Tàu “né” âu thuyền tránh bão

01/09/2012 03:30 GMT+7

Khu neo đậu cho tàu thuyền tránh bão được đầu tư xây dựng khá hiện đại, thế nhưng qua 2 mùa mưa bão, nhiều ngư dân vẫn “né” âu thuyền này vì sợ bị hư hỏng tàu.

u thuyền An Hòa (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) được đánh giá là một trong những khu trú ẩn lớn, đảm bảo cho 1.200 tàu có công suất đến 300 CV vào tránh bão. Tuy nhiên khi hoàn thành, nhiều ngư dân không dám đưa tàu cá vào đây neo đậu. Bão càng lớn, họ càng tránh xa âu thuyền này vì sợ các tàu cá va đập nhau. Ông Trần Tầm (71 tuổi), chủ tàu cá QNa-90144 cho biết: “Thấy âu thuyền này rộng rãi, mùa mưa bão năm trước tôi đã đưa tàu vào đây trú ẩn. Tưởng thế là an toàn, ai ngờ khi có gió lớn, tàu của tôi cũng như nhiều tàu khác trôi dạt rồi đập mạnh vào nhau. Tôi phải bỏ ra khá nhiều tiền để sửa sang lại tàu”.

Theo ông Tầm, mặc dù khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được xây dựng với hàng chục trụ neo kiên cố nhưng do khoảng cách giữa các trụ này quá gần nhau nên khi có bão các tàu dễ bị đập vào nhau. Bà Huỳnh Thị Thúy (41 tuổi), nhà gần âu thuyền nói: “Từ khi công trình này xây xong, tôi thấy rất ít người đưa tàu vào trú. Có bão lớn, họ chịu khó chạy xa hơn mà an toàn, chứ ít ai dám bỏ con tàu hàng tỉ đồng vào đó”. Mùa mưa bão các năm trước, nhiều ngư dân cho tàu về khu vực kín gió tại thôn 10 (xã Tam Giang, H.Núi Thành) để đậu.

Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa được đầu tư gần 80 tỉ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân sách nhà nước với diện tích hơn 36 ha mặt nước. Theo đó, dự án được chia làm hai gói thầu gồm: xây lắp và mua sắm thiết bị. Để đảm bảo đủ sức chứa cho hàng ngàn tàu cá, 70 trụ neo (mỗi trụ cách nhau 50 m) đã được xây xong. Tuy nhiên, âu thuyền này không có bờ chắn sóng, lại nằm đúng hướng gió lùa nên khoảng cách giữa các trụ neo là không an toàn.

Theo thiết kế, âu thuyền An Hòa đáp ứng cho các tàu cá có công suất 300 CV trở xuống nên nhiều tàu cá có công suất lớn hơn không thể vào. Ông Ngô Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Địa phương chúng tôi có đội tàu cá hùng hậu, đa phần tàu vươn khơi có công suất trên 500 CV, có chiếc trên cả 1.000 CV. Thế nên, nhiều tàu cá dù có muốn vào neo đậu cũng không thể vào. Không những thế, ngư dân có tàu công suất dưới 300 CV khi vào bãi cũng phải hết sức thận trọng vì sợ bị mắc cạn”. Theo ông Thống, khi xây dựng khu neo đậu này, cơ quan chức năng đã không tham khảo ý kiến người dân về tập quán trú bão cũng như các hướng gió lùa nên ngư dân mới bỏ âu thuyền để trú bão nơi khác.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Núi Thành cho rằng, lâu nay người dân vẫn thường neo đậu tàu cá vào các khu vực gần nhà nên kín gió. Bây giờ, các trụ neo ở bãi An Hòa quá trống trải nên họ ngại. Ông Hưng nhìn nhận: “Người dân không đồng tình với thiết kế của khu neo đậu này nên đã nhiều lần phản ánh lên huyện. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, các cơ quan thẩm định với nhiều viện dẫn cho rằng âu thuyền vẫn đạt chuẩn an toàn”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNN kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam khẳng định, trước khi xây dựng khu neo đậu tàu cá An Hòa, các khâu khảo sát cho đến thi công đã được các bên liên quan thực hiện chặt chẽ. “Mọi khoản mục đầu tư đều đầy đủ, trong đó có cả hạng mục đê chắn sóng. Nhưng hiện tại do nguồn vốn khó khăn nên chỉ đầu tư xây dựng âu thuyền đến đó”, ông Tấn nói. 

Hoàng Sơn

>> Khu tránh bão xây chưa xong đã sạt lở
>> Sẽ di dời hơn 200 ngàn người sơ tán tránh bão
>> Hải Phòng: Khẩn trương di dân tránh bão
>> Khẩn trương di dân tránh bão
>> Phú Yên sơ tán dân tránh bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.