Vợ chồng chì chiết, lục ví nhau... làm sao xử phạt?

12/07/2013 10:45 GMT+7

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng một số quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình như vợ chồng chì chiết, kiểm soát tài chính của nhau… sẽ khó khả thi trong cuộc sống.

Những quy định trên được nêu trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, dự thảo quy định phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (hoặc ngược lại) hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho người đó cũng như thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại; phạt đến 2 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán tờ rơi hoặc sử dụng các phương tiện thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Dự thảo cũng quy định có thể phạt 1 triệu đồng nếu chồng ép buộc vợ, con, thành viên gia đình (hoặc ngược lại) ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm hoặc lúc trời mưa, bão, gió rét; ép buộc vợ/chồng của người có hành vi bạo lực sống chung một nhà hoặc ngủ chung phòng với người tình của người có hành vi bạo lực. Người biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, cũng có thể bị phạt 300.000 đồng.

 

Một trường hợp người vợ bị chồng đày đọa bằng cách ghé vào tai chửi... nhưng cơ quan chức năng không xử lý được do người chồng phủ nhận và không có người thứ ba làm chứng

 Luật sư Phạm Thanh Sơn

Chứng cứ đâu ?

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông  Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia VN, cho rằng các quy định xử phạt tại dự thảo nghị định của Bộ Công an là không mới, mà đã được quy định tại Nghị định 110/2009 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Rất nhiều hành vi trên lĩnh vực này chưa từng được xử lý trên thực tế mặc dù các hành vi bạo lực gia đình diễn ra khá phổ biến.

Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó ban Luật pháp chính sách của Hội LHPN VN, cũng nhìn nhận qua 5 năm tổng kết luật phòng chống bạo lực gia đình, ngoài các vụ án giết người gây thương tích nặng có xử lý hình sự thì các hành vi về hành chính hầu như không xử lý được. “Nguyên nhân là một số trường hợp chuẩn bị xử lý thì người bị hại đã làm đơn bãi nại”, bà Vân nói.

Bên cạnh đó, bà Vân cũng cho rằng, một số quy định đưa ra mơ hồ, thiếu sự chặt chẽ. “Nếu một người chồng ham mê cờ bạc mà người vợ muốn giữ tài sản để đảm bảo cho cuộc sống gia đình thì có bị khép vào hành vi dự thảo đưa ra việc “kiểm soát chặt chẽ về kinh tế” hay không? Thậm chí trong trường hợp tiền ai nấy giữ mà vợ lục ví chồng, muốn phạt thì ai là người đứng ra làm chứng? Đây là những vấn đề rất khó”, bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, quy định nói trên có thể xử lý được trong trường hợp luật Hôn nhân gia đình có quy định… lập quỹ chung của vợ hoặc chồng, phương thức sử dụng. Song thực tế thì việc quỹ chung hay không do thỏa thuận của vợ chồng, và cơ quan chức năng không có cơ sở nào để xử lý.

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Quốc Anh phân tích tiền bạc của chồng hay vợ được coi là tài sản chung, nếu chồng bị phạt tiền thì vợ cũng gián tiếp bị “mất tiền oan”. “Điều này sẽ khiến người trong cuộc chịu đựng thay vì mất tiền phạt. Ngoài ra, việc bị phạt cũng sẽ khiến trong gia đình bất hòa”, ông Quốc Anh nói.

Về quy định phạt tiền đối với vợ hoặc chồng lăng mạ chì chiết nhau, luật sư Phạm Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư Nam Hà Nội, kể ông từng chứng kiến một trường hợp người vợ bị chồng đày đọa bằng cách ghé vào tai chửi. “Mỗi lần bị như thế người vợ như muốn phát điên, gào thét, nhưng cơ quan chức năng không xử lý được do người chồng phủ nhận và không có người thứ ba làm chứng”, luật sư Sơn kể.

Ông Sơn cũng cho rằng, trong việc nuôi dạy con cái hiện nay sẽ có những tình huống bố mẹ to tiếng hoặc dọa con, chiếu theo quy định thì đã vi phạm nhưng thực tế có xử lý được hay không thì lại là chuyện khác. “Với quy định tại dự thảo, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cố gắng để đảm bảo xử lý các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, quan hệ gia đình nên điều chỉnh bằng quan hệ tình cảm để tạo ra sự hòa hợp với nhau, chứ cái gì cũng luật thì con người sẽ trở nên như cái máy”, ông Sơn nói. Còn bà Hà Thị Thanh Vân nêu quan điểm: “Trong việc xử lý hành chính về bạo lực gia đình, tôi cho rằng cần ít nhưng mà tinh còn hơn dàn trải nhưng không thực thi được khiến mọi người nhờn pháp luật”.

Sẽ sửa đổi quy định thiếu thực tế

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an, cho biết dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, nếu có những quy định nào thiếu thực tế cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung, sửa đổi.

Thái Sơn

>> Vợ chồng Hồ Hoài Anh tiếp tục bùng nổ
>> Cặp vợ chồng ba lần sinh đôi
>> Vợ chồng không… chính chủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.