Tôi bắt đầu yêu Hà Nội trong trái tim miền Trung của mình...

18/02/2021 10:43 GMT+7

Ai cũng có thể có một Hà Nội, và để lại nơi đó nhịp đập của trái tim mình.

Đứa con xa quê bay về

Đối với tôi, Hà Nội là “về” chứ không phải đến. Khi chưa về Hà Nội, thì Hà Nội là nơi "lắng hồn sông núi ngàn năm" mà tôi từng mơ ước. Và khi được về Hà Nội, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (tôi tham gia cuộc thi thơ về Hà Nội 2010 và được giải khuyến khích) thì tôi như đứa con xa quê quay quắt bay vào mùa thu, và tận hưởng vẻ đẹp ngàn năm Đông Đô.
Quả thật, Hà Nội đã cho tôi yêu bằng mùa thu của riêng tôi. Tôi không muốn đi theo bước Trịnh ca, hay Phú Quang, mà chỉ đi theo hạnh phúc thật của riêng mình. Bởi một Hà Nội rất khác trong từng trái tim.
Trước hết, tôi về với Hà Nội vỉa hè! Đúng vậy, Hà Nội có văn hóa vỉa hè rất đậm đà bản thể, qua từng góc phố ta sẽ thấy vỉa hè là cuộc sống, một gánh hàng hoa bất chợt sẽ làm Hà Nội đáng yêu hơn. Mùi Hà Nội ẩm ướt giọng trà, mùi cà phê thuốc lá, điếu cày. Nhất là món ăn Hà Nội, từng khiến trăm ngàn chiếc gai lưỡi rung lên.
Tôi ăn bún ốc mà nhớ hoài hương vị ốc, chuối, đậu chua cay trộn lẫn, ăn phở Lý Quốc Sư không thể nào quên “cái vị sành ăn” của Nguyễn Tuân sâu đằm thấm từng trang sách. Ăn trái chuối thâm kim, uống bát nước chè của bà lão chít khăn mỏ quạ bên đường; ăn hạt lạc rang, uống ly bia hơi bờ hồ bình dân giữa thủ đô nhà cổ, mới ngẫm ra giá trị của hồn Việt.

Tôi đã về thủ đô đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Ảnh Lưu Quang Phổ

Tôi được một bạn văn đưa về chơi nhà, để hiểu cung cách "thanh lịch" của người Tràng An, bạn cho tôi nếm cái hương vị chân thật của cốm làng Vòng nổi tiếng có một không hai. Cô em gái bạn lúc nào cũng “thưa vâng”, nghe diệu kỳ tiếng Việt. Và cái hương cốm lá sen đã đi vào thực quản hồn tôi, quả là mộc mạc và lắng đọng vị phù sa đồng bằng Bắc bộ.
Tôi bắt đầu yêu Hà Nội trong trái tim miền Trung của mình...

Hồn núi sông ngàn năm

Dĩ nhiên, sau khi lĩnh thưởng “cuộc thi thơ về Hà Nội”, tôi được đi tham quan nhiều nơi. Nhưng tôi lại quay lại, đi bằng chính tiếng mách bảo của trái tim mình. Nơi “lắng hồn sông núi” đầu tiên mà tôi đến là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thế rồi, tôi đi tìm các cụ rùa đội văn bia mà sờ, mà ngắm, mà lặng lẽ hồn thiêng. Tôi không biết là bao nhiêu văn bia như thế, nhưng tôi biết là tôi đã đi hết, không bỏ sót cụ rùa nào. Những đầu rùa bóng nhẵn, và tấm văn bia cao trọng kia đã khẳng định trong tôi về một nền văn hiến mà cha ông ta đã dày công gây dựng.
Nhiều, và nhiều thứ cho một chuyến đi, thứ ấn tượng để lại trong tôi dằn vặt, khắc khoải sau này, là tiếng hát xẩm... Ôi tiếng hát buồn thương, day dứt đưa ta về thế kỷ trước đầy chất Hà Nội hơn. Từng lời ca cùng tiếng kéo nhị như vắt qua tuổi tác.
Tôi bâng khuâng ôm vào lòng chừng ấy Hà Nội, để mà yêu. Một tình yêu đã được nuôi dưỡng trong dòng máu thuần Việt, chứ không phải tình yêu bình thường dành cho một thành phố đẹp. Lần đầu tiên đứng trước tượng đài Lý Thái Tổ mà ngẫm ngợi về Chiếu dời đô, bản hùng ca ngàn năm về tầm văn hóa và lịch sử dân tộc.
Có một điều tôi biết chắc rằng, không những tôi yêu Hà Nội, mà còn được Hà Nội yêu tôi. Vì thế, tôi mê mẩn ngắm Hồ Gươm chìm trong truyền thuyết Lê Lợi trả gươm, mà ngẫm, quả thật, không có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, hiếu hòa và kiên định, nên tôi hiểu vì sao Hà Nội được gọi là “Thành phố vì hòa bình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.