Tòa nhà 3.000 tấn “đi” được 8 mét

02/01/2008 23:48 GMT+7

Sau ngày làm việc đầu tiên, "thần đèn" phía Bắc Đỗ Quốc Khánh và các cộng sự đã dời tòa nhà nặng 3.000 tấn được 8m.

9 giờ sáng 2.1, sau một hồi chuông reo, 40 công nhân vận hành máy và 160 sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã vào vị trí được phân công từ trước để bắt đầu tiến hành các công việc di dời tòa nhà tại Khu công nghệ cao Phú Cát (Km số 27, đường Láng - Hòa Lạc, thuộc địa phận tỉnh Hà Tây). Trước đó, để "thần đèn" phía Bắc, ông Đỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty xử lý lún nghiêng Việt Nam - và các cộng sự có thể tiến hành việc di dời tòa nhà này, trường Đại học Xây dựng đã ký kết hợp đồng với các đơn vị khác tổ chức san nền, gia cố nhà, làm đường ray... PGS.TS Phan Ý Thuận - trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chủ nhiệm dự án di dời tòa nhà - cho biết thêm: "Ngày 29.12.2007, chúng tôi đã tiến hành di dời thử. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tòa nhà di dời vào trong được 0,9m. Ngày 1.1.2008, chúng tôi lại tiến hành tập dượt lần cuối cho công nhân, sinh viên và tiếp tục di dời tòa nhà được thêm 0,3m nữa".

Ông Đỗ Quốc Khánh, người trực tiếp chỉ huy việc di dời tòa  nhà, tay cầm loa phóng thanh, liên tục di chuyển để kiểm tra, đôn đốc công việc đối với tất cả các bộ phận. Một lát sau, tất cả các vị trí đều đã sẵn sàng. Người thợ điều khiển thiết bị thủy lực bấm nút khởi động máy. 6 xi-lanh hoạt động. Tòa nhà 2 tầng có tổng diện tích xây dựng 3.800m2, nặng khoảng 3.000 tấn từ từ dịch chuyển. Trong khi các sinh viên quan sát và vận hành các con lăn một cách hợp lý thì khoảng chục công nhân khác đang cố gắng kéo pa-lăng, "lái" cho tòa nhà di chuyển đúng hướng. Đến 18 giờ chiều cùng ngày, tòa nhà đã được di dời vào phía trong 8m.

Chỉnh sửa các xi-lanh trước khi vận hành thiết bị thủy lực - Ảnh: Bùi Trần

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Quốc Khánh cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi di dời nhà mặc dù trước đây, tôi và các cộng sự  đã làm những công việc về điều chỉnh nhà lún, nhà lệch và nhà nghiêng. Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng công nghệ kích đẩy thủy lực và không dùng hố thế trong việc di dời nhà tại Việt Nam nên chúng tôi phải vừa làm, vừa điều chỉnh. Từ sáng đến giờ, ngoài việc các con lăn được sử dụng hơi nhỏ dẫn đến việc một vài con lăn bị bẹp, rất may đã không xảy ra những sự cố nào đáng kể". 

Cũng theo ông Khánh, thiết bị thủy lực đang được sử dụng để kích đẩy tòa nhà này có thể đẩy được một công trình nặng tới 15.000 tấn. Và hiện tại, máy mới chỉ chạy số 1, phát huy được 20% công suất tối đa. Khi đẩy thiết bị thủy lực, toàn bộ 6 xi-lanh "đi" đều nhau. Những công nhân hoàn toàn có thể điều chỉnh 6 xi-lanh di chuyển với 6 tốc độ khác nhau để đảm bảo công trình đi đến đích chính xác đến từng milimet. "Tôi bố trí 4 xi-lanh phía trong giống nhau, 2 xi-lanh ở hai đầu khỏe hơn 6%. Tất cả hệ thống pa-lăng xích đều kéo vào tâm. Đây là mô hình năng lượng có véc-tơ tập trung vào tâm. Vì vậy, nếu người thợ có sai sót thì tòa nhà vẫn di chuyển đúng hướng" - ông Đỗ Quốc Khánh cho biết.

Chủ nhiệm dự án, PGS.TS Phan Ý Thuận rất tin tưởng vào sự thành công của công việc di dời tòa nhà: "Chúng tôi đã dự tính, trong quá trình di dời có thể sẽ xảy ra các sự cố như mối hàn bị bung, đường ray bị gãy. Tuy nhiên, đến giờ phút này, mọi việc đều diễn ra một cách tốt đẹp. Tiêu chí để đánh giá mức độ thành công của dự án không chỉ dừng lại ở việc di chuyển tòa nhà đến vị trí mới một cách chính xác mà còn phải đảm bảo các điều kiện khác như nhà không bị nghiêng, không bị nứt, đảm bảo các yếu tố an toàn. Tôi tin, chúng tôi sẽ làm được việc đó". Ông Đỗ Quốc Khánh cũng rất tự tin: "Ngày mai (3.1 - PV), chúng tôi sẽ tăng tốc. Sau 3 ngày, chúng tôi sẽ đi đến đích và sai số sẽ không quá 1 cm".

Q.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.