường. Khi vào học ở các trường ĐH này, sau 1 - 2 năm đầu nếu thấy không phù hợp, SV có thể xin chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp hơn (khác với việc chọn ngành “cứng nhắc” ngay từ đầu cho đến khi ra trường ở các trường ĐH tại Việt Nam).

Gần chúng ta, nhiều trường ĐH tại Thái Lan vẫn áp dụng nguyên tắc này khi SV không phù hợp với chuyên ngành đã đăng ký từ đầu hoặc điều kiện học không đáp ứng được.

Tiến sĩ Nguyễn Thuấn (giảng viên ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà tư vấn nghề nghiệp khối trường ĐH, CĐ phía Nam) cho rằng một học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông không nên quan niệm bằng mọi giá phải vào ĐH ngay. Theo Tiến sĩ Thuấn, nếu quá quan tâm đến các yếu tố tỷ lệ chọi, điểm chuẩn, số thí sinh dự thi..., học sinh chỉ biết được ngành nào dễ đậu vào ĐH theo chủ quan của mình mà chưa tính đến yếu tố lâu dài để có thể thích thú với công việc, phát huy được sở trường, năng khiếu trong nghề nghiệp, sự thành công trong học tập và cuộc sống tương lai.

Thật ra, để xác định một ngành nghề phù hợp, yếu tố quan trọng nhất cần phải dựa vào để bảo đảm thành công của mình trong tương lai chính là sở thích nghề nghiệp.

Hiện tại có trường hợp một số SV do hoàn cảnh riêng phải dành quá nhiều thời gian cho việc đi làm thêm, quên mất nhiệm vụ chính của mình dẫn đến kết quả xấu trong học tập.

Vì vậy, trong khi xác định sở thích cho bản thân mình, các bạn cũng cần biết “xếp hạng” chúng. Nếu vì hoàn cảnh quá khó khăn không thể nào vượt qua được, bạn cũng cần thực tế hơn, nghĩ đến phương án bỏ sở thích “ưu tiên 1” để chọn sở thích “ưu tiên 2”, thay vì đeo theo suốt mấy năm trời học tập rồi phải bỏ dở dang.

Để xác định được ngành nghề phù hợp với mình và chọn đưa vào “nguyện vọng 1” trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, bạn cũng cần có những hiểu biết tối thiểu về nhu cầu của “thị trường lao động” trong tương lai.

Hiện tại có khoảng cách khá lớn giữa đào tạo và thị trường lao động vì nhiều chương trình giảng dạy tại ĐH chưa thỏa mãn thị trường này. Khi tốt nghiệp ĐH, đáng lý SV phải có khả năng để làm việc ngay ở những ngành nghề mà họ được đào tạo, nhưng nhiều SV phải tự học thêm những ngành nghề phụ mới, do không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Dự đoán được điều này nên ngay trong thời gian học ở trường, đáng lý dành nhiều giờ để đầu tư cho chương trình chính khóa thì một số SV lại phải đi học thêm khá nhiều loại kiến thức khác (do chương trình ĐH thiếu) để khi ra trường “có cái để mà làm” như họ thường tâm sự với nhau. Phải chăng do chương trình thiết kế trong nhiều trường ĐH không phù hợp với thị trường lao động?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về lãnh vực dự báo thị trường lao động cho biết việc công bố những nhu cầu này là một vấn đề “rất nhạy cảm”. Nếu “không khéo léo” thì việc làm này rất dễî bị hiểu lầm vì một số cơ sở đào tạo - trong đó có cả nhiều ngành của một số trường ĐH - buộc phải thay đổi. Nhưng, không thể để những “quy hoạch” này trở thành “sở hữu riêng” của một số ít người. Rất cần các cơ quan chức năng về quy hoạch, về lao động có những nghiên cứu cẩn thận và công bố rộng rãi để phụ huynh và học sinh biết và có hướng chọn lựa ngành nghề phù hợp.

Đi tìm được sở thích của mình

Rõ ràng khám phá được sở thích nghề nghiệp của chính mình là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chọn lựa ngành học. Rất nhiều trường ĐH lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình RIASEC xác định sở thích nghề nghiệp của nhóm J.L.Holland (nhà nghiên cứu tâm lý nổi tiếng của Mỹ). Đây là một phương pháp khoa học mà các nước phát triển như Mỹ, Anh... áp dụng để tư vấn học sinh chọn ngành nghề vào ĐH. Theo Holland, có 6 nhóm sở thích nghề nghiệp tương ứng với các loại ngành nghề khác nhau trong xã hội. Mỗi người có thể tự nhận biết mình thuộc nhóm nào trong 6 nhóm sau đây để xác định ngành nghề phù hợp với mình (xem bảng kèm theo).

Nhờ bảng này, thí sinh có thể xác định cho mình các nhóm ưu tiên và ngành nghề phù hợp tương ứng. Đối chiếu với các ngành nghề cụ thể trong cuốn Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và THCN của từng năm và sức học của mình, thí sinh không khó lắm trong việc chọn trường và ngành dự thi phù hợp.

Nhóm Đặc điểm Ngành nghề thích hợp
Thực tế - Có tính tự lập, đầu óc thực tế, dễ thích nghi, linh động, biết vận hành máy móc thiết bị, làm các công việc thủ công, tiếp xúc với thiên nhiên - thích làm các công việc thực hành, thấy được kết quả trong công việc, làm việc ngoài trời.

-Kỹ thuật, nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, dầu khí, giao thông vận tải, quản lý đất đai, môi trường, điều khiển máy móc thiết bị, cảnh sát, thể dục thể thao...

Nghiên cứu - Có đầu óc phân tích, tổng hợp, điều tra, phân loại tính logic, khả năng giải quyết các vấn đề - thích tìm hiểu, khám phá, quan sát, phản ánh, nghiên cứu, tổ chức công việc.

- Toán học, công nghệ thông tin, y dược, thống kê, khảo cổ, kinh tế học, các ngành nghề khác trong lãnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội... 

Nghệ thuật

- Có óc tưởng tượng, biết vẽ, chụp ảnh, năng khiếu âm nhạc, khả năng viết, sáng tạo ý tưởng - thích diễn xuất, tự do, dễ xúc động.

- Văn chương, báo chí, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, ca nhạc, kiến trúc, thời trang, hội họa...

Xã hội - Có tính thân thiện, khả năng hòa giải, lịch thiệp - thích huấn luyện, giúp đỡ người khác, chăm sóc sức khỏe, hoạt động xã hội, lắng nghe và sẵn sàng phục vụ.

- Sư phạm, huấn luyện viên, tư vấn, hoạt động xã hội...  

Kinh doanh - Có tính quyết đoán, năng động, gây ảnh hưởng đối với người khác, được sự kính trọng, vị nể - thích tranh luận, phiêu lưu, mạo hiểm, đặt ra mục tiêu, kế hoạch.

- Quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, dịch vụ khách hàng, báo chí, luật sư...

Quy củ - Có đầu óc tổ chức, cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo, chính xác, đáng tin cậy - thích làm công việc có nhiệm vụ rõ ràng, làm việc với các con số, theo các quy định, lên kế hoạch, điều phối công việc.

- Hành chánh, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký...

Châu Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.