Toàn cảnh 47 ngày chống dịch Covid-19 tại Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/04/2020 08:37 GMT+7

Kể từ ngày 6.3 với bệnh nhân thứ 17 trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam, cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của dịch Covid-19 .

Tới sáng 24.4, Việt Nam bước sang ngày thứ 8 không có thêm bệnh nhân Covid-19 mới được ghi nhận. Cả nước vẫn chỉ có số bệnh nhân là 268 người (tính cả giai đoạn 1), trong đó đã có 224 bệnh nhân khỏi bệnh, chiếm 84%.
Trong giai đoạn 2 của dịch bệnh (từ 6.3 tới nay), Việt Nam ghi nhận 252 bệnh nhân mới, trong đó, có tới hơn 100 bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm khoảng 40%.

Bệnh nhân 17 và chuyến bay VN0054

Tối 6.3, Hà Nội họp khẩn lúc 22 giờ đêm công bố bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của thủ đô, cũng là bệnh nhân thứ 17 của cả nước. Sau gần 1 tháng không ghi nhận ca bệnh mới, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh Covid-19.
Bệnh nhân thứ 17 là một hành khách trên chuyến bay VN0054 khởi hành từ London (Anh) về sân bay Nội Bài, hạ cánh sáng 2.3. Cùng với bệnh nhân 17, 20 ca bệnh khác là hành khách trên chuyến bay VN0054 lần lượt được công bố. Trong thời gian sống trong cộng đồng, bệnh nhân 17 cũng nhiễm bệnh cho 3 người khác, gồm bác gái (bệnh nhân số 19), lái xe riêng (bệnh nhân 20) và người giúp việc cho mình (bệnh nhân 47).
Những ngày sau đó, Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca bệnh mới, chủ yếu là những ca bệnh “xâm nhập”, là người Việt Nam trở về từ nước ngoài hoặc người nước ngoài đến Việt Nam nhập cảnh qua đường hàng không. Tương tự ca bệnh số 17, nhiều ca bệnh xâm nhập sau đó đã lây nhiễm cho những người khác trong cộng đồng, thậm chí tạo ra các “ổ dịch nội địa”.

Đã bước qua ngày thứ 8, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19 mới

Đồ họa Lê Hiệp

Ngày 10.3, Việt Nam ghi nhận thêm bệnh nhân 34 sống tại Bình Thuận, trở về từ Mỹ. Bệnh nhân này sau đó đã trở thành nguồn lây cho 11 bệnh nhân khác, trong đó có 5 người thân, 3 người tiếp xúc trực tiếp và 3 người khác nhiễm bệnh do tiếp xúc với những người tiếp xúc với bệnh nhân 34.
Nhằm tránh tình trạng tương tự, Bộ Y tế đã liên tục phải ra thông báo khẩn để tìm kiếm hành khách trên 19 chuyến bay có các hành khách đã được xác nhận nhiễm Covid-19, đề nghị cách hành khách này liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi sức khỏe.
Với nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, ngày 17.3, để ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, từ 0 giờ ngày 18.3.
Chiều 19.3, Vietnam Airlines thông báo tạm dừng tất cả đường bay quốc tế đến hết 30.4. Lần lượt sau đó, các hãng hàng không khác cũng dừng khai thác các đường bay quốc tế.

Từ 21.3, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài và cách ly tập trung với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn dịch từ nước ngoài

Ảnh Ngọc Dương

Tới ngày 21.3, Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22.3, đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Các cửa khẩu đường bộ tiếp giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng được thắt chặt, tăng cường nhân lực nhằm đối phó với dịch bệnh.
Chính sách ngừng cho nhập cảnh với người nước ngoài, dừng các đường bay quốc tế đã có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập. Việc cách ly tập trung bắt buộc với mọi trường hợp nhập cảnh cũng khiến các ca bệnh mới chủ yếu được phát hiện từ các khu cách ly, không tạo ra các ổ dịch cộng đồng như bệnh nhân 17 hay bệnh nhân 34.

Ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai

Chiều 20.3, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân Covid-19 thứ 86 và 87 là 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đáng nói là tiền sử dịch tễ của 2 bệnh nhân này không cho thấy nguồn lây virus khi cả 2 đều không có lịch sử tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 91, là phi công của Vietnam Airlines về từ Anh.
Ba bệnh nhân này là những bệnh nhân đầu tiên được công bố của 2 ổ dịch cộng đồng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh: ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha.

45 bệnh nhân tại ổ dịch Bạch Mai giai đoạn đầu (chưa tính bệnh nhân 243 và 266). Tới nay, hầu hết các bệnh nhân đều đã khỏi bệnh

Đồ họa Lê Hiệp

Tới nay, từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã có 58 bệnh nhân liên quan (tính cả bệnh nhân 243 và các bệnh nhân liên quan tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Trong số này, 27 bệnh nhân là nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh, cung cấp suất ăn, nước uống cho bệnh viện này. Các trường hợp còn lại là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai đã bị đóng cửa để thực hiện cách ly từ ngày 28.3. Hơn 40.000 người là nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từng đến bệnh viện Bạch Mai trong tháng 3 đã được tiến hành rà soát. Tới nay, hầu hết các bệnh nhân liên quan ổ dịch này đều đã khỏi bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã mở cửa hoạt động trở lại.

