Sử dụng ngôn ngữ @ đúng nơi, đúng chỗ!

31/07/2010 00:18 GMT+7

Đọc bài Mối nguy từ ngôn ngữ biến dạng trên Thanh Niên ngày 13.7, tôi xin có đôi điều muốn nói: Tôi là một 8X, tuy không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ @ như các bạn tuổi teen nhưng nội dung tin nhắn hay bài viết của các bạn tôi có thể "giải mã" được.

Vì sao các bạn tuổi teen dùng ngôn ngữ @? Có thể là để không trở nên lạc lõng với trào lưu này, hoặc không muốn cha mẹ đọc được nội dung tin nhắn, hay đó là cách thể hiện mình... Nhiều bạn cho rằng, khi nhắn tin hay chat mà viết đầy đủ ký tự thì bị cho là quê, là sến, không biết hòa nhập, là già trước tuổi… Hơn nữa, dung lượng cho một tin nhắn điện thoại bây giờ là 160 ký tự, nếu các bạn viết theo ngôn ngữ @ tuổi teen thì có thể tiết kiệm được số ký tự đáng kể để tiết kiệm thời gian, kéo dài nội dung tin nhắn.

Vừa rồi xem một bộ phim về tuổi teen của Mỹ, tôi thấy các bạn chat và nhắn tin cho nhau cũng dùng loại ngôn ngữ @ của các bạn ấy. Như vậy, ngôn ngữ @ không chỉ tồn tại ở ta mà hầu như ở khắp nơi, đó là loại ngôn ngữ được sáng tạo và lưu truyền trên internet, trên điện thoại. Có điều nếu các bạn sử dụng ngôn ngữ @ không đúng lúc, đúng chỗ thì thật tai hại, nhất là trong các kỳ thi hay bài kiểm tra. Các bạn có thể dùng ngôn ngữ @ khi nói chuyện với nhau, nhưng khi trao đổi với người lớn hay trong các bài kiểm tra, văn bản… thì không nên. Và cũng đừng để thói quen sử dụng ngôn ngữ này ăn sâu vào tiềm thức, đánh mất ngôn ngữ Việt chính thống của mình. Các bạn tuổi teen ơi, hãy dùng ngôn ngữ @ đúng lúc, đúng chỗ nhé!

Trần Thị Thanh Thảo
(SV Đại học Văn Lang, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.