Tín hiệu tích cực

19/09/2011 01:05 GMT+7

Đúng như dự báo của giới chuyên gia, nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện trong những tháng cuối năm.

Tín hiệu đầu tiên được phát đi từ chính "tâm bão" là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Sau nhiều tháng tăng liên tục với mức tăng mạnh, từ tháng 7, CPI đã bắt đầu giảm tốc. Đến tháng 8, CPI chỉ còn tăng 0,93% so với tháng trước và đây là tháng có CPI tăng dưới 1% đầu tiên sau 11 tháng. Ngay sau khi CPI phát tín hiệu tích cực, điểm nóng nhất, ồn ào nhất của nền kinh tế  trong thời gian qua là lãi suất cũng chính thức giảm theo sau một số biện pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, từ đầu tháng 9, các ngân hàng thương mại đã ký đồng thuận "kéo" lãi suất cho vay xuống mức 17%- 19% cho một số lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, việc "thiết quân luật" trần lãi suất đầu vào 14% trên toàn hệ thống đã chặn đứng cuộc đua lãi suất (mấu chốt đẩy lãi suất lên cao trong những tháng đầu năm) giữa các ngân hàng, tạo đà cho lãi suất giảm bền vững hơn. Những chỉ số vĩ mô quan trọng hạ nhiệt đã tác động mạnh mẽ lên thị trường hàng hóa tiêu dùng. Liên tục những ngày qua, thông tin từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp cung cấp, hệ thống siêu thị, chợ cho thấy, giá thịt heo, thịt gà, rau củ quả... đã giảm. Ngay cả 2 thị trường "lạnh" nhất là chứng khoán và bất động sản cũng có những tín hiệu khả quan hơn.

Nhưng niềm hy vọng vừa kịp nhen lên từ những tín hiệu tích cực kể trên thì ngay lập tức, người dân, doanh nghiệp đã "ngay ngáy" lo khi gần như đồng thời, một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như điện, y tế lại đòi tăng giá... Tất nhiên, những ngành này đưa ra không ít lý do để giải thích cho đòi hỏi tăng giá của mình nhưng trong bối cảnh hiện nay, không có lý do nào lớn hơn "sức khỏe" chung của cả nền kinh tế. Chúng ta đều biết, tình trạng lạm phát của Việt Nam hiện nay có sự đóng góp lớn từ chi phí đẩy. Việc tăng giá điện, giá xăng, giá một số dịch vụ thiết yếu thời điểm đầu năm là nguyên nhân quan trọng đẩy chỉ số CPI tăng cao. Vì vậy, nếu chúng ta không thể hiện một thái độ dứt khoát, rõ ràng để nói "không" với những yêu cầu tăng giá này, chắc chắn những nỗ lực kiểm soát lạm phát, những nỗ lực để đạt được các tín hiệu khả quan kể trên sẽ bị xóa bỏ.

Giá tăng thì CPI tăng, CPI tăng đương nhiên lãi suất tăng và ngược lại... Các yếu tố này liên quan mật thiết với nhau và tác động mạnh mẽ lên nhau. Vì vậy, nếu để "hở" một cửa, nếu lơ là một yếu tố thì khó nói đến chuyện ghìm cương lạm phát, nhất là trong những tháng cao điểm về giá dịp cận tết.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.