Tình yêu muôn thuở - Bài 2: Bốn nàng kiều nữ tên Mi

26/03/2009 23:20 GMT+7

Ở Huế, những năm 1950-1960, có bốn chị em xinh đẹp, đài các nghiêng nước nghiêng thành, khiến bao chàng trai mất ăn, mất ngủ. Con đường nơi họ sống đã trở thành điểm đến của bao văn nhân mặc khách và từ đây cũng khai sinh ra thú bát phố lịch lãm một thời. Mời nghe đọc bài

Người đẹp làm thơm những con đường

Bốn cô gái là con nhà quyền quý sống ở ngôi nhà số 11 đường Giao Thủy xưa (nay là các nhà 15-17-19 đường Phạm Ngũ Lão - TP Huế). Con đường ấy xưa kia có nhiều gốc me già cổ thụ nên được người dân quen gọi đường Hàng Me.

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý, cũng là cư dân gắn bó hơn hai phần ba đời mình với con đường này kể: “Bốn chị em sắc nước hương trời này đều có chung một cái tên rất lạ: Mi. Người chị đầu Trà Mi, có cặp mắt đen thăm thẳm, nét mặt thường tự nhiên và ít cười, dáng đi đài các. Cô thứ hai tên Kiều Mi hiền lành thoắt biến thoắt hiện, như không muốn ai chú ý tới mình. Nga Mi có một sắc đẹp khác với hai chị, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.

Cô em út Diệm Mi có nét đẹp như thể thu góp hết mọi sắc hương của những người chị: trong bóng, hồng mọng, tưởng chừng rất dễ vỡ, tưởng chừng cặp mắt nam nhi nào nhìn vào cũng đều bị biến thành hàng phàm phu tục tử”. Gia đình của họ sau này còn có thêm cô cháu Diễm Mi trở thành hoa hậu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Thời ấy, con trai Huế hiền lành, ngơ ngác chỉ biết giắt sẵn bên mình thú vui “bát phố” (dạo phố không mục đích gì rõ rệt) hay đi nghễ (hóng hớt người đẹp). Con đường Hàng Me vì có bốn nàng xin đẹp tên Mi nên thường thu hút thanh niên trong thành phố. Ban ngày, mùa hè con đường râm ran hợp tấu ve sầu.

Ban đêm, đặc biệt là những đêm trăng, chẳng rõ từ đâu tụ hội về đây từng đoàn nam thanh nữ tú, lóc cóc, lanh canh guốc mộc nhộn nhịp cả con đường. Hồi ấy, thanh niên bát phố đi bộ là phần lớn. Nhiều nhất vẫn là guốc mộc, rất ít đi dép, chỉ độc một loại sandale nửa giày nửa dép (chủ yếu để đi trong nhà).

Bốn người đẹp tên Mi thời đó thường thả gót tản bộ đến trường Đồng Khánh từ con đường Hàng Me, khiến bao chàng trai phải ngày nhớ đêm thương. Con phố nơi các nàng đi qua chừng như cũng thơm lên theo từng bước chân đài các.

Hé lộ chuyện tình Mi nữ

Bây giờ khi yêu kiều nữ người ta thường tặng cho nhau điện thoại di động đắt tiền, xe tay ga, xế hộp và thậm chí còn hơn thế nữa. Thế nhưng cách đây hơn ba chục năm, những kỷ vật yêu vô cùng lãng mạn. Nhà văn Bửu Ý hồi tưởng: “Hồi nớ có mấy món để con trai và con gái thể hiện tình cảm với nhau. Món phổ biến cho mọi giới là thư tình. Sau đó là những bài thơ tình chép tay ép cùng hoa khô trong trang sách. Tiếp nữa là món tóc thề, rồi đến chiếc khăn thêu”.

Thư tình là thứ mà cả người con trai và con gái đều mong đợi. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều hai bận người đưa thư đi qua mỗi con phố đều có những chàng trai cô gái hóng hớt chờ trước cửa. Người đưa thư vì thế trở thành hình tượng mang thông điệp tình yêu thân thiết với mọi gia đình. Có một bài hát mà hồi ấy chàng trai cô gái nào cũng thuộc và mỗi sáng mỗi chiều đều ngâm nga khi bóng dáng người đưa thư đi qua không ghé lại: “Người đưa thư đã đi qua/Mà cớ sao không dừng, mà cứ đi, cứ lạnh lùng đi/Đừng quên nhé, có chăng cho ta một lá thư hồng, đỡ tủi lòng ta sớm hôm mong chờ” (Người đưa thư đã đi qua, nhạc Trần Trịnh).

