Tình nguyện đưa đón thí sinh

08/07/2014 03:00 GMT+7

Hàng trăm sinh viên tình nguyện đã xung phong vào Đội xe chở thí sinh ở Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM đã góp phần làm vơi đi những khó khăn của thí sinh và phụ huynh trong mùa thi năm nay.

 Tình nguyện viên trong đội xe chuẩn bị chở thí sinh đến nhà trọ - Ảnh: Lê Thanh
Tình nguyện viên trong đội xe chuẩn bị chở thí sinh đến nhà trọ - Ảnh: Lê Thanh

Sơn Thái Kim Phụng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là một trong số ít bạn nữ tham gia vào Đội xe chở thí sinh (TS), tâm sự: “Trước khi tham gia đội xe này mình cũng cố gắng tìm tòi và biết khá nhiều tuyến đường”. Rồi Phụng kể: “Có lần mình chở TS đến một nhà trọ ở Q.Gò Vấp, thấy địa chỉ nhà là số xẹt nên tưởng nhà nằm trong hẻm, chạy lui chạy tới tìm hoài không thấy. Ai dè nhà lại nằm ngay mặt tiền mà mình không biết. Nhưng cho dù có khó khăn cách mấy, một khi đã nhận nhiệm vụ chở TS thì bằng mọi giá phải tìm cho ra địa chỉ”.

Mặc dù công việc khó khăn là thế, nhưng với trách nhiệm muốn san sẻ bớt gánh nặng cho TS và phụ huynh nên tất cả những thành viên trong đội cảm thấy rất vui khi được tiếp nhận công việc này. Nguyễn Hoàng Kha, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Có ngày mình làm tài xế đưa đón TS và phụ huynh cả chục chuyến đến các quận rất xa trung tâm thành phố như: Thủ Đức, Gò Vấp, Q.9. Vì vậy, tối về đến phòng trọ là mệt lả cả người nhưng cứ nghĩ đến cảnh các em lần đầu tiên lạ nước lạ cái đến thành phố mà không biết hỏi ai, rồi sợ những chuyện không hay xảy ra với các em khiến mình không thể làm người đứng ngoài cuộc. Và càng làm lại thêm yêu và gắn bó với công việc ý nghĩa này”.

Anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, đồng thời là Phó ban thường trực chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM, cho biết: “Đội xe chở TS trong chương trình năm nay ban đầu chỉ có 280 tình nguyện viên, đồng nghĩa cũng có từng ấy xe máy để đưa đón TS đến nhà trọ và địa điểm thi. Tuy nhiên, vào những ngày thi cao điểm chúng tôi điều động thêm 100 xe máy từ các đội hình khác như: Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, ga Sài Gòn và cả Đội hậu cần túc trực tại 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 để đáp ứng đủ phương tiện đưa đón TS và phụ huynh. Bên cạnh đó, trung tâm còn được một đơn vị tài trợ cho mượn 2 xe ô tô (một chiếc 9 chỗ và một chiếc 24 chỗ) để đưa đón TS trong suốt mùa thi”.

Hình ảnh màu áo xanh của tình nguyện viên đã để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí của không ít TS và phụ huynh khi lần đầu tiên đặt chân đến TP.HCM. Trần Thị Ngọc Thắm, dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tâm tình: “Lần đầu tiên từ tỉnh Tiền Giang lên TP.HCM, em lo lắng vì không biết sẽ đi đứng và tìm chỗ ở thế nào nhưng không ngờ vừa xuống Bến xe miền Tây đã được các anh chị tình nguyện viên tư vấn, cho ăn cơm miễn phí, tìm nhà trọ gần trường thi và cho xe chở đến tận nhà trọ”.

Một xã hội học tập cần bắt đầu từ đó !

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, ở mọi miền đất nước, tôi cảm nhận rằng, có lẽ chưa năm nào mà báo chí tuyên truyền sinh động, sâu sắc và nhiều về những nghĩa cử xúc động của cả cộng đồng đối với TS như vậy. Đọc hàng loạt những tin, bài, ảnh trên mặt báo mà thấy cảm động đến nao lòng.

