Kỷ niệm 20 năm thành lập báo Thanh Niên: Năm lần "dời đô" và những chuyện khác…

22/12/2005 17:09 GMT+7

Tôi có mặt ở tất cả những nơi báo Thanh Niên đặt tòa soạn trong 20 năm qua, từ những ngôi nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thành Ý, Trần Hưng Đạo B cho đến địa chỉ hiện nay ở 248 Cống Quỳnh, TP.HCM. Nếu phải kể thêm, còn có một nơi khác trên đường Nguyễn Thông, quận 3, là một ngôi nhà… suýt trở thành tòa soạn nếu không trục trặc về thủ tục!

Tôi chính thức trở thành phóng viên của báo thì phải đến tháng 2/1991 với việc mở ra văn phòng đại diện tại miền Trung của báo. Chừng ấy năm ở một vùng đất mà anh em gọi vui là “bưng biền” này, chúng tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm. Mà với tôi, trí nhớ chỉ cho “save” vào những chuyện vui…

Năm lần dời chỗ làm việc

Ban biên tập cử tôi và Huỳnh Ngọc Chênh (hiện là Thư ký Thanhnien Online tiếng Việt) làm phóng viên thường trú tại miền Trung, nhưng chưa có nơi làm việc nên đành… trú tại các quán cà phê để săn tin và mượn chỗ bán vé của công ty Du lịch TNXP Đà Nẵng trên đường Phan Chu Trinh làm địa chỉ liên lạc thư từ, bài vở. Đi công tác các tỉnh TT-Huế, Bình Định, Quảng Ngãi cũng đi chùa xe của đơn vị này.

Hồi đó, báo mới ra tờ cuối tuần vào sáng thứ 2 và tờ thứ năm. Hôm sau báo mới ra tới  Đà Nẵng bằng đường xe lửa. Hai chúng tôi rời văn phòng liên lạc lên ga nhận hàng và chia nhau đi… gửi cho các quầy, mỗi nơi 5-10 tờ. Kỳ phát hành sau, tới đưa báo mới và nhận tiền báo kỳ trước và hỏi han ý kiến phản hồi từ người đọc. Phải nói là công việc vất vả nhưng lại vui vì thấy người đọc đa số ủng hộ và có nhiều ý kiến chân tình.

Trước anh Chênh làm ở tờ Diễn đàn Thanh Niên sau khi nghỉ dạy học, còn tôi viết báo văn nghệ Đất Quảng và cộng tác với các tờ báo ở TP.HCM. Cả hai viết bài gửi đi và ít khi biết phản ứng của bạn đọc thế nào. Nay về làm ở tờ báo mới, tự đi phát hành, trực tiếp nghe ý kiến phản hồi nên bầu máu nóng càng nóng lên và ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với bạn đọc. Cơ quan cho đặt máy điện thoại, lại phải có hai máy cài paralel từ nhà riêng của hai người (vì chỉ cách nhau 100 mét). Có điện thoại thì liên lạc với tòa soạn, nhận tin tức liên tục ở các tỉnh và nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các quầy báo… Làm báo như vậy mà không sướng sao được!

Khi có quyết định chính thức mở Văn phòng đại diện, được một đồng nghiệp cho mượn một chỗ trên đường Trưng Nữ Vương làm việc, lại mừng húm lên dù đó chỉ là căn phòng khách của một ngôi nhà cấp… năm vừa được chủ nhà mông má lại! Ngày ra mắt văn phòng đại diện chỉ có vài chục khách mà cũng phải chạy quanh hàng xóm mượn thêm ghế ngồi, thiếu ghế, phóng viên phải… đứng. Báo còn nghèo về vật chất, nhưng ngược lại khách khứa, đồng nghiệp, bạn đọc và cả lãnh đạo địa phương đến liên tục. Rồi báo ra ba kỳ, rồi in phụ trang ngay tại Đà Nẵng. Phóng viên, nhân viên phát hành, văn thư được tăng cường. “Có không khí rồi đấy nhé! Bọn mình trên 70 rồi mà vẫn thích Thanh Niên, không bỏ sót số nào!” - Nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ nói và không quên nhắc nhở, hướng dẫn kinh nghiệm cho anh em.

Trước và sau khi dời về 144 Bạch Đằng với cơ ngơi bề thế hiện nay, chúng tôi cũng đã hai lần dời chỗ làm việc nữa. Một là mượn nhà của một phó giám đốc công ty Xi măng Hải Vân trên đường Trưng Nữ Vương và thuê một nhà khác trên đường Trần Phú. Trong mười lăm năm thành lập và xây dựng Văn phòng miền Trung, không ngờ số lần “dời đô” cũng ngang bằng với tòa soạn ở TP.HCM. Ông bà mình bảo “An cư mới lạc nghiệp”. Quả vậy, từ năm 1997, mua được ngôi nhà ộp ẹp ở 144 Bạch Đằng rồi sửa sang xây dựng lại mới thấy càng an cư thì tờ báo càng lạc nghiệp.

