Tờ báo có mặt sớm ở miền Trung

Hai mươi năm qua, Thanh Niên đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc và trong sinh hoạt báo chí ở khu vực...

Tôi có mặt ở miền Trung với tư cách phóng viên Thanh Niên từ năm 1992. Đến năm 1996, văn phòng báo tại miền Trung chính thức thành lập. Hai mươi năm qua, Thanh Niên đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc và trong sinh hoạt báo chí ở khu vực...
Từ trước năm 1975, người Đà Nẵng và các đô thị ở miền Trung chỉ có thể đọc các nhật báo in ở Sài Gòn vào buổi trưa (nếu báo về bằng máy bay) hoặc chậm hơn nữa nếu báo về bằng xe lửa hoặc xe đò. Ai theo dõi thời sự, đa số phải dùng radio. Từ năm 1996, Thanh Niên bắt đầu in tại Đà Nẵng. Ấn bản Tin nhanh Bóng đá được thử nghiệm đầu tiên, sau đó là các số phát hành vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Ngoài 2 tờ Nhân dânQuân đội nhân dân, Thanh Niên là tờ báo đầu tiên có số lượng in lớn được VDC giúp truyền bản ra Đà Nẵng in và phát hành từ 5 giờ sáng. Sau 2 - 3 tiếng, báo có mặt ở Hội An, Tam Kỳ, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình bằng đường bộ.
Tờ báo có mặt sớm đã thay đổi tập quán đọc báo của bạn đọc. Sáng sớm ra những quán cà phê, đã thấy nhiều người đọc báo, lòng sướng lạ. Sướng vì từ chiều hôm trước và cả đêm anh em từ kỹ thuật, theo dõi in đến người quản lý phải túc trực ở nhà in theo từng công đoạn. Kiểm ra bản truyền dẫn số liệu, in ra nhũ, montage, chạy in thử, sắp xếp và phân phối cho phát hành, cho các em bán báo dạo ngay ở cửa nhà in. Nghe cái mùi mực in và mùi giấy mới của tờ báo lúc đó quả là một kỷ niệm khó phai của chúng tôi…
Lực lượng phát hành tư nhân và các cháu bán báo dạo chính là “cánh tay nối dài” của mỗi cơ quan báo chí. Không chỉ họ năng động đưa tờ báo đến bạn đọc, mà từ họ chúng tôi còn nghe được nhiều phản hồi của người đọc. Chính kênh thông tin này giúp chúng tôi khẳng định rằng chính nội dung tờ báo sẽ quyết định số lượng in. Ý tưởng đó không mới bấy giờ, nhưng cứ nghĩ từ đó đến nay, Thanh Niên vẫn là tờ báo có số bản in lớn nhất miền Trung trong sự cạnh tranh thông tin không nhỏ, mới thấy đó là một “định hướng” quan trọng.
Có thể nói trong chừng ấy năm hoạt động ở miền Trung, lực lượng cộng tác viên của Thanh Niên khá đông đảo. Họ là những nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia về quy hoạch, chính sách đến những vị cách mạng lão thành và đông đảo bạn trẻ. Có thể kể đến những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Đông Trình, Thanh Quế, Lê Văn Ngăn, Ngân Vịnh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nguyễn Thế Trường, các nhà báo lão thành như Đoàn Bá Từ, Nguyễn Đình An, Vĩnh Linh...
Chính những cộng tác viên ấy không những làm cho các trang báo về miền Trung thể hiện được những nét đặc trưng vùng miền về văn hóa, nó còn thể hiện được chính kiến và chia sẻ những ưu tư của họ đối với nhiều vấn đề thời cuộc. Các tên tuổi ấy cũng là những người thầy đáng tin cậy cho anh em trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.