Tìm một chỗ đứng trong bảng xếp hạng mới

15/12/2005 09:57 GMT+7

Những gì chúng ta đạt được trong hơn 10 năm đổi mới, và cũng là 10 năm cuối cùng của thế kỷ 20 để chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ thứ III là không nhỏ. Có thể nói, đó là những tích tụ về cơ sở vật chất, đặc biệt là tạo một niềm tin cho dân tộc ta để tiếp tục đi tới thế kỷ 21.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tuy số hộ giàu cỡ 1 tỉ đồng trở lên chỉ chiếm chưa tới 10% nhưng những chỉ dẫn cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục có một chính sách đúng, một đường lối đổi mới được đẩy mạnh thì số người biết làm ăn, số người giàu có thực sự, làm ăn chân chính sẽ tăng lên rất nhiều, kể cả khu vực nông thôn. Bây giờ, nếu kêu gọi đầu tư trong nước, chưa có một cá nhân hoặc công ty nào không liên doanh với nước ngoài mà lại có thể bỏ ra cho một công trình lên đến 30 triệu USD, chứ đừng nói đến con số trăm triệu. Vốn đầu tư trên chục triệu USD trở lên đều là của nước ngoài.

Theo điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam về thu nhập của các vùng dân cư, sự phát triển kinh tế trong những năm qua có nảy sinh sự chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy hầu như những người nghèo được khá giả lên chứ không phải bị bần cùng hóa, tức là những người nghèo khó nhất trong xã hội cũng đều được thừa hưởng những thành quả của đổi mới. Kết quả này cho thấy những định hướng của đổi mới là hoàn toàn đúng đắn (Xem bảng số liệu của Tổng cục Thống kê ở cuối bài).

Điều đó nói lên rằng, nước ta chưa có số lượng người giàu nhiều lắm và chẳng gì đáng phải lo sợ. Một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước tâm sự với báo chí hồi đầu năm dương lịch như vậy (có thể tôi dẫn không đúng y nguyên văn).

Một học giả có tiếng ở Việt Nam viết về thực trạng kinh tế  của nước ta hiện nay cho rằng: cái nghịch lý là vừa yểm trợ, vừa rào đón; một nền kinh tế như thế sẽ dị dạng.

Đúng. Chúng ta ban hành chính sách, chúng ta cố xúi dân làm giàu. Chúng ta tiếp tục phát huy các thành phần kinh tế, phát huy cả nội lực và ngoại lực, triệt để khai thác đất đai hoang hóa, giải phóng sức sản xuất. Nhưng thực lòng ta cũng sợ nó biến dạng kiểu này kiểu khác dù trên giấy tờ văn bản, cả luật pháp đều cho phép, có khi ta nói quá trình này có thể diễn ra rất nhiều thập niên, nhưng khi thông qua Luật Đất đai sửa đổi thì ta lại phân vân, chỉ dám dừng lại ở thời hạn giao đất là 20 năm, ngay cả đối với người nông dân trực tiếp canh tác.

Chỉ khi nào chúng ta xác lập được một cơ sở lý luận song hành với các chính sách đổi mới rằng: cho phép và cổ vũ một bộ phận người dân, một số vùng phải giàu lên trước bằng con đường lao động chân chính và kinh doanh hợp pháp, không thể duy trì thái độ nghi kỵ ngay cả với những người giàu bằng làm ăn chân chính và hợp pháp. Khi chúng ta dứt khoát được với quan niệm bình quân chủ nghĩa thì lúc đó mới có thể xác lập được một chính sách ổn định lâu dài và có niềm tin; và nếu như chúng ta cổ xúy sự làm ăn chân chính, những thu nhập hợp pháp thì sẽ loại được ra khỏi xã hội những thu nhập bất hợp pháp và góp phần loại trừ cái chúng ta cần chống một cách sống còn nhất là nạn tham nhũng.

Nhìn vào bảng xếp hạng "Điều tra về tính cạnh tranh toàn cầu 1997", do Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành với 3.000 doanh nghiệp, trong đó có 51 doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Việt Nam - cuộc điều tra được tiến hành trước khủng hoảng - có thể thấy những trở ngại về pháp lý và ngoại thương là yếu kém nhất khu vực, các qui định của Chính phủ về hoạt động của doanh nghiệp và việc thực hiện chúng là không nhất quán. Việt Nam chỉ hơn Ấn Độ và Trung Mỹ. Một điều tra khác do Tổ chức Tính minh bạch quốc tế chuyên theo dõi về tính minh bạch và tham nhũng đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 43/52 nước.

Cái khó nhất của chúng ta hiện nay là bằng mọi nỗ lực, Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tìm cách đưa đất nước vượt lên đứng ở vị trí tương đối cao trong các bảng xếp hạng của thế giới, bởi hiện nay bình quân thu nhập của ta khoảng 300 USD/ đầu người là còn rất thấp.

Đường lối đổi mới được khởi động từ Đại hội VI (1986) đã đi vào đời sống và được xã hội hoan hỉ chấp nhận nó là khá rõ, các mục tiêu cũng dễ dàng nhận ra. Cuối năm 1998 và đầu 1999, Hội nghị lần thứ 6 (I và II) của BCH T.Ư khóa 8 cũng đặt trọng tâm vào việc phát huy nội lực, tháo gỡ cho nền kinh tế tiếp tục đổi mới và phát triển để chuẩn bị bước vào thế kỷ mới.

Song những trở lực, thách thức khách quan và cả phía chủ quan như chúng ta từng biết, cũng không thể xem là dễ vượt qua.

Tố độ tăng thu nhập bình quân đầu người qua các năm
Tỷ lệ % so với năm trước

Thành thị

Trong đó: đô thị lớn

Nông thôn

1995

25,9

27,1

22,2

1996

12,6

13,9

8,9

1997

11,0

12,0

9,6

1998

17,6

17,9

15,5

Thu nhập bình quân đầu người/tháng ở nông thôn 1998 ước đạt 249.000đ



Chênh lệch thu nhập Nông thôn - Thành thị

- Năm 1994 gấp 2,55 lần  (đô thị lớn gấp 3,19 lần)
- Năm 1995 gấp 2,63 lần  (đô thị lớn gấp 3,32 lần)
- Năm 1996 gấp 2,71 lần  (đô thị lớn gấp 3,47 lần)
- Năm 1997 gấp 2,75 lần  (đô thị lớn gấp 3,54 lần)
- Năm 1998 gấp 2,80 lần  (đô thị lớn gấp 3,62 lần)

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên Bán Nguyệt San Xuân Kỷ Mão 1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.