Tình báo Ukraine giăng bẫy bắt hụt hàng loạt lính đánh thuê Nga

Khánh An
Khánh An
09/09/2021 15:00 GMT+7

Chiếc bẫy tinh vi của giới tình báo Ukraine, được cho là có sự hậu thuẫn của Mỹ, suýt bắt được hàng chục lính đánh thuê Nga bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh.

Vào một buổi sáng yên tĩnh tại khu nghỉ dưỡng Belorusochka nằm khá kín đáo cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 15 phút lái xe, lực lượng an ninh bất ngờ ập vào bắt 32 người Nga.
Sự việc diễn ra chỉ 2 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Belarus ngày 9.8.2020, và nhiều người nghi ngờ nhóm người này được cử đến để phá hoại cuộc bầu cử. Trên thực tế, đây là nhóm lính đánh thuê Nga bị dẫn dắt và sập chiếc bẫy tinh vi của các đặc vụ Ukraine, chứ không liên quan gì đến cuộc bầu cử.
Nhóm 32 người, cùng một người đàn ông khác bị bắt ở miền nam Belarus, là mục tiêu của một chiến dịch tình báo tinh vi do Ukraine tiến hành, được cho là có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Đài CNN dẫn lời 3 cựu quan chức tình báo quân đội cấp cao Ukraine kể lại việc họ đã tiến hành một chiến dịch bất thường nhằm dụ dỗ tội phạm chiến tranh rời khỏi nước Nga để xét xử về những hành vi tàn bạo gây ra ở miền Đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn chiến đấu suốt nhiều năm qua.

Miếng mồi thơm

Theo lời các cựu quan chức trên, đầu tiên, các đặc vụ Ukraine lập trang web mạo nhận là một công ty quân sự tư nhân Nga đang tuyển dụng nhân sự, với tiền lương béo bở là 5.000 USD/tháng để “bảo vệ các cơ sở dầu ở Venezuela”.
Miếng mồi thơm đã thu hút hàng trăm ứng viên người Nga xin việc, giúp giới tình báo Ukraine có cơ hội chưa từng thấy để xác minh và thu bẫy bắt các nghi phạm gây tội ác chiến tranh.
“Chúng tôi gọi họ và nói “Được rồi, hãy nói gì đó về bản thân đi. Có lẽ anh không phải là một chiến binh thực sự, có lẽ anh chỉ là một thợ hàn hay đại loại vậy”, một cựu quan chức tình báo Ukraine kể.
“Sau đó, họ bắt đầu giới thiệu về bản thân, gửi các tài liệu, thẻ căn cước quân sự và bằng chứng cho thấy họ từng tham chiến”, theo cựu quan chức trên.

Một trong những người Nga bị bắt giữ tại khu nghỉ dưỡng

Ảnh chụp màn hình CNN

Các mục tiêu bắt đầu gửi các bằng chứng, kinh nghiệm quân đội và những trận chiến, sự kiện mà họ tham gia, thậm chí các hình ảnh, đoạn phim buộc tội về hành vi của họ ở Đông Ukraine và những nơi khác.

Thủ phạm bắn rơi máy bay MH17?

Một đoạn phim cho thấy một nhóm các tay súng nổi dậy ở Đông Ukraine đang giữ một xác máy bay mà họ vừa bắn hạ, tội ác được cho là khủng bố ở Ukraine.
Một số ứng viên còn cho hay họ có liên quan vụ tấn công chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysian Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia), bị lực lượng ly khai thân Nga bắn trên lãnh thổ Ukraine vào tháng 7.2014. Tất cả 298 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Xác chiếc máy bay quân sự Ukraine gần Luhansk vào tháng 6.2014. Giới chức Ukraine cho rằng lực lượng ly khai thân Nga đã bắn hạ máy bay khiến 49 binh sĩ thiệt mạng.

Ảnh chụp màn hình CNN

Một nhóm công tố viên do Hà Lan dẫn đầu cho rằng máy bay bị tên lửa đưa đến từ Nga được phóng lên từ một ngôi làng do lực lượng ly khai kiểm soát, dù Nga bác bỏ mọi cáo buộc.
“Có 2 tên có mặt khi tên lửa phóng lên bắn hạ chiếc MH17. Bốn tên khác là thành viên một nhóm chịu trách nhiệm bắn rơi một máy bay quân sự của chúng tôi khiến nhiều người thiệt mạng”, một nguồn tin từng thuộc lực lượng tình báo Ukraine cho biết.
“Việc nhận dạng và trừng phạt những kẻ này là điều chúng tôi rất quan tâm”, theo nguồn tin.

