Thư bạn đọc tuần qua (16-22/1)

22/01/2007 11:27 GMT+7

Sở Giao thông công chính (GTCC) TP.HCM đang nghiên cứu các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng. Một trong các giải pháp (kinh tế) mà Sở đề xuất, theo ông Lê Trung Tính - Phó phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTCC TP.HCM), là thu phí môi trường với xe cá nhân. Về vấn đề này, Thanh Niên Online nhận được một số ý kiến của bạn đọc như sau:

Võ Văn Bình (314 lô N, c/c Nguyễn Kim, P.7, Q.10, TP.HCM): "Theo tôi việc thu phí môi trường cho xe gắn máy hiện tại là chưa hợp lý và việc thu phí cũng không dễ dàng thực hiện, trong khi chúng ta có thể thực hiện các biện pháp khác nhằm khuyến khích việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Gia đình tôi rất thường xuyên đi lại bằng xe buýt, tuy nhiên cá nhân tôi là giáo viên phải đi dạy hằng ngày đúng giờ thì thấy xe buýt còn nhiều bất tiện:

1. Nhiều tuyến hành khách thường xuyên phải đứng suốt, rất chật chội, nhưng không được tăng chuyến hợp lý.

2. Nhiều nơi trong thành phố, kể cả những tuyến đường lớn vẫn chưa có tuyến xe buýt. Thật khó khăn cho hành khách là phải đi quá xa đến trạm xe buýt. Về điểm này, theo tôi, chúng ta cần có biện pháp khắc phục bằng: Có các điểm giữ xe 2 bánh gần các trạm xe buýt. Giải pháp hầm ngầm là tối ưu nhưng chưa thể thực hiện được, nhưng ta có thể vận động các cơ quan, cửa hàng, các điểm công cộng như công viên, sân vận động nhà văn hóa… tham gia vào việc này.

3. Hiện tại phương tiện xe buýt vẫn chưa thật sự thân thiện trong mắt người dân thành phố vì các hiện tượng giành khách, phóng nhanh, chạy ẩu, rất nhiều xe buýt không để ý gì về việc xả khói đen mù mịt vào thẳng mặt người đi đường gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người đi đường.

Le Sum <lesum@hcm.vnn.vn>: "Theo tôi, chúng ta đã quá chậm chạp trong việc cải thiện môi trường giao thông, không riêng gì tại TP.HCM mà trên cả nước. Nhưng ngược lại, cũng khó có thể cải thiện đường sá trong tình trạng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng nhiều như vậy. Tôi đề nghị:

- Đầu tư mạnh vào phương tiện giao thông công cộng.

- Thu phí sử dụng xe cá nhân thật cao, đặc biệt là xe 2 bánh; nhưng không thu theo tháng (vì sẽ rất phiền hà) mà phụ thu vào xăng.

- Kiểm tra thật gắt gao việc chấp hành Luật giao thông.

- Toàn bộ tiền thu được từ phí, phạt... tập trung chi cho phát triển giao thông công cộng và công tác quản lý giao thông".
 
Hà Hải Long <hahailongfr@yahoo.com>: "Thời gian qua chúng ta đã nói rất nhiều về tình trạng thiếu an toàn, nguy hiểm do xe buýt gây ra như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy lấn tuyến, dừng đón trả khách chụp giật, tranh giành khách... Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng trên vẫn không hề giảm nếu không muốn nói ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. Vậy đâu là nguyên nhân? 

Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân, nhưng đáng phải kể đến đó là tình trạng khoán doanh thu cho mỗi đầu xe. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến số xe buýt do các HTX quản lý .

