Ý kiến của bạn đọc về bài viết: "Nhạc "sến" là nhạc gì?"

25/08/2005 09:10 GMT+7

Trong những ngày qua chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc gửi về trao đổi xung quanh vấn đề Nhạc "sến" là nhạc gì? Dưới đây là một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này:

* Cần bàn tiếp chuyện "sến"

Tôi rất mừng khi đọc được bài viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan. Thực sự tôi đã nghe rất nhiều từ "sến" và đôi khi cũng dùng để chê bai. Nhưng tôi không mô tả được chính xác thế nào là "sến". Tôi cảm thấy bài viết này của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan thật thuyết phục và thẳng thắn. Tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới với nỗ lực của các nhà văn, nhà báo các nhà làm nghệ thuật thì "sến" sẽ bớt đi để Văn hóa Việt được trong sáng và phát triển hơn. Tôi cũng hy vọng Thanh Niên sẽ vẫn tiếp tục duy trì những bài viết và quan điểm thẳng thắn như vậy. Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan và báo Thanh Niên.

Trần Thanh Huyền (Q.3, TP.HCM)

* Sau khi đọc một số bài viết về chủ đề nhạc "sến" là nhạc gì tôi cũng có một số ý kiến như sau:

Thực ra tôi mới ở tuổi 26 nên không nắm được nguồn gốc của từ nhạc sến. Nhưng theo cảm nhận của tôi, người rất quan tâm và thích dòng nhạc trước năm 1975 thì dòng nhạc sến là dòng nhạc bình dân nên hầu hết mọi người ai cũng từng nghe và từng hát. Do ca từ cũng như giai điệu (chủ yếu là boléro) rất gần gủi và dễ nghe nên rất dễ đi vào lòng người.

Xin hỏi tất cả mọi người Việt Nam xem có ai chưa từng nghe và từng hát nhạc "sến"? (trừ các bạn quá trẻ không có dịp tiếp xúc với dòng nhạc này). Bất kỳ ai đã từng nghe thì đều đã từng hát tuy không hết một bài nhưng vẫn nhớ và hát một vài đoạn trong một vài bài. Tiếc thay, mặc dù nó rất gần gủi nhưng do một số yếu tố như: ca sĩ trình bày quá điệu đàng, một số nhạc sĩ đã đưa vào bài nhạc của mình những lời lẽ quá ư là bi thảm,... đã làm cho một số người nghe cảm thấy chán nản với dòng nhạc này và xem chúng như dòng nhạc "nghèo".

Còn vấn đề có bạn cho rằng dòng nhạc trước năm 1975 toàn là nhạc sến thì hoàn toàn không chính xác. Có thể nói những nhạc sĩ như: Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh,... sáng tác rất nhiều bài điệu boléro nên có thể xem là nhạc sến. Nhưng các bạn có biết những đại thụ trong làng nhạc Việt Nam trước năm 1975 như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên,... mà cũng liệt kê vào dòng nhạc sến thì thật sự không thể chấp nhận được.

Tóm lại, âm nhạc là món ăn tinh thần nên khi người nghe cảm được là đã đạt yêu cầu. Đừng nên vì một lí do nào đó chia ra là nhạc "nghèo" hay nhạc "giàu" mà làm gì. Chúng ta hãy cứ phân biệt nhạc trước năm 1975 và sau năm 1975, hay dòng nhạc cũ và dòng nhạc hiện đại để thấy được những bất cập trong dòng nhạc hiện đại. Như mọi người đều biết, dòng nhạc cũ có thể là sến hay không sến, nhưng đa số là lời lẽ mượt mà, giai điệu thiết tha chứ không như dòng nhạc "mì ăn liền" hiện tại. Rất mong mọi người đóng góp ý kiến và đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nhạc vô hồn trong dòng nhạc hiện đại. Rất mong nhận được sự chia sẻ của mọi người.

Lam Truyen Duc (Q.1, TP.HCM)

* Tôi là thế hệ sinh sau năm 1975, tuổi đời còn khá trẻ (22 tuổi), có thể trình độ cảm thụ âm nhạc của tôi chưa phải là sâu sắc, nhưng thiết nghĩ dòng nhạc được gọi là "sến" kia thực sự là âm nhạc, bởi trong ca từ luôn có chất thơ, thơ và nhạc luôn hòa điệu tạo thành một cung điệu du dương, réo rắt mà thực sự bây giờ để tìm được trong dòng "nhạc trẻ" hiện nay đó là điều rất khó. Nói thế không phải tôi phủ nhận tất cả dòng nhạc mới hiện nay nhưng nếu chúng ta biết nghe và có sự lựa chọn trong thưởng thức thì sẽ hay hơn.