Nếu như thư tình là nơi người ta bày tỏ tình cảm trực tiếp thì những bài thơ tình chép tay ép trong trang sách lại mang thông điệp yêu ý nhị và xa xôi. Cách bày tỏ tình cảm này thường tránh cách nói trực tiếp mà mượn lời qua những bài thơ tình nồng nàn. Lớp thanh niên cách đây hơn ba chục năm có thói quen mong chờ và chuyền tay nhau những cuốn sách của hai dòng văn học siêu thực và hiện sinh của phương Tây. Cứ mỗi chiều, các hiệu sách nổi tiếng ở Huế như: Ưng Hạ, Văn Minh... lại nườm nượp nam thanh nữ tú.

Ở đó họ kiếm tìm những cuốn sách mới của Saint Exupery, Jean Paul Sartre, Albert Camus, thơ tình J.Prevert, Apollinaire... và những cuốn sách bỏ túi in thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận... và cả những nhà thơ miền Bắc như Quang Dũng, Hữu Loan... Sách được chuyền tay nhau đọc và đi kèm theo cuốn sách bao giờ người nhận cũng mong chờ bên trong đó có những bài thơ chép tay, hay những chiếc khăn thêu còn vương hương nồng tình tứ.

Độc đáo nhất vẫn là “món tóc”. Nhà văn Bửu Ý nói: “Hồi ấy tóc là thứ thiêng liêng lắm. Người con gái thường vẫn giữ mái tóc thề óng ả của hương nồng bồ kết. Cắt tóc là một điều vô cùng tối kỵ, người ta chỉ cắt tóc khi có biến cố lớn trong đời hoặc cắt một dúm tóc thề ép vào trang sách tặng người yêu. Khác với bài thơ chép tay, chiếc khăn thêu hay cánh hoa hồng là biểu trưng của tình yêu bắt đầu đầy hy vọng, “món tóc thề” lại chuyển tải thông điệp một tình yêu day dứt bất thành vì ngang trái. Tất cả những kỷ vậy ấy đều mang giá trị tinh thần, được nó người ta hạnh phúc đến ngây ngất”.

Bốn người đẹp tên Mi trên đường hàng me có lẽ là đối tượng đón nhận nhiều nhất những kỷ vật yêu kiểu này. Nhà văn Bửu Ý “bật mí”: “Hồi ấy ít nhất có tới hai vị giáo sư đại học theo đuổi các nàng, nhưng đều không được đáp lại”.
Thế nhưng, trong số bốn nàng tên Mi, thì Nga Mi, cô em thứ ba đã từng phải lòng Trịnh Công Sơn. Khác với vẻ đẹp đài các và mảnh mai của hai chị đầu, Nga Mi có vẻ đẹp như nàng Vệ nữ (Venus), khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Giữa Nga Mi và Trịnh Công Sơn, theo Bửu Ý là “không chỉ dừng lại ở hai chữ tình ý mà tình cảm còn đi xa hơn chút đỉnh”.

Nghĩa là họ đã có những cuộc gặp gỡ, hẹn hò. Nhưng: “Cụ Sơn không phải tuýp người yêu bằng nỗi khát khao sở hữu. Sơn chỉ say đắm với những giao cảm tâm hồn, nên với Nga Mi, Trịnh Công Sơn cũng có e dè, không dám tiến tới” - nhà văn Bửu Ý nói.

Cô em út Diệm Mi, có vẻ đẹp thánh thiện và đầy đặn xem chừng lại “có cảm tình” với thầy giáo của mình là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thời ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa là thầy giáo dạy ở trường Quốc Học và Đồng Khánh. Chàng trai tài hoa, dạy giỏi này vì thế đã chiếm được cảm tình của Diệm Mi. Tình yêu thời ấy thiên về mộng tưởng, nên rất đẹp và lãng mạn. Nhà văn Bửu Ý cho rằng, chính những tình yêu như thế này đã có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn con người rất mãnh liệt. Thứ tình yêu vừa xa vừa gần, vừa thực vừa mơ như thế đủ sức dung dưỡng để các nghệ sĩ thai nghén những áng văn hay, những vần thơ đẹp.

Thế rồi, không một ai trong giới văn nhân mặc khách có diễm phúc “kết tóc xe duyên” cùng các nhan sắc. Trong ánh mắt xa xăm chợt buồn, nhà văn Bửu Ý buông lời: “Hồng nhan đa truân”. Trong số bốn người đẹp tên Mi, chỉ có người chị đầu có cuộc sống khá bằng phẳng, vì cô đã kết duyên cùng với một bác sĩ và sống một cuộc sống hạnh phúc. Còn lại cả ba cô đều phải tình duyên đứt đoạn. Riêng cô út Diệm Mi, bây giờ đang sống một mình tại Pháp và nghe đâu cũng tuổi già đơn độc.

(Còn tiếp)

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.