"Chúng tôi muốn biết sự thật": phiên tòa xử vụ bắn rơi máy bay MH17 tiếp tục

Bàn tay của CIA?

Theo các cựu quan chức tình báo Ukraine, dường như đây cũng là mối quan tâm của giới tình báo Mỹ, dù Washington bác bỏ việc đóng vai trò trực tiếp.
Theo đó, chiến dịch do Ukraine dẫn đầu đã nhận được hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư vấn từ CIA về cách giăng bẫy lính đánh thuê Nga, dù một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng các thông tin đó là sai.
Quan chức Mỹ cho rằng giới tình báo nước này biết về chiến dịch nhưng không liên quan, đồng thời cho rằng những thông tin trên có thể nhằm chia sẻ hoặc thậm chí đổ trách nhiệm một khi chiến dịch rủi ro cao trên thất bại.

Nếu không bị bắt tại Belarus, nhóm người Nga có thể đã bị đưa sang Ukraine để xét xử

Ảnh chụp màn hình CNN

Theo CNN, việc mạo danh công ty quân sự tư nhân Nga là cách hợp lý, vì các nhà thầu quân sự có liên quan đến Kremlin và nổi tiếng là nơi lựa chọn để làm việc của nhiều cựu binh Nga.
Lính đánh thuê Nga từng hoạt động tại các nước như Libya, Cộng hòa Trung Phi, Syria và Mozambique, thường được nhà thầu Wagner của Nga thuê. Giới chức Belarus khi bắt giữ nhóm lính đánh thuê Nga tại khu nghỉ dưỡng ở Minsk đã thông báo rằng đó là những người làm cho Wagner.
Theo các nguồn tin, trang web tuyển dụng của tình báo Ukraine đã hữu dụng, thu hút được những lính đánh thuê Nga nhờ chào mời “hợp đồng làm việc tại Venezuela”.

Suýt bị đưa về Ukraine

Nhóm người Nga được thông báo sẽ lên chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bay tiếp đến Caracas (Venezuela). Kế hoạch thực sự là đưa họ đến Ukraine để bắt giữ.
Covid-19 khiến kế hoạch bị ảnh hưởng, do Nga đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch lây lan. Tuy nhiên, Nga vẫn cho phép đi lại với láng giềng và là đồng minh là Belarus. Theo các nguồn tin, nhóm lính đánh thuê được đưa đến Minsk bằng xe buýt.
Tại Minsk, chuyến đi của họ bị hoãn và họ phải chờ vài ngày, nên được đưa đến khu nghỉ dưỡng Belorusochka nhằm tránh bị phát hiện.
Tuy nhiên, sự trì hoãn đã giúp cơ quan an ninh Belarus kịp thời ra tay và bắt giữ, chỉ vài giờ trước khi họ sắp bị đưa đến Ukraine.

Khu nghỉ dưỡng Belorusochka nằm ven hồ và cách Minsk không xa

Ảnh chụp màn hình CNN

Vài ngày sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đề nghị dẫn độ nhóm người trên đến Ukraine vì cáo buộc khủng bố trên lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Lukashenko sau đó từ chối lời đề nghị trên. Ông điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên “bày tỏ sự tin tưởng rằng tình hình sẽ được giải quyết”.
Một tuần sau, Nga thông báo rằng 32 người bị bắt giữ ở khu nghỉ dưỡng tại Belarus đã về nước. Người thứ 33 mang 2 quốc tịch Nga và Belarus đã ở lại Belarus.
"Không phải ý tưởng của Ukraine"
Tổng thống Zelensky công khai bác bỏ thông tin liên quan chiến dịch giăng bẫy trên và cho biết Ukraine “bị kéo” vào sự việc. Phát biểu trên truyền hình vào tháng 6, ông nói rằng “ý tưởng của chiến dịch này là ý tưởng của các nước khác, rõ ràng không phải là của Ukraine”. Theo CNN dẫn lời giới thạo tin, thất bại trong chiến dịch là vố đau đối với giới tình báo Ukraine vì họ đã vất vả giăng bẫy suốt 18 tháng. “Nếu bọn chúng được đưa đến Ukraine, chi tiết về việc phạm tội sẽ được cả thế giới biết đến”, theo một nguồn tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.