Trần Thị Diệu Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 

* Cần có cái nhìn công bằng hơn về nhạc "sến". Tôi thấy rất thú vị khi được xem những quan điểm khác nhau về nhạc sến, ai cũng có cái lý của mình. Tuy nhiên theo tôi, cần phải có một cách nhìn công bằng hơn với nhạc "sến". Quả thật trong dòng nhạc này có nhiều bài từ giai điệu, ca từ cho đến cách thể hiện của ca sĩ quá rên rỉ não nề, cần phải chọn lọc nhưng bên cạnh đó có rất nhiều bài mang đậm chất dân ca làm xúc động lòng người qua bao thế hệ và đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Vì vậy chúng ta không nên vơ đũa cả nắm và không nên dùng từ "sến" mang hàm ý đầy miệt thị để chỉ dòng nhạc này. Định hướng âm nhạc là cần thiết nhưng đừng vì ý thích của cá nhân mà chê bai, khinh rẻ dòng nhạc mà mình không thích. m nhạc là món ăn tinh thần, nó theo cảm quan của từng người, mà đã là "món ăn" thì mỗi người một ý. Anh thấy món phở ngon nhưng tôi không thích thì sao anh bắt tôi ăn được. Thế cho nên mới có chuyện nhạc giao hưởng thính phòng được mệnh danh là "m nhạc bác học" và ai cũng thừa nhận điều đó tuy nhiên không phải ai cũng muốn nghe.

Trên diễn đàn các nhà phê bình tha hồ đưa ra quan điểm đầy lý luận đúng đắn để phê phán dòng nhạc "sến" nhưng ở khắp nơi người dân vẫn cứ nghe, điều đó cũng đủ chứng minh sức sống của nó. Đừng cho tôi là thiên vị bởi vì dòng nhạc từ nhỏ đã ngấm sâu vào tâm hồn tôi là nhạc cách mạng vì tôi được sinh ra trong thời kỳ còn bao cấp nên những giai điệu đẹp, ca từ trong sáng của thể loại này đã thấm trong tôi. Nhưng tôi cũng rất xúc động khi được nghe những ca khúc mang đậm chất dân ca, đậm chất "Việt" qua sự thể hiện của các giọng ca ngọt ngào như Hương Lan, Thùy Trang, Cẩm Ly, Vân khánh, Quang Linh... Cảm ơn các nghệ sĩ và các nhạc sĩ đã cống hiến một món ăn tinh thần có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Chúng tôi luôn ủng hộ các anh chị!

Thái Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM)

* Có những bài nhạc rất dễ nhớ, dễ hát vì giai điệu và ca từ đơn giản và gần gủi với đại đa số quần chúng lao động. Những bài hát này được lặp đi lặp lại khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê. Nó phổ biến đến độ người nào đó (không thích nó) nghe phát chán rồi phán một câu đó là nhạc "sến". Họ ám chỉ đây là thị hiếu tầm thường của người bình dân! Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là tại sao nó lại được phổ biến rộng rãi như thế? Như vậy nó không phải dở! Nếu dở làm sao nó đi vào lòng quần chúng đươc. Vậy "sến" (nghĩa là thấp kém, hèn, dở...) không áp dụng vào âm nhạc đươc. Vì vậy "sến" chẳng qua là một từ lóng vô nghĩa, không có trong tự điển tiếng Việt dành cho âm nhạc, chẳng có liên quan gì tới âm nhạc cả.

Trương Mộng Nhi (TP. Biên Hòa)

* Theo tôi người ta đã quen dùng khái niệm nhạc sến với hàm ý cho rằng bài hát ấy "dễ dãi" thế nào đó theo cảm tính. Cho nên sến với người này nhưng không là sến với người kia. Thế nên chẳng có tiêu chí nào để phân loại đâu là nhạc sến và đâu là không sến. Bản nhạc tự nó sẽ khẳng định giá trị của nó cùng với thời gian. Còn thị hiếu âm nhạc của quần chúng thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nếu bọn trẻ bây giờ cứ gào thét những bài hát chẳng ra gì thì các nhà quản lý, nhà giáo, các bậc cha mẹ phải tự hỏi lại mình.

Phan Thế An (Kiên Giang)

* Tôi đã đọc loạt bài về nhạc sến hay không sến trên báo Thanh Niên và tôi cũng muốn đưa ra vài cảm nghĩ của mình:

Theo tôi, thưởng thức âm nhạc là nhu cầu giải trí của con người, dù trong bất cứ xã hội nào, bất cứ thời điểm nào. Mà đã nói giải trí, nghĩa là mỗi người có cách giải trí thích hợp cho mình.

