Tình nguyện thời công nghệ số

21/11/2017 10:18 GMT+7

Những thanh niên tình nguyện của Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT) đã mang đến Mường Tè các dự án công nghệ thông tin mới nhất, với mong muốn thay đổi tư duy của thanh niên địa phương, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân ở một trong 62 huyện nghèo nhất nước.

Từ điểm internet thanh niên…
Anh Phan Hoài Nam, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn VNPT, chia sẻ: “Với phương châm xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chúng tôi mong muốn được góp phần công sức nhỏ bé của mình, chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng sâu, vùng xa”.
Sáng thứ hai đầu tuần, sân Trường THCS xã Bum Nưa (H.Mường Tè) nhộn nhịp hơn thường lệ, học sinh cũng đến trường sớm hơn. Những ánh mắt vừa ngơ ngác, vừa tò mò vì có lẽ chưa bao giờ có đông khách đến thăm trường như vậy. Sau buổi sinh hoạt dưới cờ, các em được tham dự lễ ra quân Tình nguyện mùa đông 2017 và Xuân biên giới 2018.
Lễ ra quân có nhiều hoạt động, từ trao học bổng, tặng tủ sách rồi chia sẻ áo ấm, chăn ấm đến các gia đình chính sách, gặp khó khăn trong thiên tai… nhưng với học sinh, các em háo hức nhất món quà là những bộ máy tính được nối mạng internet miễn phí.
Lướt ngón tay một cách chậm rãi trên bàn phím máy tính còn mới, Giàng A Mỷ, dân tộc La Hủ, học sinh Trường THCS Bum Nưa không giấu được sự hào hứng. Cô bé cười bẽn lẽn thú nhận là chưa biết cách vào internet. Máy tính và mạng internet giống như một “vật dụng” thần kỳ, mở ra bao điều mới mẻ, mà trước đây các em chỉ nhìn thấy và nghĩ rằng “mỗi ti vi là xem được điều đó”.
Trên thực tế, phòng máy tính mà Mỷ cùng các em khác đang được trải nghiệm là sự nối dài của hoạt động xây dựng các “Điểm internet thanh niên” mà Đoàn thanh niên Tập đoàn VNPT đã triển khai từ nhiều năm nay. Hoạt động này không hề mới, nhưng cách thức triển khai và hướng dẫn ở mỗi địa phương lại mang một ý nghĩa khác nhau.
Nếu như những đứa trẻ thành phố mới chập chững vào lớp 1 đã có thể rất thành thạo kỹ năng cơ bản khi khai thác, sử dụng internet thì ở các địa phương vùng sâu vùng xa như Mường Tè, điều đó là “của hiếm”. Chẳng thế mà dù học lớp 9 rồi, nhưng lần đầu tiên cô bé Mỷ được chạm tay vào bộ máy vi tính, gõ những dòng chữ đầu tiên trên bàn phím thay vì đặt bút viết trên giấy.
Cô Nguyễn Thị Nhâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bum Nưa, cũng chẳng giấu nổi niềm vui qua lời bộc bạch chân thành: “Trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2004, cơ sở vật chất cũng khang trang hơn nhiều đơn vị, nhưng thú thật, các thầy cô và học sinh vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận với phương pháp, bài giảng mới. Bản thân chúng tôi cũng “thiệt thòi” khi luôn đi sau trong các chương trình đổi mới, cải cách quản lý giáo dục… tất cả cũng chỉ vì tiếp cận thông tin ít hoặc chậm. Nhưng nay, có thể tự tin là mình chẳng kém cạnh gì các đồng nghiệp dưới xuôi nữa rồi”.


Cho đường biên thêm xanh
Sát cánh cùng người lính biên phòng, những đoàn viên thanh niên vùng rẻo cao Quảng Trị đang gìn giữ sự bình yên cho biên giới Việt - Lào. Màu xanh áo lính và màu áo xanh tình nguyện đã hòa vào nhau, cho đường biên thêm xanh!
Đến vườn rau thông minh
Cũng là sử dụng internet nhưng các tình nguyện viên của Trung tâm ITC thuộc Công ty VNPT Technology (Tập đoàn VNPT) lại mang đến một “luồng gió” hoàn toàn mới, đó là trồng rau thông minh. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, thì người dùng hoàn toàn yên tâm khi vắng nhà mà chẳng cần lo việc chăm sóc vườn tược. Đây là mô hình hoàn toàn do thanh niên Tập đoàn VNPT nghiên cứu, xây dựng và lần đầu được triển khai ở một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước.
Trần Văn Cường, chàng kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết đã “ăn, ngủ” ở Mường Tè cả chục ngày trước đó để lắp đặt và triển khai mô hình vườn rau thông minh. Cường cho hay: “Từ cảm hứng của Mạng lưới kết nối internet (viết tắt IoT), đặc biệt là ứng dụng internet trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm công nghệ có thể hỗ trợ con người giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, nhân lực, đồng thời tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Và mong muốn lớn hơn là giúp thanh niên các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó tạo ra giá trị vật chất lớn hơn, làm giàu cho gia đình và xã hội”.
Chính nhờ sự nhiệt huyết của những đoàn viên như Cường, mà khuôn viên 700 m2 của nhà cộng đồng xã Bum Nưa được phủ xanh bởi những luống rau mới. Thoạt nhìn, chẳng ai biết sự đặc biệt của nó, nhưng “bí ẩn” nằm ở hộp nhỏ ở góc vườn và một bộ cảm biến vô cùng gọn gàng ngay dưới chân hộp, đó cũng chính là “đầu não” đóng vai trò quyết định cho sự vận hành thông minh của vườn rau. Có 2 bộ cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ của đất và không khí. Từ đó, dữ liệu được truyền về “máy chủ” là một chương trình được cài đặt sẵn. Máy sẽ tự động phân tích các thông tin, dữ liệu quan trắc thu thập được và đưa ra lịch trình tưới sao cho phù hợp và tiết kiệm nhất. Vườn rau còn có 2 camera quan sát nên chỉ cần ngồi nhà cũng nắm được tình trạng ngoài thực địa…
Anh Lù Văn Phiếng, Bí thư Đoàn xã Bum Nưa, chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa bao giờ hình dung được có thể tưới rau qua máy tính hay điện thoại, nhưng qua việc chuyển giao công nghệ vườn rau thông minh này, tôi nhận ra rằng mình cần thay đổi tư duy, ứng dụng internet nhiều hơn nữa vào sản xuất”…
Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò cũng như lợi ích lớn lao của internet và công nghệ thông tin. Với tinh thần tình nguyện thời công nghệ số 4.0, chắc chắn sẽ còn nhiều điểm internet thanh niên, nhiều vườn rau thông minh sẽ đến được với cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện đầy ý nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.