Bệnh viện Bạch Mai trong ngày gỡ phong tỏa

Ảnh Trần Cường

Tương tự, ổ dịch từ quán bar Buddha được cho là bắt nguồn từ một bữa tiệc được tổ chức tại đây ngày 14.3. Đã có 19 bệnh nhân Covid-19 liên quan tới ổ dịch này, trong đó, 14 người từng có mặt trong bữa tiệc. 5 trường hợp còn lại bị lây nhiễm do tiếp xúc với những người này.
Với 2 ổ dịch này, Việt Nam bước vào giai đoạn mà các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với các ổ dịch nội địa và không thể xác định được F0. Trước nguy cơ lây lan trong cộng đồng từ 2 ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha, cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa các hàng quán cung cấp dịch vụ không thiết yếu, hạn chế tụ tập đông người…

Thực hiện "cách ly toàn xã hội"

Ngày 27.3, để kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 từ 28.3 đến hết 15.4.
Chỉ thị 15 yêu cầu dừng các hoạt động tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập quá 10 người ở ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách 2 m giữa người với người nơi công cộng; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, ngừng mọi hoạt động thể thao, văn hoá, giải trí tại nơi công cộng; đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; hạn chế việc di chuyển của người dân, đặc biệt là từ các địa phương có dịch…

Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, lực lượng chức năng tổ chức các đội tuần tra, nhắc nhở người dân không ra đường nếu không có việc cần thiết

Ảnh Trần Cường

Tiếp đó, ngày 31.3, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong 15 ngày, từ 0 giờ ngày 1.4 đến hết ngày 15.4 trên phạm vi toàn quốc.
Chỉ thị 16 yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Theo Chỉ thị 16, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các phương tiện vận tải công cộng như xe khách, taxi, taxi, xe ôm (cả taxi, xe ôm công nghệ) đều dừng hoạt động. Mỗi ngày chỉ có 2 chuyến bay tuyến nội địa từ Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh và ngược lại, tất cả các đường bay khác đều tạm dừng.

Những người dân có hoàn cảnh khó khăn xếp hàng nhận gạo từ những cây "ATM gạo" từ thiện có ở nhiều nơi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong những ngày cách ly xã hội

Ảnh Trần Cường

Trong những ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đóng cửa các công trình công cộng, lập các tổ công tác liên tục đi tuần tra, tuyên truyền và nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, ở một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình… đã xảy ra tình trạng cực đoan, thực hiện sai chỉ đạo, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Tới ngày 4.4, Văn phòng Chính phủ đã ra tiếp văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó, ngoài việc giải thích rõ những trường hợp nào được phép ra ngoài, cơ sở nào được phép tiếp tục hoạt động, Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16 để bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Chung sống an toàn với dịch bệnh

Từ đầu tháng 4, số bệnh nhân Covid-19 mới được ghi nhận giảm xuống một cách rõ rệt. Số bệnh nhân phát hiện mỗi ngày chỉ từ 1 - 5 trường hợp, thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước.
Diễn biến đáng lưu ý nhất của dịch bệnh trong tháng 4 là bệnh nhân 243. Vào 6.4, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 243 của Việt Nam tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân được phát hiện thông qua việc việc rà soát, sàng lọc các bệnh nhân từng tới khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ đầu tháng 3.
Bệnh nhân 243 trở thành nguồn lây nhiễm cho một ổ dịch mới trong cộng đồng tại Hà Nội khi những ngày sau đó, nhiều ca bệnh liên quan tới bệnh nhân này tại thôn Hạ Lôi được ghi nhận. Tới nay, đã có 12 bệnh nhân Covid-19 liên được ghi nhận tại ổ dịch này.

12 bệnh nhân tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ổ dịch ở Hạ Lôi cũng được cho là liên quan tới ổ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai

Đồ họa Lê Hiệp

Bệnh nhân 243 và ổ dịch thôn Hạ Lôi đã khiến nhiều người lo sợ về sự bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, khi các bệnh nhân được ghi nhận đều có lịch sử tiếp xúc phức tạp, trong đó có cả công nhân nhà máy của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. Từ chiều 7.4, TP.Hà Nội đã quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, nơi ở của bệnh nhân 243) với 2.937 hộ, gồm 10.872 nhân khẩu.
Tuy nhiên, tới nay, ngoài 12 ca bệnh được ghi nhận, chưa có thêm trường hợp nào liên quan tới ổ dịch này. Các mẫu xét nghiệm các đối tượng nguy cơ đều cho kết quả âm tính. Kể từ ngày 14.4, mỗi ngày Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mới và từ 17.4 tới nay không có thêm ca bệnh mới nào.
Ngày 15.4, sau khi hết thời gian cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương, phân thành 3 nhóm: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 10 tỉnh thành khác được xếp vào nhóm nguy cơ cao, được đề nghị cách ly xã hội tới 22.4 hoặc 30.4.
Tới ngày 17.4, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, lần đầu tiên đã đưa ra thông điệp “tiến tới chung sống an toàn với dịch Covid-19” bên cạnh các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh.

Người dân đi làm trở lại sau khi hết thời gian cách ly xã hội vào sáng 23.4

Ảnh Trần Cường

Tới ngày 22.4, sau khi kết thúc 1 tuần kéo dài thời gian cách ly xã hội, gần 1 tuần không ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19 nào mới, trong khi hơn 80% bệnh nhân đã khỏi bệnh, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng cách ly xã hội trên cả nước, trừ một số khu vực tại các địa phương như 2 huyện Mê Linh, Thường Tín của Hà Nội hay huyện Đồng Văn của Hà Giang. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch khuyến cáo “chung sống an toàn nhưng không được chủ quan”.
Từ sáng 23.4, một số hoạt động dịch vụ, giao thông công cộng trở lại hoạt động bình thường. Một số địa phương bắt đầu cho học sinh đi học trở lại sau nhiều tháng phải nghỉ học, trong khi một số địa phương lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Việt Nam kết thúc 47 ngày chống dịch Covid-19 giai đoạn 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.