Tin ở... dâu tằm

Hữu Trà
Hữu Trà
13/03/2018 14:19 GMT+7

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền Quảng Nam bắt đầu "hợp tác", vào cuộc để hồi sinh nghề tàm tang (trồng dâu nuôi tằm).

Trồng thí điểm


Trồng dâu sẽ giúp giải được bài toán được mùa mất giá mà các loại nông sản khác thường gặp. Nhưng phải tổ chức quy hoạch vùng trồng liền vùng liền khoảnh, dồn điền đổi thửa, ưu tiên cho HTX thuê đất…

(Ông Nguyễn Đức Thành,
Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang)

Một cuộc hội thảo khá đặc biệt về khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm vốn đã lụi tàn hơn 1/4 thế kỷ trên vùng đất Gò Nổi vừa diễn ra hôm 7.3 tại xã Điện Quang (TX.Điện Bàn). Hội thảo “rất sát thực tiễn” theo nhận định của ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang, và thu hút khá đông nông dân theo dõi, bởi họ tin rằng đã đến lúc phải hồi sinh nghề cũ. “Bà con hưởng ứng “gắt” lắm! Họ rất vui khi nghe tin lãnh đạo tỉnh, thị xã quyết tâm đầu tư, hỗ trợ để khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng vui nhất là họ biết có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, đầu tư giống để cho năng suất cao”, ông Thành hồ hởi.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thành, trồng dâu nuôi tằm có nhiều cái lợi bởi vừa gắn phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp giữ đất bãi bồi không bị lũ cuốn... “Nông dân cần thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Trồng dâu sẽ giúp giải được bài toán được mùa mất giá mà các loại nông sản khác thường gặp. Nhưng phải tổ chức quy hoạch vùng trồng liền vùng liền khoảnh, dồn điền đổi thửa, ưu tiên cho HTX thuê đất... là những yếu tố quyết định cho việc khôi phục nghề”, ông Thành nói thêm.
Theo tính toán, chỉ cần giá kén đứng ở mức 150.000 đồng/kg trở lên là nông dân sẵn sàng... quay trở lại thời hoàng kim của nghề tằm tang. Trong tháng 4.2018, bước đầu HTX nông nghiệp Điện Quang ký kết với Công ty CP tơ lụa Quảng Nam trồng 3 ha cây dâu tại 2 thôn Văn Ly và Thạnh Mỹ, rồi tổ chức nuôi tằm vào cuối năm 2018. Sau đó, sẽ mở rộng diện tích trồng dâu ở những vùng khác có tiềm năng ở Quảng Nam.
Trình diễn ươm tơ tại Làng lụa Hội An Ảnh: Hữu Trà
Cơ hội rộng mở
Để đầu tư, khôi phục và phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa ở Quảng Nam, Công ty CP tơ lụa Quảng Nam vừa được UBND tỉnh Quảng Nam giao đảm nhận vai trò tiên phong, nòng cốt, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh. Công ty CP tơ lụa Quảng Nam cũng xây dựng dự án khôi phục và phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa, tập trung ở các vùng đã phát triển nghề này trước đây, nhất là các diện tích bãi bồi dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia chảy qua địa bàn Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Điện Bàn.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu chọn một số địa phương, đơn vị để hợp tác, liên kết làm điểm phát triển sản xuất theo chuỗi (từ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tiêu thụ…). Trong khi đó, ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, đánh giá với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Nam cần tìm kiếm các giải pháp khả thi để khôi phục và từng bước phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông Muộn gợi ý cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp sẽ góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, cho biết hiện trên thế giới có 20 nước tham gia sản xuất dâu tằm, trong đó Trung Quốc chiếm 81%. Tại VN, hiện ngành ươm tơ dệt lụa tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang đứng đầu, mỗi năm cung cấp 1.600 tấn tơ, 5,6 triệu m2 lụa các loại, chiếm 75% năng lực sản xuất tơ lụa trong nước. Theo ông Lê Thái Vũ, Quảng Nam từng là thủ phủ tơ lụa của xứ Đàng Trong, nên việc phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm hết sức cần thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Nam có những lợi thế nhất định khi nhiều hộ dân vẫn “chưa quên” nghề cũ, sẵn tay nghề cao. Nếu được tiếp cận với công nghệ, thiết bị mới trong việc trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa…, chuyện hồi sinh nghề tàm tang xứ Quảng nằm trong tầm tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.