Xe buýt do các HTX quản lý chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện nay tại TP.HCM , mà thực chất các xe buýt do HTX quản lý chính là xe tư nhân, do tư nhân quản lý. Do đó từ việc doanh thu cho đến các loại chi phí như trả lương cho lái xe, tiếp viên, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phụ tùng thay thế, trả góp tiền mua xe, đóng các loại phí cho HTX đều phải được cân đối dựa vào thu nhập. Trong khi đó thu nhập chính của xe buýt hiện nay được thu trên tuyến từ những hành khách đi vé lượt (được TTQL & ĐHVTHKCC giao khoán cho các HTX và HTX giao lại cho từng đầu xe). Do đó vấn đề tự kiếm khách để đảm bảo thu nhập đã tạo ra áp lực cho chủ phương tiện, dẫn đến việc lái xe phải tranh giành khách, phải giãn khoãng cách với xe trước để có khách (đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chạy rà, chạy chậm), phải về bến đúng giờ để khỏi bị phạt (chạy nhanh, chạy rút). Rất nhiều chủ phương tiện cũng như lái xe buýt rất ngao ngán với cách làm ăn chụp giật như đã nói ở trên nhưng xem ra không còn cách nào khác vì hàng trăm khoản chi phí đang chờ họ.
 
Vụ việc phu nhân của tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Tô Minh Đức bị đánh bị thương sau khi xảy ra xô xát với các nhân viên của tiệm cơm Minh Đức tại địa điểm kinh doanh của tiệm này hiện đang được cơ quan chức năng điều tra. Nguyên nhân của vụ việc và trách nhiệm của từng cá nhân rồi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, chỉ với một thực tế là khách hàng bị hành hung bởi chính nhân viên của cơ cơ sở kinh doanh này, nhiều người đã vô cùng bức xúc và lên tiếng qua Thanh Niên Online:

Pham Tran Khoa (Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM): "Tôi thật sự bức xúc trước việc vợ chồng ông Tham tán bị hành hung tại quán cơm Minh Đức. Đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, du lịch của thành phố, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Bất kể sự viện diễn ra như thế nào, nhưng hành động tát người giữa thanh thiên bạch nhật trước sự chứng kiến của nhiều người đã xúc phạm mạnh mẽ đến danh dự của người bị hại. Chúng ta không thể chấp nhận những hành vi côn đồ, thiếu văn hóa kiểu xã hội đen trong môi trường kinh doanh như vậy. Chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật thì tất cả phải hành động trong khuôn khổ của luật pháp. Sự việc xảy ra tại quán cơm Minh Đức đã thể hiện thái độ coi thường luật pháp của những con người nơi đây. Thiết nghĩ vụ việc này cần phải được xử lý nghiêm để răn đe cho những kẻ khác". 

Cao Thị Thu Hồng (111/57 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5, TP.HCM): "Không thể chấp nhận hành vi côn đồ của những người trong quán cơm Minh Đức. Người dân trông chờ sự nghiêm minh của pháp luật".

Huynh Anh <ngaytoi40@yahoo.com>: "Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm  trường hợp này để làm gương cho mọi đối tượng có hình thức kinh doanh, mang lại sự bình yên, hiền hòa cho người dân và du khách đến thành phố của chúng ta".

Phạm Đức Kỳ (231 Lý Thái Tổ): "Tôi đồng tình với quan điểm cần nghiêm khắc với vấn nạn trên, nhất là tại một thành phố như TP.HCM. Đã có lần tôi từng gặp nhân viên giữ xe hành hung khách hàng chỉ vì thắc mắc chuyện lấy tiền giữ xe quá giá. Chính bản thân tôi có lần sau khi ăn cơm ra lấy xe thì được yêu cầu trả tiền xe, khi tôi đưa 10.000 thì không được trả lại tiền dư, khi tôi hỏi thì được trả lời "Không có tiền lẻ" và có lời lẽ rất giang hồ. Thiết nghĩ giữa TP.HCM mà còn có kẻ lộng hành như thế thì nên xem lại kỷ cương, nhất là trách nhiệm an ninh của khu vực này. Giả sử những vụ việc tương tự xảy ra đối với du khách nước ngoài thì hậu quả dư luận sẽ như thế nào đối với bộ mặt của thành phố lớn như TP.HCM, trong khi Việt Nam đang được xem là quốc gia có nền an ninh ổn định nhất khu vực, đang thu hút một lượng khách du lịch ngày càng tăng".

Trần Thành Trọng <sbmdirector@hcm.fpt.vn>: "Tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người đã hành hung hai vị khách trên. Cho dù mức độ trọng thương của vị khách trên có đủ 11% hay không, nhưng hành vi đánh thực khách bị trọng thương như vậy là không thể chấp nhận. Cách hành xử côn đồ cần phải bị nghiêm trị để làm gương".

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.