Ai cũng có thể ngạc nhiên, dị ứng hay áp đặt những ngôn từ "hay", "không hay" cho một bài nhạc nào đó? Nhưng bảo người khác đồng ý với cách nghĩ của mình thì quả thật là điều đáng ngạc nhiên nhất. Không khác gì nói rằng: "Anh (chị) hãy giải trí theo cách của tôi!".

Nhu cầu giải trí của tôi, dĩ nhiên tôi thích nhạc thâm trầm, lắng đọng một chút. Nhưng tôi biết rằng nhiều người lại thích nhạc có nhịp điệu sôi nổi,... Tôi nghĩ, họ thích vì thấy nhạc ấy hạp với họ. Thế thôi. Chê thì tôi không dám, nhưng không ai có quyền buộc tôi thích như họ.

Nguyễn Đức Uyên (Q.3, TP.HCM)

* Một cái nhìn về "sến". Tôi sinh năm 1974, công tác tại ĐH Cần Thơ và hiện đang du học tại Mỹ. Tôi lớn lên trong một vùng quê ở tỉnh Bến Tre, nơi ít nhiều đóng góp vài tài năng trong lĩnh vực cải lương - một nghệ thuật thường bị dè bĩu đặt vào nhóm "sến". Có một điều tôi muốn nói là nếu như ai đó khen tôi có cách sống hay có một nét đạo đức nào đó hay thì tôi xin nói đó là nhờ vào những tuồng cải lương và rất nhiều nhạc trữ tình quê hương mà tôi đã nghe từ nhỏ.

Hành trang tôi mang theo mình khi đi du học là một tập ảnh gia đính, vài băng cát-sét với các tuồng cải lương như "Tuyệt tình ca", "Bên cầu dệt lụa", "Đường gươm nguyên bá", một băng tuyển các bài ca cổ "Quán gấm đầu làng"... và những băng cát-sét với các bài "Lòng mẹ", "Ơn nghĩa sinh thành"... Khi ở Việt Nam, mỗi lần có dịp hát karaoke, tôi hay chọn những bài mà người ta có khi khinh miệt gọi là "sến".

Mùa hè rồi tôi về thăm gia đình và có dịp gặp lại một số người quen, đa số nhỏ hơn tôi trên dưới 10 tuổi, trong đó có một người du học ở Hà Lan, một du học ở Singapore, một du học ở Mỹ đang về nghỉ hè và một anh bạn đang học ở ĐH Bách Khoa TP.HCM. Chúng tôi tìm mướn những đĩa DVD nhạc "sến" va say sưa ngồi nghe và hứng chí hát theo... Tôi chỉ muốn nói lên một điều: chính nhiều bài hát trữ tình quê hương, tình yêu...; chính những tuồng cải lương hay đã dạy cho tôi cách sống của một người Việt Nam, dạy tôi yêu đất nước, dạy tôi yêu quý cha mẹ, gia đình, lối xóm của mình...hay nói khác hơn: dạy cho tôi chữ "làm người". Dĩ nhiên tôi còn học ở những nguồn khác như sách báo, phim ảnh...(Và dĩ nhiên không phải bất kỳ bài hát bị coi là "sến" nào hay bất kỳ tuồng cải lương nào cũng hay).

Những ngày sống trên nước Mỹ này tôi rất thèm "...rau đắng mọc sau hè", tiếc thay những người chủ vườn ở đây không ai "trồng" được cho tôi loại rau đó... Tôi chỉ mong rau đắng mọc đầy vườn ở quê nhà, nhiều người sẽ được ấm no với những "ngày mùa", các đôi trai gái có được "Tình thắm duyên quê", có thật nhiều chàng Trần Minh, nhiều anh Nhuận Điền, rất nhiều Quỳnh Nga... Những hình ảnh mà tôi tìm mãi không ra trong những "hãy đến bên nhau tình yêu dối lừa"... hay "Tình yêu đi em không hề nuối tiếc"... Và nếu ai đó "lỡ" còn mấy băng cải lương hay những băng nhạc bị coi là sến thay vì quăng bỏ đi xin gửi lại cho tôi để tôi lấy đó làm một phần "bài giảng" về đạo đức, lối sống... đối với hai cô công chúa nhỏ tuổi của vợ chồng tôi...

Huỳnh Văn Hiến (Michigan State University, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.