Ngẫu nhiên, đêm đó trời mưa rất to trên hòn đảo này sau 4 tháng khô hạn khốc liệt khiến người dân lại càng tin vào lời đồn trên. Một cảnh hỗn loạn chưa từng có khi hàng trăm người chen nhau mua mì tôm và các nhu yếu phẩm khác để chuẩn bị gồng gánh lên các ngọn núi của đảo trú ngụ qua đêm.
UBND huyện đã phải chỉ đạo đài truyền thanh phát trên loa kêu gọi dân trở về nhà, rằng sóng thần chỉ là tin đồn nhảm. Gặp trời mưa lớn, dây loa rè rè, nghe câu được câu mất nên người dân lại càng hoang mang hơn!
Cho mãi đến tận 4 giờ sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, nhìn ra biển chỉ thấy sóng lăn tăn chứ chả có sóng thần, dân mới chịu “hạ sơn” về nhà. Đây là lần thứ hai trong năm, dân vùng biển Quảng Ngãi bị tin đồn sóng thần “nhấn chìm”. Lần trước, hôm tháng 3.2011, hàng ngàn người ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (H.Bình Sơn) cũng hoảng loạn vì tin đồn tương tự.
Suốt một tháng qua, nhiều bậc phụ huynh ở Quảng Nam, Phú Yên và Bình Định, có con đang học tiểu học cũng mất ăn mất ngủ trước tin đồn rằng có một nhóm người chuyên bắt cóc trẻ con, moi lấy nội tạng bán sang Trung Quốc.
Thực ra, tất cả chỉ là những lời đồn thổi. Có người quả là rỗi hơi, chuyên đơm đặt, bé xé ra to, thậm chí bịa chuyện, nhiều khi cũng chỉ để mua vui nhăng nhít, nhưng hệ lụy từ những tin đồn thì rất khó lường. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Công an Tam Kỳ (Quảng Nam) cách đây ít hôm thì tính mạng của một thanh niên “lạ mặt” sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi người dân đồn rằng chính anh này đang có âm mưu bắt cóc trẻ con để moi ruột gan bán sang Trung Quốc!
Chuyện đồn thổi trong dân là một phần tất yếu của đời sống làng xã lâu nay. Thế nhưng, tin vào những lời đồn thổi vu vơ, thiếu cơ sở, ngay trong thời buổi mà hệ thống thông tin liên lạc đã hiện diện ngay trên giường ngủ của mỗi người thì cũng lạ thật. Là bởi, chỉ cần nhấc máy điện thoại lên gọi một cuộc đến bất kỳ cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan chức năng nào đó là mọi thắc mắc về lời đồn thổi sẽ được giải đáp ngay. Thế nhưng, nhiều người lại chọn cách tin vào lời đồn để rồi có khi rước họa vào thân.
Suốt hai ngày qua, hàng ngàn gia đình Lý Sơn bỏ bê đồng ruộng và nghề đánh cá chỉ để tập trung lo “chạy sóng thần” trong khi cơ quan dự báo về tai họa này chưa có một thông báo nào; suốt cả tháng nay, hàng ngàn gia đình ở miền Trung có con học tiểu học vẫn cứ canh cánh với “bọn” bắt cóc trẻ con mà chẳng thấy hình dạng của “chúng” ở đâu cả, toàn trong miệng của những kẻ rỗi hơi.
Đồn thất thiệt, gây hoang mang trong xã hội, cần phải được xem là phạm pháp chứ không phải đơn thuần là những người “nói chơi” cho sướng miệng, chẳng có tội lỗi gì.
Trần Đăng
Bình luận (0)