Hàng chục chủ vườn cao su điêu đứng

28/10/2013 03:00 GMT+7

Nông trường làm sai sao bắt dân chịu? Đó là tâm trạng hết sức bức xúc của trên 30 hộ dân là chủ các vườn cao su trong giai đoạn cho mủ tại khu vực xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

 Cây cao su đang cho mủ ở Tân Hưng - d
Cây cao su đang cho mủ ở Tân Hưng - Ảnh: Đình Mười

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khu vực này rộng gần 150 ha trước kia là một phần của khu đất rộng do nông trường cao su Bời Lời quản lý. Năm 1992, ông Hà Minh Đỏ, Giám đốc nông trường, đã ký hợp đồng kinh tế với nhiều hộ dân về việc giao đất trồng cao su. Thời hạn giao đất bằng với chu kỳ sinh trưởng của cây cao su là 50 năm. Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để san ủi mặt bằng, trồng và chăm sóc cây cao su đúng quy trình kỹ thuật. Họ cũng đóng phí quản lý cho nông trường và nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Trong hợp đồng cũng cam kết, bên nào vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trước pháp luật. Đến nay cây cao su đang giai đoạn cho mủ ổn định, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, trong đó không ít trường hợp là cán bộ hưu trí, thương binh.

Thế nhưng, ngày 25.10, tại trụ sở UBND xã Hưng Thuận đã diễn ra cuộc họp thông báo Công văn của UBND tỉnh Tây Ninh về chủ trương cho thuê 149,52 ha đất tại ấp Bùng Binh (xã Hưng Thuận) do ông Nguyễn Văn Lam, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trảng Bàng, chủ trì, cho rằng việc nông trường ký hợp đồng kinh tế giao đất cho các hộ dân là sai thẩm quyền nên yêu cầu các hộ dân có nhu cầu tiếp tục thuê đất thì trong vòng 30 ngày phải đến Phòng Tài nguyên - Môi trường làm thủ tục thuê đất nhưng thời hạn thuê đất chỉ được đến tháng 6.2017. Ngoài ra, người dân phải cam kết sau khi hết hạn thuê đất phải trả lại cho huyện, tỉnh, không được tái canh cây cao su, không được sang nhượng. Thông báo của ông Lam đã gặp sự phản đối quyết liệt của các hộ dân.

Bà Lan Phương, một hộ dân có vườn cao su trong khu đất, cho biết: “Từ năm 1992, theo khuyến khích của tỉnh, người dân chúng tôi đã ký hợp đồng 50 năm với nông trường. Đây là đơn vị kinh tế nhà nước, thuộc UBND huyện Trảng Bàng. Từ đó, người dân đã bỏ nhiều tiền của, công sức để đầu tư vườn cao su. Bỗng dưng, nay cũng chính nhà nước lại bảo hợp đồng này không đúng và đòi thu hồi đất của chúng tôi, như vậy là quá phi lý”.

Theo nhiều hộ dân khác, nếu các đơn vị nhà nước (như nông trường) làm sai thì nhà nước có trách nhiệm phải xử lý nông trường chứ không thể bắt người dân gánh chịu. Trong bản hợp đồng mà nông trường cao su Bời Lời ký giao đất cho các hộ dân đều căn cứ vào các quy định và chủ trương của trung ương, tỉnh, huyện lúc đó. Bây giờ không thể muốn nói sai là sai được. Còn thời hạn hợp đồng 50 năm là đúng theo chu kỳ sinh trưởng của cây cao su vào thời điểm đó. UBND huyện và UBND tỉnh không thể lấy chu kỳ cây cao su hiện nay là 25 năm để áp đặt hợp đồng cũ.

Đình Mười

>> Quặn lòng chặt cao su làm củi
>> Nông dân bỏ ruộng, chặt phá keo để trồng cao su
>> Kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu cao su thiên nhiên
>> Đào tạo nghề trồng cao su
>> Lao đao vì cao su rớt giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.