Bị đe mất chức nếu cả làng... giàu lên !

24/04/2014 09:00 GMT+7

Dù đánh giá mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 đều vượt so với mục tiêu đề ra, song cuộc họp Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH ngày 23.4 vẫn lo ngại tính bền vững khi tỉ lệ tái nghèo cao, cận nghèo lớn vì một số nơi không muốn thoát nghèo

 
Các đại biểu tại buổi thảo luận về chính sách giảm nghèo - Ảnh: Nguyễn Thu Hằng

Ông Lê Văn Lai, đại biểu tỉnh Quảng Nam, kể: “Một gia đình có 20 con bò, nhưng khi chúng tôi đến giám sát kiểm tra, họ đưa bò đi chăn nơi khác”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng đây không phải là trường hợp cá biệt, khảo sát tại một tỉnh miền núi cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khi đoàn kiểm tra đến họ giấu bò vào rừng, nhưng khi đoàn kiểm tra về, người dân mổ bò liên hoan.

Nhiều đại biểu nhận định, sở dĩ tại nhiều vùng khó khăn, nhất là vùng dân tộc miền núi, giảm nghèo chưa có chuyển biến tích cực vì đồng bào còn ỷ lại. Ông Hoàng Văn Thượng (ở Cao Bằng) bày tỏ: “Có vùng chỉ chờ tết để xin cứu trợ. Gần như mấy chục năm phải cứu đói liên tục. Thậm chí, có nơi trưởng thôn còn bị “dọa” mất chức nếu không giữ cho cả làng nghèo. Nhiều vùng còn cố gắng giữ nghèo bền vững, mua ti vi, xe máy cũng chỉ ở mức độ cầm chừng, nếu không muốn bị cắt chính sách. Nếu không có giải pháp, cái nghèo vẫn ám ảnh và dai dẳng với đất nước này”.

Điều đáng nói là không chỉ người dân, ngay đến lãnh đạo cấp xã, cấp huyện cũng không muốn thoát nghèo. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho biết có bí thư huyện ủy còn vô tư khoe: “Năm nay chúng em được 3 xã nghèo”.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý một số nơi hiện còn tái diễn nghèo luân phiên. “Hộ này vài năm nghèo rồi, thì năm nay nhường cho hộ khác. Có hộ không nghèo, nhưng có con đi học ĐH thì được xét cho vào hộ nghèo. Đó là chuyện có thực”, ông Đàm nói.

Thiết kế lại chính sách 

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa, muốn giải quyết vấn đề giảm nghèo, phải đi từ gốc gốc rễ. Đa phần những người nghèo là người dân tộc, sống ở miền núi, trình độ hạn chế. Thế nhưng, tại nhiều địa phương lâu nay thường chỉ cho người dân cần câu nhưng không dạy cách câu. Đại biểu Tuân lấy ví dụ: “Trong chương trình hỗ trợ gia súc cho người nghèo; có hộ được hỗ trợ 2 con heo đen. Một con nhốt, một con thả rông. Hỏi heo ăn gì? Người dân nói chẳng biết cho ăn gì. Tư vấn kỹ thuật phải hướng dẫn cho người ta đến nơi đến chốn”.

Nhiều đại biểu cho rằng phải thiết kế lại chính sách giảm nghèo để mỗi người dân tự thoát nghèo. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói phải trang bị cho người nghèo kiến thức để tự tạo việc làm. “Một trong những hạn chế cần phải khắc phục là chương trình đào tạo nghề cho nông dân. Chương trình đào tạo nghề hiện nay rất lãng phí, không phù hợp, cứ áp từ trên xuống dưới. Ở miền núi lại đi dạy sửa vi tính, sửa máy ảnh, như thế có khác gì dạy người thành phố sửa tàu vũ trụ”, bà Thúy nói. Ông Bùi Sỹ Lợi nói có chuyện chỉ tiêu đào tạo nghề của một làng có 20 người đều cho đào tạo thợ sửa xe máy, trong khi cả làng chỉ xấp xỉ chục chiếc xe máy.  

Thu Hằng

>> Việt Nam trong tốp đầu các nước đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo
>> Khởi công dự án trồng cây dược liệu xóa đói, giảm nghèo
>> Quảng Ngãi cần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.