Với từng tờ báo đi ký gửi năm 1991, Thanh Niên đã tăng lượng phát hành lên 3.000 tờ năm 1995 rồi 7.000 tờ năm 2000 và đến nay, con số phát hành chỉ từ Quảng Nam ra đến Quảng Bình đã lên trên 2,2 vạn. Điều đó, theo cụ nhà báo Đoàn Bá Từ, từ ngày có hiệu sách Việt Quảng (năm 1937) ở Đà Nẵng đến nay chưa có tờ báo nào ở miền Trung có lượng bạn đọc đông đến vậy! Và càng “lạc nghiệp” bao nhiêu, những cuộc giao ban của chúng tôi mỗi ngày lại càng nóng lên vì trách nhiệm nặng nề trước công chúng luôn là mục tiêu của mọi bài viết, mẫu tin…

Và không có gì ngạc nhiên khi 15 năm trước, văn phòng miền Trung chỉ có 2 phóng viên, nay đã là một cơ quan báo chí thật thụ với biên chế trên hai mươi người và nhiều phóng viên, cộng tác viên ở hầu hết các tỉnh. Báo ra hàng ngày, có cả xe đưa báo đến các tỉnh từ khi trời chưa sáng…

Những kỷ niệm tác nghiệp

Chuyện vui nhất của thời kỳ còn phát hành 2 số mỗi tuần là Thanh Niên đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi của hàng trăm hộ dân thuộc diện giải tỏa bàu Thạc Gián - Vĩnh Trung và đấu tranh với cả những cán bộ lãnh đạo thành phố lạm dụng quyền hành trong việc bán, chiếm đất đai trước khi luật đất đai 1993 ra đời để “chạy luật”. Phóng viên Thanh Niên đi khai thác tài liệu ở một số quan chức trong đêm mùa hè mà vẫn phải mặc áo mưa che kín đầu, vì sợ phát hiện! Nhớ lại, thật thú vị vì nghề!

Anh Nguyễn Văn Chi, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ hồi đó còn đóng văn phòng ở Đà Nẵng đến thăm, bảo: “Báo Thanh Niên rất dũng cảm tuyên chiến với tiêu cực, cần phải phát huy thế mạnh của mình!”. Lời động viên của anh Chi càng làm cho anh em yêu nghề và yêu tờ báo của mình hơn. Đến nay, nhiều lần gặp lại, anh vẫn dành cho chúng tôi sự yêu mến như ngày đầu.

Nhưng không chỉ đương đầu với tiêu cực. Phóng viên Thanh Niên ở miền Trung đã không cầm được nước mắt, đã thật sự run tay khi viết những dòng đầu tiên đưa tin về vụ 18 học sinh chìm đò ở Quế Trung, trước những nạn nhân bị nước cuốn vì bão lụt ở miền Trung. Chính những tình cảm chân thật đó đã tạo ra hơi thở trên những bài viết và tìm được sự đồng cảm ở bạn đọc.

Nhớ trận lụt năm 2000, cả lãnh đạo và người dân ở thị xã Đông Hà không thể nào ngờ khi đường giao thông từ Đà Nẵng ra phía Bắc hoàn toàn bị chia cắt vì lũ và sạt lở đèo mà hàng cứu trợ vẫn đến được với người dân. Phóng viên và cộng tác viên Thanh Niên tại địa phương bằng chính uy tín cá nhân của mình đã tự đi mượn tiền hoặc đi mua chịu mì tôm, thực phẩm của các hiệu buôn để kịp thời ứng phó. Sau lụt, nhà báo Hoàng Đức ở Quảng Trị vẫn là một “con nợ” vì tiền chuyển ra bị… chậm, nhưng chẳng ai phiền hà! Còn nhà báo Ngọc Toàn ở Quảng Ngãi cùng chúng tôi đi xây dựng trạm điện, đi thăm nuôi các bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng nhận được sự trìu mến nhớ đời. Hai trạm biến thế điện ở Tịnh Khê được xây dựng năm 1999 bây giờ vẫn phát huy tác dụng rất tốt mà chi phí đầu tư không nhiều chính là mối quan hệ của chúng tôi với ngành điện. Qua mối quan hệ đó, công ty truyền tải điện 2 - một đơn vị thi công những công trình hàng trăm tỉ đồng đã “xắn tay áo” thi công luôn một công trình chưa đầy vài trăm triệu với ý tưởng cùng với báo Thanh Niên làm xã hội, không lấy các khoản chi phí quản lý, lán trại thi công, vận chuyển thiết bị và…lãi! Cũng tại Quảng Ngãi, hình ảnh các mẹ Việt Nam Anh hùng cứ mỗi cái tết lại mang cho Ngọc Toàn vài nãi chuối, vài con gà khi tìm thăm anh. Có mẹ cứ đòi ở lại trông hộ con Toàn trong những ngày Tết đã làm anh mũi lòng đến phát khóc. Vì Toàn mồ côi mẹ  từ nhỏ!

Mười lăm năm đóng quân ở các tỉnh miền Trung, có lẽ dấu chân phóng viên Thanh Niên  không bỏ sót một địa phương nào, cả miền núi hắt hiu lẫn hải đảo xa. Anh Thái Ngọc San ở Huế có lẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất, dù anh lớn tuổi nhất trong anh em. Anh không chỉ đến những nơi khó khăn nhất mà còn đấu tranh kiên định nhất với mọi biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Con gái nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần nói với bố bằng giọng Huế: “Chỉ có chú San mới là nhà báo thứ thiệt, ba hỉ!”. Anh San chết, tôi chưa viết về anh một dòng nào. Nhưng tôi không thể nào quên câu nói đơn giản mà hàm súc của con gái anh Tường như đã kể. Chừng đó thôi cũng làm cho tiếng nói của Thanh Niên ở miền Trung được bạn đọc tin cậy!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.