Tốc độ tăng dân số cơ học cao gây khó cho mô hình giáo dục thông minh

Bích Thanh
Bích Thanh
20/12/2019 18:37 GMT+7

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tốc độ tăng dân số cơ học cao, số lượng học sinh tăng tạo áp lực đầu tư xây dựng trường lớp ... đã ảnh hưởng quá trình thực hiện mô hình giáo dục thông minh.

Ngày 20.12, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo Giáo dục thông minh tại TP.HCM. Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, cho biết thành phố là đô thị lớn, hiện có 54 trường ĐH, 52 trường CĐ, 64 trường trung cấp, gần 2.300 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh, trí tuệ và nguồn lực xã hội để xây dựng giáo dục thông minh là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Cũng theo ông Liêm, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, thành phố đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh. Điều này đặt ra cho ngành giáo dục một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống chuyển sang mô hình giáo dục thông minh mà trong đó việc kế thừa các ưu điểm của các phương pháp giáo dục truyền thống với việc tận dụng khoa học, công nghệ cho giáo dục thông minh theo xu thế thế giới.

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quá trình triển khai thực hiện mô hình giáo dục thông minh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như tốc độ tăng dân số cơ học quá cao, số lượng học sinh tăng rất nhanh tạo ra áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh, ngoài ra đây cũng là rào cản cho mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với việc truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định trong thời gian dài đã khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo. Trong khi đó, giáo dục thông minh gồm cả lớp truyền thống và lớp học ảo, tài liệu in và tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học tập mọi lúc, mọi nơi. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tích cực thay đổi nhận thức, thái độ. Đặc biệt, kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh.

Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục, việc triển khai các ứng dụng CNTT và truyền thông trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng CNTT, viễn thông chưa thật sự hiệu quả, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều, còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối vào hệ thống chung của thành phố thông minh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.