|
Theo kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử gây tranh cãi do phe nổi dậy tiến hành tại 2 vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, các thủ lĩnh phe này đã giành chiến thắng áp đảo. Cụ thể, ông Alexander Zakharchenko tuyên bố đắc cử “Tổng thống Donetsk” với 81% số phiếu. Tương tự, ông Igor Plotnitsky trở thành “Tổng thống Lugansk” sau khi giành hơn 63% số phiếu, theo hãng thông tấn Nga RIA-Novosti.
Đáng chú ý là trong quá trình vận động tranh cử, các nhân vật nói trên đều ra sức làm nổi bật các giá trị từ thời Liên Xô để thu hút cử tri gốc Nga tại miền đông Ukraine, theo AFP dẫn lời giới quan sát chỉ rõ.
Ông Zakharchenko (38 tuổi) luôn nhấn mạnh nguồn gốc xuất thân từ giai cấp công nhân của mình khi khẳng định cha ông từng là thợ mỏ trong suốt 30 năm. Bên cạnh đó, theo AFP, “Tổng thống Donetsk” Zakharchenko cho biết đã bán các công ty kinh doanh của mình để lấy tiền ủng hộ phe nổi dậy cũng như tham gia các cuộc biểu tình chiếm các tòa nhà chính quyền tại Donetsk hồi tháng 4.
Tương tự, ông Plotnitsky (50 tuổi) là cựu sĩ quan Liên Xô và tự nhận thần tượng suốt đời của mình là lãnh tụ Vladimir Lenin. Sau Chiến tranh lạnh, ông trở thành nhân viên một hãng tư vấn chuyên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong thời qua, cả hai nhân vật này cũng đã tuyên bố và thực thi những chính sách mang đậm màu sắc cánh tả tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Vùng Donetsk trong một cuộc xung đột vũ trang - Ảnh: Reuters |
Theo giới quan sát, các thủ lĩnh nổi dậy ở miền đông đã rất khéo léo khi đánh trúng tâm lý của đa số dân cư miền đông Ukraine, những người nói tiếng Nga, thấm nhuần văn hóa Nga cũng như Chủ nghĩa Marx-Lenin. Trước đó, các khu vực này đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội Ukraine diễn ra cuối tháng 10 vì cho rằng chính quyền Kiev có thiên hướng thân phương Tây.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 97 năm
Những diễn biến trên cho thấy dù đã trải qua bao biến cố lớn trong lịch sử thế giới nhưng những giá trị thời Liên Xô được xây dựng từ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn nằm trong trái tim của một bộ phận lớn dân cư tại các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Thắng lợi ngày 7.11.1917 (theo Công lịch) của Cách mạng Tháng Mười do lãnh tụ Vladimir Lenin và Đảng Bolshevik lãnh đạo đã đánh dấu sự ra đời của nước Nga Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười 1917 là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới kết thúc thành công, đã đánh đổ giai cấp tư sản, địa chủ phong kiến, lập nên chính quyền của nhân dân lao động, cổ vũ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân tại châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh với quy mô phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy, mở đường cho hàng trăm triệu người thoát khỏi xiềng xích nô lệ và tiến lên độc lập tự do.
Binh sĩ Nga trong trang phục Hồng quân tại lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười - Ảnh: AFP |
Trong hôm qua, tại Nga cũng đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 97 năm Cách mạng Tháng Mười (7.11.1917 - 7.11.2014) và 73 năm cuộc duyệt binh huyền thoại khi các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tiến thẳng ra chiến trường để chiến đấu chống phát xít Đức (7.11.1941 - 7.11.2014), theo hãng tin Itar-TASS.
Trên Quảng trường Đỏ, lễ diễu binh và diễu hành trọng thể đã diễn ra với sự tham gia của hơn 6.000 người. Sự kiện đáng chú ý là phần tái hiện lịch sử về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945). Tham gia lễ diễu binh còn có hơn 60 phương tiện chiến đấu trong những năm kể trên, trong đó có xe tăng T-38, T-37, T-60, các chiến đấu cơ I-153, MiG-3 sẽ lần đầu tiên được đưa ra trình diễn tại quảng trường. Khách mời đặc biệt của buổi lễ gồm hơn 1.000 cựu chiến binh, bao gồm 28 người tham gia cuộc duyệt binh lịch sử 73 năm về trước...
Cùng ngày, tại Belarus diễn ra hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người cũng thường xuyên “đụng độ” với phương Tây về nhiều vấn đề, đã chúc mừng người dân cả nước nhân sự kiện này.
“Rõ ràng Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đã thay đổi số phận của đất nước rộng lớn, tạo điều kiện cho các dân tộc sống trên đất nước này hồi sinh cũng như hiện thực hóa quyền tự quyết của các quốc gia”, hãng thông tấn BelTA dẫn lời ông Lukashenko nhận định. Ông cũng nhấn mạnh: “Belarus là một trong số ít các nước trong không gian hậu Xô Viết kỷ niệm ngày lịch sử này. Dân tộc Belarus không chối bỏ quá khứ và không từ bỏ chủ quyền. Chúng ta sẽ tự quyết định tương lai của mình một cách độc lập”.
Ông Putin vẫn là người quyền lực nhất thế giới Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đứng đầu danh sách 72 người quyền lực nhất hành tinh năm 2014 do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Putin được đánh giá là người quyền lực nhất thế giới. Theo Forbes, việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine cũng như ký kết thỏa thuận khí đốt lịch sử với Trung Quốc, được đánh giá là dự án xây dựng ống dẫn khí lớn nhất thế giới, đã giúp ông Putin giữ nguyên vị trí số 1 của mình. Các vị trí tiếp theo trong tốp 5 lần lượt thuộc về Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đáng chú ý, thủ lĩnh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi cũng lần đầu tiên lọt vào danh sách trên, đứng thứ 54. |
Danh Toại
>> Phe ly khai đông Ukraine công bố kết quả bầu cử sơ bộ
>> Phe ly khai đông Ukraine bỏ phiếu bầu lãnh đạo
>> Mỹ lên án cuộc bỏ phiếu của phe ly khai Ukraine
>> Nga tái cung cấp khí đốt cho Ukraine
>> Nga sẽ công nhận bầu cử của phe ly khai Ukraine
Bình luận (0)