Dù còn rất sớm để khẳng định chuyên gia người Nhật này có thành công, có đi đến cái đích cuối cùng mà Liên đoàn Bóng đá VN đặt ra cho ông khi ký hợp đồng 3 năm hay không, nhưng những gì ông đã làm được đến thời điểm này có thể xem là dấu ấn rất đáng ghi nhận.
Rõ nét nhất chính là việc ông Miura tin vào lớp trẻ. Trong đội hình chính đội tuyển luôn có ít nhất 4 - 5 cầu thủ Olympic như Vũ Minh Tuấn, Ngô Hoàng Thịnh, Nguyễn Huy Hùng, Quế Ngọc Hải và khi cần thiết thì Thanh Hiền, Võ Huy Toàn, Mạc Hồng Quân cũng đều được ông cho xung trận. Như trường hợp Mạc Hồng Quân ở cuối trận thắng Philippines vừa rồi khi thay Công Vinh. Lúc đó nhiều người nghĩ cầu thủ vào thay sẽ là một tiền đạo dày dạn trận mạc hơn như Anh Đức hoặc Hải Anh chẳng hạn, nhưng ông Miura đã dùng Hồng Quân và suýt nữa anh đã giúp VN tăng số bàn thắng nếu cú sút từ xa không bật cột dọc. Đó là chưa tính đến những cầu thủ cũng chỉ mới vừa chớm qua tuổi 23 như thủ môn Nguyên Mạnh, trung vệ Đinh Tiến Thành hoặc tiền đạo Văn Quyết. Nghĩa là đội hình ông Miura gây dựng có bộ khung rất trẻ. Số lớn tuổi còn lại chỉ có Công Vinh (29 tuổi), Phước Tứ (30), Xuân Thành (33) và phần nào đó thêm Thành Lương (26 tuổi). “Binh pháp” này giúp lối chơi của tuyển VN được cải thiện rất đáng kể về thể lực cũng như sự năng động, chính xác trong phối hợp.
Sở dĩ ông Miura quyết tâm trẻ hóa đội tuyển bởi những gì mà đội Olympic làm được tại ASIAD Incheon hồi tháng 9.2014 cho thấy bóng đá hiện đại ngày nay không có chỗ cho lối đá rườm rà, thiếu sức và không có khả năng tạo đột biến; nhất là tuyến giữa cần phải hết sức năng động và công thủ toàn diện. Đó cũng chính là lý do vì sao ông Miura chỉ sử dụng đội trưởng Tấn Tài tùy lúc, chứ không hẳn cứ là đội trưởng thì đương nhiên có chỗ trong đội hình. Hoặc ở biên, cầu thủ chạy cánh vừa có tốc độ vừa có khả năng bứt phá và điều quan trọng là không chỉ tấn công mà phải biết hỗ trợ phòng ngự. Chính vì vậy, ông Miura đã thẳng tay loại ngay một số “công thần” như Quốc Anh, Vũ Phong, Trọng Hoàng vì không đáp ứng được những đòi hỏi mới mẻ như thế.
Dấu ấn Miura còn thể hiện trong sự chắc tay việc hình thành tư tưởng chiến thuật và xây dựng đến 2 đội hình khác nhau để thi đấu. Nhiều người vội phê phán ông tại sao vào giải còn thử nghiệm thay quá nhiều vị trí trong 2 trận gặp Indonesia và Lào. Thực tế, đó không phải là thử nghiệm mà tùy tính chất trận đấu, tùy đối thủ, ông Miura sử dụng những phương án chiến thuật khác nhau, có lúc 2 tiền vệ trung tâm thiên về phòng ngự, có lúc 1 thủ 1 công trong 2 sơ đồ 4-2-3-1 và 4-1-3-2. Cách nào cũng giúp ông nhìn nhận ra đội tuyển mạnh ở điểm nào, cần điều chỉnh ra sao để có hiệu quả tốt nhất.
Dĩ nhiên, khó có thể so sánh ông Miura với những người tiền nhiệm cũng đã từng tạo dấu ấn với bóng đá VN như Riedl, Calisto… Nhưng điều có thể thấy rõ nhất là Miura rất chịu cách tân, rất tin dùng lớp trẻ và luôn có nhiều phương án khác nhau khi xoay tua đội hình. Phong cách đó đã thổi luồng sinh khí, sức cạnh tranh mạnh mẽ và tinh thần trẻ trung, nhiều sức bật cho tập thể đội tuyển; từ đó bước đầu thắp lại niềm tin của người hâm mộ với đội tuyển.
Quang Tuyến
>> Lớp trẻ năng động tiếp bước cha anh
>> Diện mạo mới của lớp trẻ thời bình
Bình luận (0)