Tình dục không có tội

14/02/2012 03:47 GMT+7

Tình dục (TD) là một điều hết sức bình thường, như cơm ăn nước uống, nhưng chả ai dạy do nhận thức, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, coi chuyện đó là bậy bạ nên nhiều người thường lảng tránh.

Tình dục (TD) là một điều hết sức bình thường, như cơm ăn nước uống, nhưng chả ai dạy do nhận thức, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, coi chuyện đó là bậy bạ nên nhiều người thường lảng tránh.  

Đó là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN (thuộc Bộ GD-ĐT) khi đề cập những bất cập trong giáo dục giới tính tại buổi tọa đàm “TD không có tội” về quyền TD của thanh niên, phòng chống mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, diễn ra chiều 12.2 tại TP.HCM (do Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số - CCIHP phối hợp với Arrow, Fordfoundation tổ chức).

 
Các bạn trẻ dự tọa đàm nêu những thông điệp của mình - Ảnh: N.Lịch

BS Nguyễn Quốc Chinh -Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) TP.HCM - phản ánh: “Nhiều bài dạy về giới tính, SKSS cho học sinh né tránh những vấn đề chính. Chẳng hạn bài về “Phòng chống nhiễm HIV, AIDS” mà lại không hề nhắc đến từ “bao cao su”, hay bài về cơ chế tránh thai cũng không hề nói đến viên tránh thai khẩn cấp…”.

Phải phù hợp luật pháp...

Phản biện lại chủ đề tọa đàm “TD không có tội”, bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM- đặt câu hỏi: “Theo các bạn, độ tuổi nào có thể thực hiện được quyền TD mà không vi phạm pháp luật?”.

Dịp này, CCIHP đã trao giải thưởng cuộc thi video clip “Why not? Tại sao không?”. Kết quả: Clip “Hand in hand” của nhóm học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, Bình Định, đoạt giải nhất, cùng thông điệp: “Niềm hạnh phúc màu nhiệm được làm bố mẹ chỉ có được khi các bạn đã thực sự sẵn sàng”.

BS Hoàng Tú Anh - Giám đốc CCIHP, nêu ý kiến: “Nếu khép vào phạm tội thì liệu có giảm được quan hệ TD không? Điều tra quốc gia lần 1 cho thấy tuổi vị thành niên quan hệ TD là 17 tuổi, nhưng điều tra lần 2 thì số tuổi là 16 tuổi, đã giảm 1 tuổi so với trước. Vấn đề cần làm là giúp quyền và luật pháp gần nhau hơn, phù hợp thực tiễn xã hội”.

... và hài hòa với văn hóa

BS Lê Minh Công - Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 - nêu thực trạng: “Hằng ngày, chúng tôi tiếp cận những nữ thân chủ bị bạo hành từ chính người chồng, họ phải chịu đựng những di chứng lâu dài, gia đình tan nát vì trót quan hệ TD trước hôn nhân. Thực tế, ngay cả những anh trí thức cũng khó chấp nhận điều này, gây ra nhiều vụ bạo hành. Nếu cổ xúy quá cho quyền TD mà không tính đến yếu tố văn hóa thì cũng khó”.

Theo BS Trương Trọng Hoàng - giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, quyền TD cần được hiểu là quyền được tự chủ về TD, quyền được tiếp cận thông tin và cả quyền từ chối TD. BS Hoàng dí dỏm: “Tôi đọc trên mạng internet mấy câu thế này: Bây giờ mận mới hỏi đào - Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa - Vườn hồng đã có từa lưa người vào. Liệu một người phụ nữ nói vậy thì có phù hợp với văn hóa VN hay không? Giáo dục giới tính rất rộng, rất đa dạng với mục đích là làm cho các em ứng xử phù hợp hoàn cảnh văn hóa và xã hội”.

Đại diện hàng chục bạn trẻ tham gia chương trình tọa đàm, bạn Huỳnh Kim Phụng - sinh viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM, bộc bạch: “Chúng em đến đây không phải để cổ xúy, đấu tranh đòi hỏi về quyền quan hệ TD và quan hệ TD trước hôn nhân. Thực tế,  chúng em rất thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trang bị về vấn đề TD nên cần sự hỗ trợ, chia sẻ, có thể tiếp cận quyền này một cách phù hợp”.

 

Theo số liệu năm 2011 của Tổng cục Thống kê và UNICEF về tỷ lệ sinh con của vị thành niên ở Việt Nam là 4,6%, cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác. Cùng với mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ phá thai ở vị thành niên cũng rất cao, chiếm khoảng 20% trong tổng số các ca nạo phá thai ở VN.

 Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.