Ở thành phố mang tên Bác, nơi khởi thủy cho phong trào tương thân tương ái trong việc giúp TS ở các địa phương về thành phố dự thi. Năm nay, tại ngôi nhà mới xây của ông Võ Minh Có ở gần chợ Bàu Sen (Nguyễn Trãi, Q.5) với 4 tầng lầu được gia chủ quyết định dành để đón TS về trọ miễn phí suốt mùa thi. Hơn thế, ông bà còn quyết định mua hẳn nồi cơm điện cỡ lớn, phục vụ hơn 40 người ăn miễn phí và ngoài ra còn dư thêm ít suất đề phòng có TS vãng lai. Bà chủ còn mua sẵn những bao gạo để trong bếp cho các cháu khỏi áy náy. Bà nói: “Cả đời chúng có một mùa thi thôi mà. Mua sẵn vậy để các cháu đừng ngại nhà hết gạo, tôi nấu phục vụ hết mùa”.

Câu chuyện cảm động khác diễn ra tại Hà Nội: Sau buổi thi sáng 4.7, thấy hai TS bước lang thang giữa trời nắng ở thị trấn Xuân Mai, các CSGT đoán ngay được họ không phải là người nơi đây, nghĩ thấy thương TS, trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó CSGT số 12, Phòng CSGT Hà Nội đã hỏi thăm rồi đón về trụ sở đội, nấu cơm mời TS cùng ăn uống và nghỉ trưa. Đến đầu giờ chiều, trung tá Ngoại đã dùng xe của đơn vị đưa các em vào trường thi và động viên các TS cố gắng đạt thành tích tốt...

Tại chùa Bằng A (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), buổi tối trước ngày thi, tất cả các TS cùng phụ huynh được nhà chùa cho tá túc và lo cho bữa ăn trong những ngày ở đây. Nhà chùa còn tổ chức cầu nguyện trước ngày thi cho TS. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ: "Nhà chùa, qua sự kết nối bằng thiện nguyện lớn lao của các tình nguyện viên, đã may mắn gặp được các TS và phụ huynh từ các tỉnh xa về Hà Nội dự thi, để thực hành những việc làm phù hợp với  giáo lý đạo Phật".

Tại ngôi làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định), nơi có truyền thống hiếu học đặc biệt của đồng bằng Bắc bộ với nhiều thành tựu rực rỡ. Từ 1954 đến nay, đã có 36 giáo sư, 24 phó giáo sư cùng hàng trăm tiến sĩ. Năm nào, làng này cũng có từ 80 - 90% TS thi đậu đại học. 2 năm qua, dân làng bắt đầu tổ chức quyên góp tiền rồi thuê xe ca, chở các TS (kể cả phụ huynh) lên Hà Nội dự thi. Khi tới Hà Nội, họ lại được các anh chị lớp trước đón, đưa về nơi nghỉ mà ban tổ chức đã chuẩn bị, khiến cả làng vui theo và kỳ vọng vào một mùa thi có kết quả bội thu…

Nhiều lắm, những nghĩa cử như thế đã xuất hiện trên cả nước, ở tất cả những nơi tổ chức thi đại học.

Thông tin mới nhất, hiện cả nước có khoảng 162.000 sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa kiếm được việc làm cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ. Phải chăng, đang còn có sự đề cao quá mức về bằng cấp trong tư duy của nhiều người, khiến cho những bất cập như trên vẫn tồn tại? Tôi cho rằng, con số thất nghiệp nói trên chưa thật đáng lo khi nền kinh tế hiện nay còn đang khủng hoảng với nhiều mối lo hơn thế. Điều quan trọng là chúng ta cần tính toán sao cho thật khoa học về nhu cầu, về cơ cấu các ngành học trong xã hội. Cũng không nên nghĩ, một anh kỹ sư nông nghiệp, dù xin được việc làm ở nhà máy cán thép mà đã hài lòng và cho là "có việc làm" rồi. Sự mất cân đối giữa các ngành học và khả năng bố trí công tác cho họ sao cho phù hợp, có hiệu quả, đó mới là điều quan trọng.

Một đất nước muốn phát triển nhanh và vững chắc, cái sự học vẫn là thứ không bao giờ thừa, cần được tôn trọng và được quan tâm như hiện nay. Đó là điều đáng mừng mà với một xã hội học tập, nó cần phải có .

Quốc Phong

Lê Thanh

>> Thăm, tặng quà sinh viên tình nguyện 'Tiếp sức mùa thi
>> Những 'lão đại' tiếp sức mùa thi
>> 800 tình nguyện viên tiếp sức mùa thi
>> Cựu sinh viên 8 lần tiếp sức mùa thi
>> Bên lề Tiếp sức mùa thi 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.